Dược Hậu Giang giảm 38% lợi nhuận quý 1

Quý 1/2024, lợi nhuận ròng của Dược Hậu Giang giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 222 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 của CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.259 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá vốn tăng tới 21% khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp còn 40,7% trong khi quý I/2023 đạt 50%. Doanh nghiệp giải trình giá thành sản xuất tăng vì công ty chủ động điều tiết sản lượng để đưa dự trữ tồn kho về mức thấp. Xét theo quý thì đây là con số biên lợi nhuận gộp thấp nhất kể từ quý 1/2016.

Lãi suất tiền gửi giảm mạnh dẫn tới doanh thu tài chính giảm 26% còn gần 39 tỷ. Bên cạnh đó, nhà máy Betalactam mới chuẩn bị đi vào hoạt động làm tăng các chi phí ghi nhận ngay. Ngoài ra, tỷ trọng doanh thu khác có biên lợi nhuận thấp gia tăng cũng kéo lợi nhuận sau thuế giảm 38% so với cùng kỳ còn 222 tỷ đồng, theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh.

Lý giải về kết quả kinh doanh này, Dược Hậu Giang cho biết đây là kết quả đã được dự báo trước và nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp. Hãng dược phẩm cho biết lợi nhuận quý 1 giảm do lãi suất tiền gửi giảm mạnh dẫn tới doanh thu tài chính giảm. Bên cạnh đó, nhà máy Betalactam mới chuẩn bị đi vào hoạt động đã làm tăng các chi phí ghi nhận ngay. Ngoài ra, tỷ trọng doanh thu khác có biên lợi nhuận thấp gia tăng cũng kéo lợi nhuận sau thuế giảm.

Năm nay, Dược Hậu Giang lên kế hoạch doanh thu thuần 5.200 tỷ đồng, tăng 4% so với năm ngoái, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.080 tỷ đồng, giảm gần 7%. Như vậy, kết thúc quý 1, Dược Hậu Giang đã thực hiện được 24% chỉ tiêu doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Dược Hậu Giang đạt hơn 6.200 tỷ đồng, trong đó các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt gần 1.400 tỷ đồng, giảm 9% sau một quý.

Ngược lại, tổng nợ phải trả của Dược Hậu Giang đạt hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 540 tỷ đồng.

Tổng dư nợ vay cuối kỳ là 545 tỷ, đều là vay ngắn hạn và không thay đổi nhiều sau một quý.

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 5.075 tỷ, bao gồm 2.458 tỷ quỹ đầu tư phát triển, 1.302 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Dược Hậu Giang tiền thân là Xí nghiệp quốc doanh Dược phẩm 2/9, thành lập ngày 2/9/1974 và là doanh nghiệp dược nội địa lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường.

Vào tháng 5/2016, Công ty Chế tạo thuốc Taisho (Nhật Bản) đã chi 100 triệu USD để mua 24,44% cổ phần của Dược Hậu Giang tại mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Đến giữa năm 2019, đối tác Nhật này đã nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên trên 51% và chính thức trở thành công ty mẹ của hãng dược lớn nhất Việt Nam, theo Zing.

Đây là thương vụ đã được Taisho theo đuổi nhiều năm và phải chi hàng nghìn tỷ đồng để trở thành cổ đông chi phối Dược Hậu Giang. Sau khi về tay người Nhật, doanh thu công ty ghi nhận ở mức quanh 4.000 tỷ đồng/năm.

AN LY (tổng hợp)