Làm mẹ đơn thân: Lối rẽ của phụ nữ hiện đại giữa những khuôn mẫu truyền thống.

Ngày càng có nhiều phụ nữ hiện đại, đặc biệt là những người nổi tiếng, chủ động công khai làm mẹ đơn thân.

Đây không phải là sự từ chối đàn ông, mà là sự lựa chọn tự chủ, khi với họ hình bóng của những người đàn ông không còn mang vai trò tích cực trong gia đình. Theo đó những năm gần đây, công chúng Việt Nam đã chứng kiến ngày càng nhiều nghệ sĩ nữ công khai làm mẹ đơn thân: từ Hiền Thục, Hòa Minzy, Hoàng Oanh cho đến Bảo Anh hay Elly Trần và cả vô số phụ nữ bình thường khác, những người không có ánh đèn sân khấu nhưng vẫn đang âm thầm gánh vác hai vai trò cùng lúc trong cuộc đời thực.

Những câu chuyện riêng tư tưởng chừng chỉ là lựa chọn cá nhân, nay dần trở thành tâm điểm bàn luận, đặt ra một câu hỏi lớn hơn: Phải chăng phụ nữ ngày nay đang dần “không cần những người cha cho con mình” khi họ có thể làm mẹ, làm chủ tài chính và làm chủ cuộc sống?

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, đây không phải là xu hướng nhất thời, càng không phải sự cổ xuý cho lối sống tách biệt vai trò người cha trong gia đình. Đó là hệ quả của một xã hội đang thay đổi, nơi phụ nữ dần thoát khỏi các khuôn mẫu truyền thống để sống đúng với bản thân mình, với điều kiện và hoàn cảnh riêng.

Không thể chỉ nhìn đây là “trào lưu showbiz”. Thật dễ để cho rằng những người nổi tiếng chọn làm mẹ đơn thân vì họ có điều kiện tài chính, có sức ảnh hưởng và có quyền được khác biệt. Nhưng nói như vậy là giản lược một thực tế rất phức tạp. Mỗi câu chuyện là một hành trình riêng, gắn với những biến cố tình cảm, những đổ vỡ hôn nhân, và quan trọng hơn là những lựa chọn nhiều khi bất đắc dĩ nhưng đầy bản lĩnh.

Không ai trong số họ tuyên bố “không cần đàn ông”. Nhưng họ không chấp nhận tiếp tục một cuộc hôn nhân lạnh lẽo, hình thức hay bất công chỉ để giữ danh xưng “gia đình trọn vẹn”. Họ chọn bước ra, không phải vì khước từ giá trị của người đàn ông, mà vì người đàn ông ấy đã không còn thực hiện đúng vai trò vốn có: làm chồng, làm cha.

Sự lựa chọn không phải là lời tuyên chiến với nam giới, việc nhiều phụ nữ hiện đại, đặc biệt là các nghệ sĩ, chọn nuôi con một mình không phải là sự phủ định vai trò của người cha trong việc nuôi dưỡng và phát triển trẻ em. Trái lại, phần lớn họ vẫn mong con có hình bóng của cha, vẫn trân trọng những người đàn ông tử tế. Nhưng họ thừa hiểu: tình cảm không thể ép buộc, trách nhiệm không thể cầu xin và sự hiện diện không thể đánh đổi bằng tổn thương kéo dài.

Mỗi người phụ nữ xứng đáng được lựa chọn con đường phù hợp nhất với hoàn cảnh và giá trị sống của chính mình, miễn là họ sống tử tế, trách nhiệm và không đẩy phần thiệt thòi lên vai đứa trẻ. (ảnh minh họa)
Mỗi người phụ nữ xứng đáng được lựa chọn con đường phù hợp nhất với hoàn cảnh và giá trị sống của chính mình, miễn là họ sống tử tế, trách nhiệm và không đẩy phần thiệt thòi lên vai đứa trẻ. (ảnh minh họa)

Vì thế, sự lựa chọn làm mẹ đơn thân trong nhiều trường hợp, không phải vì “không cần đàn ông”, mà vì không thể chấp nhận một người đàn ông không còn phù hợp với giá trị sống của họ. Đó là lựa chọn của bản lĩnh, của lý trí đi cùng tình yêu con, càng không phải là những hành động mang tính đối kháng.

Khi phụ nữ đủ mạnh mẽ để tự làm “hai vai”, cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng: nhiều phụ nữ hiện đại có học vấn, sự nghiệp và tài chính đủ vững vàng để đảm đương vai trò kép, làm mẹ và làm cha. Điều này phản ánh sự trưởng thành của giới nữ trong việc tự chủ cuộc sống và bảo vệ những gì mình tin là đúng. Tuy nhiên, xã hội không nên xem điều đó là “chuẩn mực mới” hay điều đáng noi theo cho tất cả. Vì rõ ràng, việc nuôi dạy con cái luôn là một hành trình khó khăn hơn nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ một người cha thực sự đồng hành, cả về tinh thần, vật chất và tình cảm. Chúng ta không nên cổ xuý rằng “phụ nữ làm mẹ đơn thân là giỏi hơn” hay “mạnh mẽ hơn” so với những người có gia đình đầy đủ. Điều cần làm là trao cho mọi người phụ nữ, dù chọn sống theo mô hình nào cũng cần có sự tôn trọng và thấu hiểu.

Mặt trái nếu xã hội tiếp tục phán xét phụ nữ đơn thân, trong khi nhiều người ca ngợi sự mạnh mẽ của những người mẹ đơn thân nổi tiếng, thì ngoài ánh đèn sân khấu, không ít phụ nữ vẫn phải gồng mình chống chọi với định kiến: Bị cho là “không biết giữ chồng”; Bị xem như hình mẫu tiêu cực ảnh hưởng đến giới trẻ; Bị đổ lỗi cho sự thiếu vắng người cha trong hành trình trưởng thành của con

Chính định kiến ấy khiến nhiều người dù đã rơi vào hoàn cảnh tương tự vẫn không dám công khai hoặc cảm thấy tội lỗi, hổ thẹn thay vì được công nhận là những người đang làm tròn vai trò yêu thương và trách nhiệm một cách đơn độc nhưng đáng quý.

Xã hội tử tế là nơi không áp khuôn lên hạnh phúc của người khác, hạnh phúc không có công thức chung. Có người hạnh phúc trong một gia đình truyền thống, có cha, có mẹ. Có người hạnh phúc khi sống một mình, hoặc nuôi con mà không cần một người bạn đời bên cạnh. Quan trọng là sự lựa chọn ấy phải đến từ nhận thức tỉnh táo, trách nhiệm và không làm tổn thương người khác, đặc biệt là đứa trẻ.

Thay vì phán xét, xã hội cần xây dựng một môi trường văn minh, nơi mọi mô hình gia đình đều có thể tồn tại trong tôn trọng. Và thay vì gắn nhãn “xu hướng nguy hiểm” cho mẹ đơn thân, hãy nhìn họ như những người đang sống thật, sống trách nhiệm, dù lựa chọn ấy không dễ dàng.

Không cần ca ngợi, cũng không cần kỳ thị, chỉ cần hiểu đúng và sống công bằng. Làm mẹ đơn thân không phải là chiến công, càng không phải là điều đáng thương. Đó là một lựa chọn sống trong một thế giới nhiều biến động và đầy thách thức. Khi phụ nữ đủ bản lĩnh để nuôi con một mình, điều họ cần không phải là ánh nhìn ái ngại hay lời tung hô, mà là sự thấu cảm, rằng họ đang sống tử tế trong hoàn cảnh của chính mình. Và khi xã hội đủ bao dung để không đóng khung hạnh phúc của người khác, đó mới là một xã hội thực sự văn minh.

Là người viết bài này, tôi không có ý tung hô hay định nghĩa lại vai trò người cha trong một gia đình. Tôi càng không nghĩ phụ nữ làm mẹ đơn thân là hình mẫu lý tưởng cần noi theo. Tôi chỉ tin rằng, mỗi người phụ nữ xứng đáng được lựa chọn con đường phù hợp nhất với hoàn cảnh và giá trị sống của chính mình, miễn là họ sống tử tế, trách nhiệm và không đẩy phần thiệt thòi lên vai đứa trẻ.

Tôi đã từng chứng kiến những người mẹ đơn thân lặng lẽ dậy sớm mỗi sáng, vừa đưa con đến trường, vừa tranh thủ chạy xe công nghệ, rồi lại về muộn vì còn một đơn hàng cuối cùng. Tôi cũng từng phỏng vấn những người phụ nữ chọn bước ra khỏi một cuộc hôn nhân đầy dằn vặt để giữ lại phần bình yên cuối cùng cho con. Họ không khóc nhiều, không nói nhiều, nhưng ánh mắt họ luôn có một thứ khiến người đối diện phải lặng đi, đó là sự mạnh mẽ mang tên "cam chịu vì yêu thương".

Vậy thì thay vì đặt câu hỏi “Sao không cố gắng giữ gìn gia đình cho đủ đầy?”, tại sao chúng ta không thử hỏi ngược lại: “Người phụ nữ ấy đã phải chịu đựng bao nhiêu để buộc phải chọn đi một mình?”

Xã hội có thể không cần tung hô mẹ đơn thân, nhưng nhất định phải ngừng việc làm họ cảm thấy tội lỗi. Vì thật ra, điều họ cần nhất sau một hành trình đầy sóng gió, không phải là sự thương hại, càng không phải ánh mắt dò xét, mà là một không gian sống đủ an toàn để họ có thể tiếp tục làm mẹ, làm người một cách bình thường nhất có thể. Và nếu một ngày, đứa trẻ ấy lớn lên bằng tất cả sự tử tế mà mẹ nó trao truyền, thì liệu ta còn lý do gì để phủ nhận giá trị của một gia đình, dù chỉ có một người lớn duy nhất?

Đức Khải