Đến xem “Mệnh lệnh từ trái tim” tại Nhà hát lớn Hà Nội, khán giả bất ngờ và thích thú khi được hòa vào không khí mừng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử 70 năm về trước. Các diễn viên trong trang phục pháo thủ Điện Biên Phủ, dân công hỏa tuyến, đồng bào dân tộc Thái, tay cầm cờ, hoa, gương mặt rạng ngời chào đón khán giả trên nền giai điệu ca khúc Giải phóng Điện Biên và nhịp điệu của múa sạp.
“Sân khấu Lệ Ngọc đã làm nên kỳ tích khi quy tụ hơn 100 diễn viên tham gia vở diễn- điều chưa từng có đối với một sân khấu xã hội hóa trong bối cảnh khó khăn trăm bề như hiện nay. Công trình này do Sân khấu Lệ Ngọc bỏ tiền làm với sự hỗ trợ về người, đạo cụ... của một số đơn vị nghệ thuật Trung ương, Quân đội, Công an...” - ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Đối ngoại Sân khấu Lệ Ngọc chia sẻ trước đêm diễn.
“Mệnh lệnh từ trái tim” tái hiện thời khắc đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. ". Đó là chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", cách thời điểm nổ súng tiêu diệt Trần Đình - bí danh của Điện Biên Phủ, chỉ vài giờ. Để ra quyết định này, tướng Giáp phải trải qua 11 ngày đêm "mất ăn mất ngủ". Mỗi ngày, ông càng nhận thấy "không thể đánh nhanh" được. Đêm 25/1/1954 trong lán ở bản Nà Tấu - nơi cách Điện Biên Phủ 30 km, tướng Giáp "không sao chợp mắt, đầu đau nhức". Lời dặn dò của Hồ Chủ tịch trước lúc lên đường cùng nghị quyết Trung ương cứ vẳng bên tai ông: " Chỉ được thắng, không được bại. Vì bại thì hết vốn". Trận này, không được phép thua. Bởi phần lớn tinh hoa bộ đội chủ lực trong 8 năm kháng chiến đã tập trung về đây. Tướng Giáp thuộc từng trung đoàn, tiểu đoàn, từng đại đội chủ công, nhớ từng gương mặt lập công. Với tướng Giáp, đó là "vốn liếng vô cùng quý giá, nhưng cũng thực ít ỏi". Chiến dịch đâu chỉ là giành thắng bằng mọi giá, còn phải giữ được "vốn liếng" cho cuộc chiến lâu dài. Cách nổ súng vài giờ, cuộc tiến công được hoãn. Quyết định khó khăn được thể hiện trong vở kịch là “Mệnh lệnh từ trái tim” chính là chìa khóa làm nên thành công của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 70 năm trước.
Từ một kịch bản không có nhiều yếu tố kịch tính, ê kíp dựng vở, gồm biên kịch Nguyễn Thanh Bình, NSND, đạo diễn Lâm Tùng, NSƯT Văn Hải đã bổ sung, bồi đắp các tuyến chuyện, tập trung làm nổi bật vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quyết định lịch sử thay đổi phương châm tác chiến của chiến dịch Điện Biên Phủ. NSND, đạo diễn Lâm Tùng cũng chọn cho tác phẩm “cách kể” dung dị, có sự cân đối giữa chất các lớp diễn mang tính chính luận với các lớp diễn tạo không khí có cả tiếng cười và nước mắt. Chính không khí “hừng hực ra trận” với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”; với quyết tâm giành chiến thắng và niềm tin sẽ chiến thắng của đội dân công hỏa tuyến, của những người lính trẻ tham gia chiến dịch đã tạo đã làm nên kịch tính cho các lớp diễn thiên về nội tâm của vị tướng cầm quân-Võ Nguyên Giáp do NSƯT Quang Khải thể hiện.
Là diễn viên cải lương, lần đầu tham gia diễn kịch, NSƯT Quang Khải từng chia sẻ áp lực lớn nhất của anh khi tham gia Mệnh lệnh từ trái tim là thuộc thoại và tập vai với tinh thần “thần tốc”. Chọn lối diễn tiết chế, thiên về chiều sâu, Quang Khải đã giữ vững nhịp diễn trong suốt vở, lột tả một cách ấn tượng nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người trí tuệ, sáng suốt, quyết đoán nhưng cũng đầy nhân văn, đau với mỗi vết thương của chiến sĩ; xót với từng giọt máu của chiến sĩ và người dân đổ xuống. Lớp diễn trước khi đưa ra quyết định hoãn tấn công, NSƯT Quang Khải là lớp diễn gây xúc động với khán giả. Một quyết định khó khăn được đưa ra xuất phát từ trách nhiệm của một người đàn ông đối với gia đình nhỏ nơi vợ con ngày đêm ngóng đợi chồng ngoài mặt trận trở về; là trách nhiệm và danh dự của một vị tướng cầm quân được Bác Hồ tin yêu giao nhiệm vụ; trách nhiệm với dân tộc, với tổ quốc. Tình yêu của tướng Giáp với gia đình mình cũng giống như hàng ngàn, hàng vạn thanh niên tham gia chiến dịch lúc đó, họ cũng có gia đình, vợ con, bố, mẹ và người thân của họ cũng ngày đêm mong ngóng học trở về trong chiến thắng. Vì thế, không thể hy sinh xương máu của chiến sĩ khi chưa “chắc thắng”…
NSƯT Văn Hải vẫn khẳng định bản lĩnh là một trong số diễn viên thành công với vai Bác Hồ trên sân khấu khi thể hiện sinh động, có chiều sâu nhân vật Bác trong vở diễn mới - Mệnh lệnh từ trái tim.
Vào vai "đối kháng" trong vở kịch, NSND Lê Chức đã chứng tỏ bản lĩnh "gừng càng già càng cay" khi vào vai De Castries. Lối diễn điềm tĩnh, nhấn nhá của NSND Lê Chức đã thể hiện khá đậm nét cá tính của De Castries chỉ trong lớp diễn ngắn.
Là nhân vật phụ trong vở diễn nhưng vai bà Mùi của NSND Lệ Ngọc là vai cá tính, hoạt náo tạo sự cân bằng cho các lớp diễn. Diễn xuất tự nhiên, nhập vai như lên đồng, NSND Lệ Ngọc đã thể hiện xuất sắc vai diễn đại diện cho những người dân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần “không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng và sự toàn thắng của chiến dịch”. Chính nhưng người dân như bà Mùi, ông Mùi… đã cho những người cầm quân như tướng Giáp niềm tin vào sự toàn thắng của chiến dịch và cũng khiến ông trăn trở mất ăn, mất ngủ khi đưa ra quyết định “hoãn tấn công” để mỗi sự hy sinh của đồng đội, người dân không trở thành vô ích.
Bối cảnh kỹ lưỡng, thiết kế ấn tượng, đáp ứng tốt chủ đề vở diễn; âm nhạc đa dạng, nhiều màu sắc; sân khẩu được mở rộng từ phía khán giả với những đoàn bộ đội chủ lực hành quân ra trận, Mệnh lệnh từ trái tim là một tác phẩm tràn ngập “tinh thần Điện Biên”. Tuy còn có những hạn chế nhưng đây thật sự là là món quà ý nghĩa mà những người làm sân khấu xã hội hóa đã nỗ lực thực hiện với tinh thần trách nhiệm chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngày 3 và 4/ 5, vở diễn tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả tại Cung Văn hóa hữu nghị.
Sân khấu Lệ Ngọc khởi công vở diễn kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiều nay (6/4), Sân khấu Lệ Ngọc khởi công vở "Mệnh lệnh từ trái tim".