Động thái này đã ngay lập tức làm dậy sóng dư luận quốc tế với cùng chung nhận định rằng nó có thể làm suy yếu sự hợp tác đa phương trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa có hồi kết.
WHO đứng trước thách thức nghiêm trọng
Nhìn lại quá trình hoạt động của WHO, tổ chức này ra đời vào ngày 7/4/1948 với sứ mệnh lịch sử là giúp phòng ngừa dịch bệnh (sau Chiến tranh Thế giới thứ II), xây dựng hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ xứng đáng với con người.
WHO là một trong 18 tổ chức của Liên hợp quốc, tự chủ về pháp lý, tài chính và tổ chức. WHO hiện có 194 thành viên. Các cơ quan quyền lực của WHO là Hội nghị y tế thế giới tiến hành mỗi năm một lần và Hội đồng điều hành. WHO đóng trụ sở ở Geneve (Thuỵ Sỹ) và có 6 văn phòng khu vực ở Copenhagen (Đan Mạch), Cairo (Ai Cập), Manila (Philippines), New Delhi (Ấn Độ), Washington D.C. (Mỹ) và Brazzaville (Cộng hoà Congo).
Ở thời chiến tranh Lạnh, WHO gặp nhiều khó khăn trong hoạt động như tất cả các tổ chức khác trong hệ thống Liên hợp quốc. Lúc này, dù giữa các bên trên thế giới tồn tại cuộc đối đầu về ý thức hệ nhưng sự đối đầu này vẫn không thể ngăn cản được sự hợp tác giữa họ với nhau trên nhiều phương diện trong công cuộc phòng ngừa dịch bệnh và đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. |
Nhờ thế, WHO đã đạt được rất nhiều thành quả rất quan trọng như xóa sổ dịch đậu mùa hay đẩy lùi dịch bệnh bại liệt ở trẻ em. Ngay từ năm 1952, WHO đã tổ chức xây dựng hệ thống mạng lưới báo động sớm về dịch cúm do virus gây ra. Nhờ hoạt động hiệu quả của hệ thống mạng lưới cảnh báo sớm này mà dịch cúm năm 1957 và 1968 bùng phát trên thế giới nhưng không lan rộng và gây tai hại như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Cũng nhờ WHO mà quyền của người dân được chăm sóc y tế thoả đáng được Liên hợp quốc công nhận là một trong những quyền của con người, xác lập sự công nhận này ở trong Tuyên bố Alma - Ata của WHO năm 1978 và trong Hiến chương Ottawa năm 1986.
Bước chuyển về chất của WHO ở đó là xác lập sứ mệnh không chỉ ngăn ngừa và xoá sổ đại dịch bệnh trên thế giới mà còn đưa ra nội hàm mới cho khái niệm "Y tế và sức khoẻ", cụ thể là bao gồm phòng ngừa dịch bệnh và bệnh tật, tư vấn y tế, tuyên truyền giải thích về y tế và sức khoẻ, chữa bệnh và xây dựng hệ thống y tế hoạt động hiệu quả ở mọi nơi trên thế giới.
Bởi vậy, không ai phủ nhận vai trò của WHO với rất nhiều đóng góp to lớn và quan trọng vào công cuộc đẩy lùi đại dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh cho người dân trên thế giới. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, vai trò của WHO đang bị thách thức nghiêm trọng.
Đó là đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát và đẩy lùi trên thế giới. Thế giới vẫn chưa tìm ra vaccine phòng ngừa dịch bệnh này và chưa chế ra được thuốc điều trị đặc hiệu. Không những thế, WHO còn bị Mỹ công kích quyết liệt suốt trong thời gian qua.
Và cuộc “khẩu chiến” ngày càng gay gắt với Mỹ
Mỹ lâu nay là nước tài trợ lớn nhất cho WHO. Trong năm 2019, Mỹ đóng góp 452 triệu USD (chiếm khoảng 15% ngân sách của tổ chức này) trong khi Trung Quốc đóng góp 42 triệu USD. Đây cũng chính là lý do khiến Mỹ cho rằng, Mỹ có nghĩa vụ buộc tổ chức này chịu trách nhiệm về một trong những quyết định nguy hiểm và tốn kém của mình, đó là việc WHO hồi tháng 1 đã phản đối các biện pháp giới hạn đi lại của Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc và những quốc gia khác.
Kể từ sau khi đại dịch COVID-19 tấn công nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc WHO bỏ qua những báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Vũ Hán hồi đầu tháng 12-2019 hoặc thậm chí sớm hơn nữa.
Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ cắt đức mối quan hệ với WHO. |
Tiếp theo những chỉ trích này, ngày 14/4 vừa qua, Tổng thống Trump đã tuyên bố chính quyền Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra của họ với cách "phản ứng thất bại" của WHO trước dịch COVID-19. Tổng thống Trump khi đó cáo buộc WHO đã "thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm”.
Mỹ luôn là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO kể từ khi thành lập năm 1948, tuy nhiên tổ chức này đã không thu thập và chia sẻ thông tin một cách minh bạch và kịp thời. Ông Trump cũng chỉ trích việc WHO thiên vị Trung Quốc và việc tổ chức này chậm công bố thông tin và xử lý dịch bệnh đã khiến đại dịch lan rộng và gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Gần đây nhất, trong bức thư dài 4 trang đề ngày 18/5 gửi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một “tối hậu thư” dọa sẽ ngừng tài trợ cho tổ chức này và xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ trừ phi WHO tiến hành "những cải thiện đáng kể" trong vòng 30 ngày.
Nhưng không chờ đến thời hạn 30 ngày thì Tổng thống Trump đã quyết định cắt đứt quan hệ với WHO. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 29/5, vào thời điểm mà nước Mỹ đã ghi nhận hơn 100.000 người chết và hơn 1,7 triệu người mắc COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump nêu rõ: “Chúng tôi đã nêu chi tiết các cải cách mà tổ chức này cần thực hiện, nhưng họ đã từ chối hành động. Vì họ đã không thực hiện các cải cách được yêu cầu và rất cần thiết, nên hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới”.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng cho biết Mỹ sẽ chuyển hướng các khoản tiền đã cam kết hỗ trợ cho WHO sang các nhu cầu y tế công cộng cấp bách khác trên toàn cầu. Cũng trong buổi họp báo, Tổng thống Trump còn chỉ trích Trung Quốc đã phớt lờ các nghĩa vụ báo cáo lên WHO và gây sức ép buộc tổ chức này đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh.
Tổng thống Trump cho rằng, sự mất mát về sinh mạng và thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra là không thể tính được, chính vì vậy Trung Quốc cần có câu trả lời không chỉ đối với nước Mỹ mà cả thế giới. Hiện vẫn chưa rõ khi nào thì quyết định này có hiệu lực.
Theo Nghị quyết năm 1948 của Quốc hội Mỹ về tư cách thành viên WHO thì Mỹ có quyền rút khỏi tổ chức nếu thông báo trước một năm. Và Mỹ là thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp, đây là đặc quyền mà Washington đã yêu cầu khi gia nhập tổ chức này.
Cần chung tay hợp tác đẩy lùi đại dịch
Hiện, WHO vẫn chưa đưa ra bình luận gì về động thái mới mà Tổng thống Trump vừa đưa ra, nhưng trong các tuyên bố trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn bảo vệ cách ứng phó đại dịch COVID-19 của WHO cũng như bác bỏ những đồn đoán về mối quan hệ quá thân thiết với Trung Quốc.
Ông cũng kêu gọi các nhà bình luận không “chính trị hóa” COVID-19. Đồng thời ông Ghebreyesus cũng cảnh báo việc rút khỏi WHO cũng như cắt khoản đóng góp cho tổ chức này của Mỹ trong bối cảnh đại dịch diễn ra hiện nay sẽ “làm tổn thương chính người dân Mỹ và thế giới”.
Tại một nghĩa trang Sao Francisco Xavier ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 29/5/2020. Ảnh: REUTERS |
Theo các nhà phân tích, không thể phủ nhận từ khi bùng phát đại dịch, WHO đã hứng nhiều chỉ trích vì tuyên bố virus không lây từ người sang người. WHO cũng bị chỉ trích vì quá tin tưởng vào số liệu thống kê của Trung Quốc, và cả phản ứng chậm chạp trong tuyên bố chính thức về đại dịch toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cách hành xử của Tổng thống Trump với WHO là quá gay gắt. Các chuyên gia cho rằng, ngân sách 2,5 tỷ USD mà WHO nhận được mỗi năm đã không tăng thêm trong hơn 3 thập kỷ qua và họ thật sự đã nỗ lực rất nhiều khi phải triển khai thực hiện nhiều công việc trên toàn cầu.
Do đó, quyết định trên của Tổng thống Donald Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ngay bên trong nước Mỹ, đặc biệt là giới lập pháp đảng Dân chủ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi từng chỉ trích các quyết định của Tổng thống Trump liên quan đến WHO, cho đó là “vô nghĩa”, “bất hợp pháp” và nói rằng các thành viên đảng Dân chủ sẽ thách thức động thái này “ngay lập tức”.
Theo bà Pelosi, WHO đang giữ vai trò cần thiết trong cuộc chiến với COVID-19. Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ Lamar Alexander ngày 29-5 cho biết, ông không tán thành quyết định của Tổng thống Donald Trump.
Theo ông, việc rút tiền tài trợ và tư cách thành viên của Mỹ tại WHO có thể ảnh hưởng đến nỗ lực phối hợp bào chế vaccine phòng COVID-19, cũng như các hoạt động của WHO liên quan các dịch bệnh khác có thể xâm nhập vào nước Mỹ. Việc rút khỏi WHO cũng có thể khiến hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia khác trong cuộc chiến chống dịch trở nên khó khăn hơn.
Động thái của Tổng thống Trump cũng đã vấp phải nhiều sự chỉ trích từ các chuyên gia y tế Mỹ. Chủ tịch Hiệp hội y tế Mỹ Patrice Harris cho biết trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người Mỹ, việc cắt đứt quan hệ với WHO là không hợp lý và khiến các nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này trở nên khó khăn hơn nhiều...
Hành động vô nghĩa này sẽ gây ra tác động đáng kể, nguy hại ở thời điểm hiện nay cũng như sau này, đặc biệt là khi WHO đang dẫn dắt các nghiên cứu thử nghiệm và phát triển vaccine và thuốc điều trị để chống lại đại dịch này. Trong khi đó, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng khẳng định, WHO có vai trò hàng đầu trong việc điều phối phản ứng toàn cầu và hỗ trợ các quốc gia thành viên kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
Còn Bộ trưởng Y tế Ireland Simon Harris đã gọi quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Tổng thống Mỹ là một quyết định “tồi tệ” và “khủng khiếp”. Theo vị quan chức này, hiện là thời điểm thế giới cần chủ nghĩa đa phương hơn bao giờ và rằng “một đại dịch toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác của toàn thế giới.”
Thế giới vẫn đang quay cuồng với COVID-19, nhưng Mỹ vẫn chĩa múi dùi vào WHO. |
Ông kêu gọi các nước nên đoàn kết hơn trong việc chống dịch, thay vì đối đầu với nhau. Đây cũng là quan điểm từng được nhiều nhà lãnh đạo thế giới và châu Âu nhắc tới trước đây như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron…
Nhìn chung, nhiều người đều cùng chung nhận định rằng, dù còn những thiếu sót song vai trò của WHO không thể bị phủ nhận. Thứ nhất, đó là những đóng góp rất to lớn, rất ý nghĩa và rất quan trọng của WHO cho nhân loại thông qua hoạt động trên lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và y tế cho con người.
Thứ hai là ở hiện tại hay trong tương lai, con người trên thế giới vẫn rất cần có WHO. Việc Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO có thể sẽ gây thêm khó khăn phức tạp cho hoạt động của WHO trong tương lai nhưng chắc chắn sẽ không thể làm WHO thay đổi tôn chỉ mục đích và sứ mệnh lịch sử cũng như định hướng hoạt động đã được xác định của WHO.
WHO không phải là một tổ chức hoàn hảo và chắc chắn dịch bệnh hiện tại cũng sẽ để lại cho WHO nhiều bài học quý giá và có thể cả đau đớn. WHO sẽ tự điều chỉnh và thay đổi để tiếp tục phục vụ nhân loại hiện tại cũng như trong tương lai.
Bởi vậy, vào lúc này, trước một đại dịch COVID-19 gây ra những thiệt hại ghê gớm và chưa thể đong đếm được hết đối với toàn thể nhân loại, thì điều thế giới cần làm là cùng nhau hợp tác. Cuộc chiến với COVID-19 còn lâu dài và phức tạp, chỉ có đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận mới có thể giúp toàn thế giới vượt qua và chiến thắng được đại dịch.
(Nguồn: TTXVN)