Phân tích DNA cổ đại từ các ngôi mộ thời kỳ đồ đá mới tại Çatalhöyük, một tiền đô thị 9.000 năm tuổi miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, cuối cùng đã chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài nhiều thập kỷ về bản chất tổ chức xã hội của cộng đồng này.
![]() |
Hài cốt một trẻ sơ sinh được chôn cùng một phụ nữ trưởng thành trong tòa nhà 114 tại Çatalhöyük. |
Theo kết quả của công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Science, Çatalhöyük không phải là một xã hội nam quyền như nhiều nơi khác cùng thời, mà tại đây, phụ nữ và trẻ em gái giữ vai trò then chốt trong đời sống gia đình và tín ngưỡng.
“Với Çatalhöyük, chúng ta đã có mô hình tổ chức xã hội được suy luận dựa trên di truyền học cổ xưa nhất trong các cộng đồng sản xuất lương thực”, tiến sĩ Mehmet Somel, đồng tác giả nghiên cứu và chuyên gia di truyền tiến hóa tại Đại học Kỹ thuật Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ), cho biết. “Và hóa ra đó là một xã hội trọng nữ”.
Biểu tượng nữ thần và những bằng chứng di truyền
Nằm ở phía Nam miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, Çatalhöyük được xây dựng vào khoảng năm 7100 TCN và duy trì sự phồn thịnh gần một thiên niên kỷ. Khu định cư rộng hơn 13 hecta này nổi tiếng với những ngôi nhà nối liền, cửa ra vào trên mái và các khu chôn cất nằm ngay dưới sàn nhà. Nhiều bức bích họa và tượng nhỏ hình phụ nữ từng được các nhà khảo cổ coi là dấu hiệu của một nền văn hóa thờ mẫu thần, phản ánh vai trò đặc biệt của nữ giới trong tín ngưỡng và nông nghiệp.
![]() |
Một bức tượng nữ được tìm thấy tại Çatalhöyük ở Thổ Nhĩ Kỳ. |
Từ thập niên 1960, nhà khảo cổ James Mellaart đã lập luận rằng Çatalhöyük là xã hội mẫu hệ, nơi nữ thần mẹ được tôn thờ để bảo đảm mùa màng bội thu. Tuy nhiên, đến những năm 1990, giáo sư Ian Hodder (Đại học Stanford) – người kế nhiệm các cuộc khai quật – lại cho rằng cư dân Çatalhöyük sống trong một cộng đồng khá bình đẳng, không có sự phân tầng quyền lực rõ rệt giữa hai giới.
Để làm sáng tỏ, nhóm của Somel và Hodder đã phân tích bộ gene của 131 bộ hài cốt có niên đại từ năm 7100 đến năm 5800 TCN, phát hiện một mô hình liên kết gia đình chặt chẽ. Những người thân thế hệ đầu tiên (cha mẹ, con cái, anh chị em ruột) thường được chôn cùng một ngôi nhà; còn thân nhân thế hệ thứ hai (cô chú, dì, cháu trai, cháu gái và ông bà) và thế hệ thứ ba (như anh chị em họ và ông bà cố) được chôn cất trong các khu gần kề. Đây là bằng chứng cho thấy cấu trúc gia đình hạt nhân hoặc mở rộng đóng vai trò trung tâm trong đời sống cộng đồng.
Mẫu hệ hay chỉ là dòng dõi nữ giới?
Một xu hướng thú vị khác trong các mối liên hệ giữa các ngôi mộ cho thấy mối liên kết gia đình được xác định dựa trên dòng dõi mẹ.
“Chúng tôi không hề đặt giả định trước về cấu trúc mẫu hệ,” Somel nhấn mạnh. “Nhưng kết quả cho thấy rõ ràng rằng tập quán trọng nam giới vốn phổ biến ở châu Âu thời kỳ đồ đá mới và đồ đồng không phải là tiêu chuẩn duy nhất”.
![]() |
Người phụ nữ ngồi của Çatalhöyük |
Ngoài ra, nhờ giải mã DNA, các nhà khoa học có thể xác định giới tính sinh học của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, điều vốn không thể phân tích qua hình thái xương. Phát hiện này chỉ ra rằng bé gái thường được chôn cùng nhiều tặng phẩm hơn, phản ánh vai trò đặc biệt của nữ giới ngay từ thuở ấu thơ.
“Đây là xã hội cổ nhất mà bằng chứng di truyền chỉ ra một tổ chức trọng nữ rõ rệt như vậy”, Jens Notroff, nhà khảo cổ tại Viện Khảo cổ Đức (không tham gia nghiên cứu), nhận định.
“Chúng tôi ưu tiên gọi đây là “xã hội trọng nữ” thay vì “mẫu hệ” vì thuật ngữ “mẫu hệ” gắn liền với cách xác định quan hệ họ hàng, trong khi bằng chứng chưa chắc đã nói lên mọi khía cạnh xã hội. Luôn tốt hơn khi thận trọng”, Somel giải thích.
Trong khi đó, giáo sư Benjamin Arbuckle (Đại học Bắc Carolina) cho rằng nếu các phát hiện này thiên về nam giới, có lẽ giới học thuật sẽ nhanh chóng kết luận về quyền lực phụ hệ. “Điều này phản ánh sự khó khăn cố hữu khi nhiều người vẫn chưa quen hình dung một thế giới nơi phụ nữ giữ vai trò trung tâm quyền lực”, ông viết trên Science.
![]() |
Phát hiện từ Çatalhöyük cũng đặt ra những câu hỏi lớn, như vì sao các xã hội tiền nông nghiệp ở châu Âu chuyển từ mô hình trọng nữ sang trọng nam, và sự thay đổi đó diễn ra khi nào. “Đây là câu hỏi hấp dẫn về thời điểm, cách thức và nguyên nhân khiến một biến đổi xã hội sâu sắc như vậy xảy ra”, Notroff nói.
Theo Somel, việc giải mã gene mới chỉ là bước đầu. Nhóm nghiên cứu hiện đang mở rộng phân tích sang các cộng đồng đồ đá cũ và sơ kỳ đồ đá mới ở vùng Lưỡng Hà và Tiểu Á nhằm tìm hiểu xem Çatalhöyük có phải là trường hợp đặc biệt hay là một phần của xu hướng rộng lớn hơn.
"Chúng tôi hiện đang tạo ra dữ liệu tương tự từ các xã hội sớm hơn trong khu vực", Somel tiết lộ. “Hy vọng trong thời gian không xa, chúng ta sẽ có thêm câu trả lời”.
Hóa thạch hộp sọ 146.000 năm hé lộ diện mạo của tổ tiên cổ đại
Đây là lần đầu tiên, một hóa thạch hộp sọ hoàn chỉnh của người Denisova được phát hiện.