Công phu nghề truyền thống xôi Phú Thượng,Tây Hồ, Hà Nội
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến làng nghề xôi Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội |
Từ lâu, xôi Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội nổi tiếng ngon nhất cả nước nhờ hương vị đặc biệt, đa dạng và cả sự công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến khi thành phẩm.
Gạo nguyên liệu đầu tiên để thổi xôi phải là gạo nếp cái hoa vàng, ngâm đủ thời gian khoảng 4 tiếng, khi đủ nước gạo được vớt ra |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, 60 tuổi, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội làng nghề xôi Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Theo “bí kíp” từ nhiều năm làm nghề, bà Tuyến cho hay, xôi ngon là khi ăn phải vừa miệng mà tuyệt nhiên không cần có thêm gia vị, mì chính gì ngoài vài hạt muối. Những hạt xôi tơi mà vẫn đủ độ mềm dẻo, kể cả khi đã nguội.
Gạo sau khi ngâm đủ đem đãi qua nước sạch nhiều lần |
Bà Tuyến cho biết: “Để có xôi đạt chuẩn thì khâu nào cũng quan trọng, rất nhiều chi tiết tưởng đơn giản nhưng nếu không chuẩn thì cũng không cho sản phẩm xôi ngon được. Đó là, gạo để thổi xôi phải là gạo nếp cái hoa vàng. Những nguyên liệu đi kèm như đỗ, ngô, lạc, gấc… cũng phải loại đều, không có hạt kẹ, hạt mốc. Các phụ liệu khác như vừng, hành phi, mỡ... cũng được lựa chọn rất kỹ càng.
Những nguyên liệu đi kèm như đỗ, ngô, lạc, gấc… |
Gạo ngâm đủ thời gian khoảng 4 tiếng, khi đủ nước gạo được vớt ra, đãi qua nước sạch nhiều lần, sau đó đồ chín bằng hơi nước qua hai lần lửa. Hạt xôi khi chín phải bóng và căng tròn như được phết một lớp dầu mỡ, 10 hạt tròn đều cả 10 không vỡ, không nhão nát... Tất cả các công đoạn, từ gạo, nước, muối, lửa, thời gian... với người có kinh nghiệm thì chỉ cần “lấy mắt làm thước” là sẽ biết thành phẩm đã đạt hay chưa”.
Vải lót xôi để đồ bà Tuyến đem giặt sạch bằng tay rồi đem máy giặt thêm lần nữa đảm bảo độ sạch sẽ sau đó lót thúng tre |
Bà Tuyến bảo, để có những gói xôi nóng hổi vào mỗi đầu giờ sáng thì những người làm nghề như bà phải dành rất nhiều thời gian chuẩn bị trước. “Người làm xôi thường phải thức dậy từ 2h - 3h sáng để kịp đãi gạo, thổi xôi và chuẩn bị các công việc khác. Trời mùa đông cũng như mùa hè, sau khi hoàn tất công việc, thúng xôi nóng hổi được đưa tới “cửa hàng” cách nhà cả chục km lúc trời vừa kịp sáng. Ai ăn ít thì chỉ cần 10 nghìn, nhiều thì 20 nghìn/gói. Là nghề gia truyền, làm mãi thành quen, lấy công làm lãi, chứ thực tình công việc vừa vất vả vừa không kiếm được nhiều tiền như các ngành nghề khác”, bà Tuyến nói thêm.
Trộn nguyên liệu trước khi cho vào đồ xôi |
Mỗi ngày bà Tuyến tiêu thụ từ 50 – 80 kg gạo xôi/ngày |
Kiểm tra nồi và cho nước một lượng vừa đủ vào nồi |
Căn thời gian đủ, xôi chín bỏ xôi ra đúng thời điểm |
Khi nấu, lửa phải to, hơi phải nhiều, làm sao đảm bảo khi xôi chín, hạt gạo phải bóng và no tròn như bôi dầu mỡ. |
Xôi nấu xong được dỡ ra thúng |
Con cháu tiếp tục giữ “lửa nghề” truyền thống xôi Phú Thượng
Trung bình mỗi ngày, hàng xôi bà Tuyến tiêu thụ từ 50 - 80kg gạo xôi/ngày. Để đảm bảo sức khỏe cũng như kịp đáp ứng lượng công việc, những năm gần đây bà Tuyến đã có thêm người con dâu tham gia hỗ trợ giúp bà các công việc thường ngày. Cũng giống như nhiều gia đình trong làng, ngày mai đây, con dâu của bà, các cháu của bà tiếp tục sẽ là những người kế truyền giữ lửa nghề của cha ông.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ |
Được biết, tại làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) – nơi bà Tuyến sinh ra và lớn lên, hiện có hàng trăm gia đình khác đã và đang làm nghề nấu xôi, thậm chí làm giàu từ những công việc liên quan nghề này. Nghề nấu xôi ở Phú Thượng đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân; đồng thời đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương.
Ngày xưa các cô, các bà thổi xôi bằng chõ đất, rồi đi bán rong dọc phố phường Hà Nội. Nay, nhu cầu người dùng ngày càng cao, một phần nhờ ứng dụng công nghệ mạng xã hội, những người phụ nữ ở Phú Thượng đã khéo léo chọn ngâm gạo, đỗ, đồ xôi tạo nên thương hiệu xôi Phú Thượng không những dẻo thơm, mềm mịn, mà màu sắc cũng phong phú đa dạng như xôi nếp cẩm, xôi dừa, xôi gấc,… Ngoài để bán ăn sáng, vào mỗi dịp lễ như Tết, ngày rằm, mùng một, nhu cầu tiêu thụ xôi tại làng tăng lên tới 2 - 3 lần. Đặc biệt, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có đám cưới - hỏi trên địa bàn thành phố, hoặc các địa phương lân cận cũng đặt người làng thổi xôi.
Hiện toàn phường Phú Thượng có khoảng 600 hộ nấu xôi, trong đó phụ nữ chiếm 95%; có nhiều gia đình 5 - 6 thế hệ nối nghiệp nhau làm nghề. Trung bình mỗi ngày, làng xôi Phú Thượng sử dụng hết khoảng 10 tấn gạo để nấu xôi, tạo công ăn việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người dân làng nghề.
Cụ thể, với khoảng 400 hộ tham gia Hội làng nghề xôi Phú Thượng, hiện thu nhập từ nghề nấu xôi của mỗi hộ bình quân khoảng 600.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Nếu trong dịp lễ, Tết hoặc được nhà hàng - khách sạn đặt nhiều thì thu nhập cao gấp 2 - 4 lần so với ngày thường.
“Ngoài công việc chính là thổi xôi ăn sáng, nay ở Phú Thượng, các bạn trẻ lớp con cháu chúng tôi, nhiều người mở lớp dạy làm xôi online, nhận đặt hàng từ những khách ở các địa phương ngoài Hà Nội... Tự hào lắm, đây là cách chúng tôi giữ lửa làng nghề. Hi vọng sau này, xôi Phú Thượng luôn được các thế hệ giữ gìn, lan tỏa đi xa, không chỉ trong nước mà còn vươn ra quốc tế" - bà Tuyến chia sẻ
Từ món ăn dân dã nghề làm xôi Phú Thượng đã được ghi danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại bất kỳ nơi nào của Hà Nội vào mỗi buổi sáng, đều có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các hàng xôi “vỉa hè”. Chỉ từ 10 - 15 nghìn đồng là đã có thể thoải mái lựa chọn món xôi nóng hổi mình ưa thích như: xôi xéo, xôi đỗ, xôi ngô, xôi gấc, xôi lạc, xôi chè,... Nhưng có lẽ với nhiều người, xôi Phú Thượng sẽ được ưu ái lựa chọn hơn vì độ dẻo ngon và giá cả phải chăng.
Hàng xôi vỉa hè Hà Nội chỉ từ 10 - 15 nghìn đồng một gói |
Một góc nhỏ trên phố Bát Đàn, hình ảnh người phụ nữ hơn 60 tuổi nhanh nhẹn và bận rộn bên thúng xôi... đã trở nên quá quen thuộc. Từ trong thúng “khổng lồ”, mỗi loại xôi được người bán ủ kỹ để giữnóng và phân loại gọn gàng bởi chiếc vỉ buồm. Tùy theo yêu cầu của khách, người bán hàng nhanh tay “bới” xôi, kèm theo các vị là vừng, chả giò, lạp xưởng hoặc ruốc... sau đó gói gọn trong lớp lá dong xanh mướt.
Trong khung giờ cao điểm sáng từ 6h30 - 8h30, lúc nào cũng có vài ba người đứng/ngồi xếp hàng bên cạnh bà và thúng xôi, chờ đến lượt. Khách của bà có người già đi tập thể dục về, trẻ con đi học, công nhân, nhân viên văn phòng,… Người rảnh rỗi thì kê ghế ngồi ăn tại chỗ, người ít thời gian lại vội vàng dặn bà gói mang đi kịp giờ làm, giờ học.
Người bán xôi ấy là bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Chủ tịch Hội làng nghề xôi Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Chị Bình, một khách hàng quen của hàng xôi chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng đi làm và đưa con đi học qua cung đường này. Cả 2 mẹ con tôi đều thích ăn xôi và là khách hàng ruột của bà Tuyến. Xôi có nhiều người bán, nhưng với xôi Phú Thượng thì ai ăn rồi mới hiểu vì sao nó hấp dẫn và khác hẳn các xôi nơi khác. Xôi mềm, dẻo, thơm, không thừa không thiếu nước. Có bữa tôi mua từ sáng, để bẵng đến trưa mới mở ra mà hạt xôi vẫn dẻo, mềm và thơm”.
Nghề nấu xôi ở Phú Thượng đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, đồng thời đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2019, Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của thành phố Hà Nội.
Trao quyết định ghi danh Nghề Xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Ngày 16/2/2024, Làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) với nghề nấu xôi truyền thống vang danh đất Hà Thành đã chính thức được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 344/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.