Lá đơn thứ 72 đêm diễn thứ 160 và Lôi vũ đêm diễn thứ 30 là hai vở của Sân khấu Lệ Ngọc khai xuân tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Hà Nội sang xuân vẫn rét đậm như chính đông, thêm cơn mưa nặng hạt tạo cái rét sâu như cắt da vẫn không ngăn được dòng khán giả hướng về Nhà hát Lớn.
Khán giả lấp đầy ghế trống trong đêm diễn "Lôi vũ" tại Nhà hát lớn mới đây |
Tôi đi xem Lôi vũ lần thứ 2 và cũng giống như cảm nhận lần đầu, khán giả chật kín khán phòng dường như đều quen biết nhau khi họ chỉ cặp vợ chồng A ngồi hàng ghế trên, đôi trẻ nọ ngồi ở hàng ghế dưới, bác hàng xóm ngồi ở lô VIP trên tầng….Và cũng nhiều khán giả là người nước ngoài đến xem đêm diễn. Họ cũng không phải khách lẻ mà đi theo từng nhóm 4-5 người. Có thể hiểu, Sân khấu Lệ Ngọc có cách tiếp cận khán giả riêng, có bí quyết riêng và cái duyên để một sân khấu xã hội hóa luôn “cháy vé”, dù các vở diễn hầu hết là các vở chính luận, lịch sử, các kiệt tác sân khấu lớn của thế giới, thậm chí đã từng được nhiều đoàn nghệ thuật dựng và diễn từ trước đó rất lâu. Chợt nhớ lại một năm trước, đạo diễn Lê Quý Dương đã viết trên trang cá nhân của mình: “ Cách tiếp thị của Sân khấu Lệ Ngọc là điều mà nhiều đoàn nghệ thuật phải học hỏi”.
NSND Lệ Ngọc vai Phồn Y đang thuyết phục con riêng của chồng, từng là người tình của mình ở lại nhà để chiều chuộng sự cô đơn, trống vắng trong lòng. |
Nghệ thuật “bán hàng” nhất là “bán hàng nghệ thuật” thời cơ chế thị trường, đặc biệt là giai đoạn hiện tại khi mạng xã hội với những “phim ngắn”, “kịch ngắn” thông qua mạng xã hội lan đến tận giường ngủ của những đối tượng rất khó kéo chân họ ra khỏi nhà – khán giả trung niên và lớn tuổi thì muốn “bán được hàng” cũng phải khéo, phải giỏi, phải năng động. Và, đồng thời với nghệ thuật bán hàng là chất lượng của vở diễn.
Lôi vũ là tác phẩm kinh điển của Trung Quốc, được Tào Ngu viết khi tác giả mới 23 tuổi (năm 1933). Đây là một trong những tác phẩm kịch nổi tiếng nhất của Trung Quốc trong thời kỳ trước Chiến tranh Trung–Nhật.
NSUT Văn Hải( vai Chu Phác Viên) và NSND Lệ Ngọc (vai Phồn Y) |
Với sức sống hơn 90 năm, câu chuyện của Lôi vũ không xa lạ với nhiều người Việt Nam. Đó là tấn bi kịch trớ trêu, ngang trái, sự đan xen của những tham vọng và nỗi bất hạnh đến tột cùng của các nhân vật trong vở kịch. Một Chu Phác viên giầu có, đạo mạo, hay nói đạo đức nhưng bản chất tham lam, độc ác, suy đồi về đạo đức; một Phồn Y ( vợ Chu Phác Viên) luôn sống trong nhung lụa, thừa mứa vật chất nhưng đói khát tình cảm, luôn cháy bỏng khát vọng về tình yêu, hạnh phúc, đến mức đã dấn thân quan hệ bất chính với con riêng của chồng; những người con của Chu Phác Viên yêu nhau mà không biết họ có quan hệ ruột thịt; con đấu tranh với bố, anh em thù địch nhau cũng không hề biết trong mỗi người đều có chung dòng máu…
Lối diễn nhiều màu của NSND Lệ Ngọc khiến khán giả thích thú |
Ở tại Trung Quốc, năm 1938, sau thành công vang dội của vở kịch Lôi vũ, một phiên bản điện ảnh được sản xuất tại Thượng Hải. Một phiên bản điện ảnh khác được sản xuất tại Hồng Kông vào năm 1957 (đạo diễn Ngô Huy), đóng cùng Lý Tiểu Long thời trẻ. Năm 1995, đạo diễn Ho Yi đã sản xuất một phiên bản điện ảnh tiếng Quảng Đông, với sự đồng ý của cá nhân nhà viết kịch. Bộ phim này được phát hành vào năm 1996.
Vậy mà NSND Lệ Ngọc đã dũng cảm mang Lôi vũ phiên bản sân khấu Việt Nam sang Trung Quốc tham dự Tuần lễ sân khấu Trung Quốc – ASEAN nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện sân khấu này vào tháng 10/2023. Cũng chính vì thế, Lôi vũ của Sân khấu Lệ Ngọc đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông Trung Quốc tại sự kiện. So với nguyên tác, Lôi vũ của Sân khấu Lệ Ngọc đã được lược bớt về lời thoại, chi tiết không quan trọng, không ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý nhân vật dẫn đến các nút thắt và cao trào của vở kịch.
Khán giả tràn lên sân khấu chúc mừng các nghệ sĩ sau đêm diễn |
Hai nhân vật chính của vở diễn do cặp vợ chồng - NSƯT Văn Hải ( Chu Phác Viên) và NSND Lệ Ngọc (Phồn Y) đảm nhiệm. NSUT Văn Hải có lối diễn tiết chế, dẫn dắt cảm xúc của người xem khám phá nhân vật theo những lớp lang được mở bởi các tình tiết liên kết với các nhân vật khác– người tình đầu (Thị Bình), Phồn Y ( người vợ sau), Chu Bình ( người con của Chu Phác Viên với Thị Bình, cặp với mẹ kế Phồn Y và sau đó yêu Phượng con gái của Thị Bình với người chồng sau); Lỗ Đại Hải ( con của Chu Phác Viên và Thị Bình, đứa con mà Chu Phác Viên tưởng đã chết cùng với mẹ khi mới vài ngày tuổi nhưng thực chất cậu vẫn còn sống và đang là đại diện của công nhân mỏ, luôn đấu tranh với thói tàn độc của ông chủ mà không hề biết Chu Phác Viên là bố mình…). Nếu Chu Phác Viên của NSUT Văn Hải giống như một “ẩn số” khiến khán giả phải từ từ khám phá thì Phồn Y của NSND Lệ Ngọc lại khiến người xem “chóng mặt” bởi lối diễn nhiều màu và màu nào cũng “chói gắt”, “mặn chát”. NSND Lệ Ngọc đã cho khán giả thấy đầy đủ nỗi đau của một người vợ trẻ khát khao tình cảm, dám yêu, chấp nhận đối diện với chính bi kịch của mình và khi “bị phản bội” người phụ nữ tưởng chừng như chỉ biết khóc lóc, van xin tình yêu ấy sẵn sàng biến thành “rắn độc”. Chị là người tạo nút, cũng là người cởi nút kịch, khi diễn xuất như “lên đồng” lúc điềm đạm, bình tĩnh đến lạnh ngắt, từng bước, từng bước, Phồn Y của Lệ Ngọc đã phá tan sự êm ấm giả tạo trong ngôi nhà “luôn đóng kín cửa” để giữ một sự uy nghiêm, hạnh phúc ngụy tạo.
Khán giả nước ngoài cũng lên sân khấu chụp ảnh cùng nghệ sĩ |
Nói về vai diễn Phồn Y, NSND Lệ Ngọc cho biết: “ Lúc đầu, tôi dự định sẽ vào vai Thị Bình. Nhưng sau này lại diễn vai Phồn Y. Tôi đã nghiên cứu kỹ nhân vật, tìm hiểu về vai diễn này trước đó để cố gắng tìm được một e riêng. Tính tôi cẩn trọng, làm gì cũng phải kỹ lưỡng, chắc chắn mới làm”.
Khác với nguyên tác đầy bi thương ở cảnh cuối, thảm khốc đến tận cùng khi những đứa con của Chu Phác Viên đều chết và vợ chồng Chu Phác Viên hóa điên, đạo diễn Quỳnh Mai đã có thêm màn kết với sự đoàn viên của gia đình Chu Phác Viên cùng cảnh hoa bay như đón Tết. Đó là ước mơ cũng là khát vọng của con người, dù giầu có hay nghèo khó. Quyền lực hay vật chất cũng chẳng làm nên hạnh phúc đích thực khi thói tham lam, đố kỵ, giả dối làm mờ mắt và trấn giữ trong mỗi con người. Lôi vũ của Sân khấu Lệ Ngọc vì thế không quá sầu muộn, bi thương mà đọng lại trong khán giả những cảm thức giác ngộ tươi sáng. Sự sáng tạo này đã được thể nghiệm tính hợp lý ở chính đất nước nơi nguyên tác Lôi vũ ra đời khi vở diễn của Sân khấu Lệ Ngọc ngoài giải thưởng xuất sắc cho vở còn được trao 4 giải xuất sắc cho cá nhân các diễn viên.
Khán giả chụp ảnh cùng nghệ sĩ sau đêm diễn |
Dàn dựng hợp lý, chặt chẽ; thiết kế sân khấu ấn tượng, có tính gợi mở; âm thanh sáng ấn tượng giầu chất xi nê mà vẫn đảm bảo tính ước lệ của nghệ thuật sân khấu… đó là những điểm cộng mang dấu ấn của đạo diễn Quỳnh Mai ở sân khấu kịch.
Tại đêm diễn thứ 30 của Lôi vũ ở Nhà đã cho khán giả thấy là sự đam mê, sự cháy hết mình vì nghệ thuật - một sự lao động vật vả, cực nhọc khi hóa thân vào những nhân vật để làm sống lại các nhân vật có từ hơn 90 năm trước. Kịch cũ, câu chuyện cũ, nhân vật cũ nhưng thông điệp của vở diễn thì vẫn mới và được lan tỏa thông qua diễn xuất của dàn diễn viên.
Sân khấu Việt Nam gây dấu ấn tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc- ASEAN 2023
Sân khấu Việt Nam đã có những giờ phút thăng hoa trên sàn diễn Liên hoan Sân khấu Trung Quốc-ASEAN lần thứ 10 vừa diễn ra tại Nam Ninh, Trung Quốc.