Không phải để chứng tỏ với ai mà để không gục ngã trước cuộc đời, “em không có ai để gọi điện mỗi lần mệt mỏi”. Nguyễn Đăng Khoa, 24 tuổi, là nhân viên IT tại một công ty phần mềm ở TP.HCM. Trong mắt đồng nghiệp, Khoa là chàng trai chỉn chu, vui tính và không bao giờ từ chối giúp đỡ ai. Nhưng ít ai biết, Khoa đã không còn cha từ năm lớp 8, mất mẹ vào năm lớp 12. Từ năm 18 tuổi, Khoa chính thức “mồ côi trọn vẹn” một trạng thái mà bạn từng gọi là “cái lạnh không ai hiểu”. “Ngày đậu đại học, em không biết báo cho ai. Em ngồi nhìn cái điện thoại rồi bật khóc. Những lúc mệt nhất, em chỉ ước có người bảo: ‘về sớm nha con’. Nhưng…….
Khoa vừa học, vừa đi làm thêm suốt 4 năm đại học. Cậu tự lo mọi chi phí sinh hoạt, thỉnh thoảng gửi chút tiền cho bà ngoại già ở quê. Không dựa vào ai, không oán trách ai, cũng không chia sẻ nhiều nhưng ánh mắt cậu luôn dịu dàng khi nhắc về cha mẹ: “Em hay tưởng tượng nếu mẹ còn sống, mẹ sẽ luôn hỏi em có muốn ăn món ăn yêu thích hay không? Hay nếu ba còn sống, chắc ba sẽ luôn đem về những món đồ chơi hay những món ăn vặt hằng ngày cho em…”
Không có chỗ dựa, họ học cách làm chỗ dựa, câu chuyện của Khoa không phải là duy nhất. Ở tuổi 20 - 25, nhiều bạn trẻ Gen Z đã đi qua những nỗi mất mát mà người khác cả đời cũng chưa từng trải. Mồ côi cha mẹ vì tai nạn, bệnh tật, đại dịch, hoặc hoàn cảnh gia đình tan vỡ… họ buộc phải trưởng thành không theo ý mình, mà theo cách không ai khác có thể thay thế.
![]() |
Những người con ở lại không ồn ào, không than vãn, nhưng vẫn giữ ký ức về cha mẹ theo cách riêng mình. (ảnh minh họa) |
Trần Bảo Hân (sinh năm 1999), hiện là nhân viên pha chế tại một quán cà phê ở phường Tân Phú, TP.HCM. Hân mất cả cha lẫn mẹ khi vừa bước vào lớp 10. Từ đó, bạn trải qua quãng đời tuổi trẻ với nhiều nỗ lực phi thường: từng sống cùng họ hàng, rồi tự thuê trọ, làm thêm, vừa theo học ngành sư phạm, vừa gánh vác việc chăm sóc người em trai nhỏ tuổi.
“Em không còn ai dặn dò ‘ăn uống cẩn thận’ mỗi khi đi xa, nên em học cách dặn em trai như thế. Em không có ai gọi là ‘nhà’, nên em tự biến căn phòng trọ thành nơi có tiếng cười.”
Hôm nay, Hân không chỉ tự lập, mà còn trở thành điểm tựa cho em trai, người thân duy nhất còn lại. Bạn chia sẻ: “Nỗi mất mát không nên bị giấu đi. Ít nhất em vẫn còn cậu em trai rất ngoan và chịu khó học tập. Điều đó khiến em có lý do để bước tiếp.”
Trưởng thành là chấp nhận ký ức vẫn còn đó. Không ít người từng nghĩ Gen Z chỉ biết sống ảo, thiếu kiên nhẫn, sống nhanh… Nhưng ở một chiều sâu khác, thế hệ này đang lặng lẽ đi qua những “vết xước nội tâm” bằng sự tử tế rất riêng. Họ không ồn ào, không than vãn, nhưng vẫn giữ ký ức về cha mẹ theo cách riêng mình.
Họ giữ lại tấm hình thẻ cũ, họ lặng lẽ ghé qua ngôi chùa có để lọ tro cốt của đấng sinh thành sau mỗi kỳ thi. Họ để chuông báo thức là tiếng mẹ từng gọi. Họ không có ai mua bánh sinh nhật, nhưng vẫn mua cho chính mình. Họ học cách yêu thương, chăm sóc bản thân, và quan trọng nhất: không để mất mát định nghĩa con người mình.
Không còn ba má, con vẫn học cách sống tử tế. Thế hệ Gen Z đang chứng minh rằng: bạn không cần xuất phát từ một gia đình trọn vẹn để trở thành một con người trọn vẹn. Họ vẫn có thể sống có trách nhiệm, yêu thương và góp phần tạo ra những điều tử tế cho cộng đồng.
“Không ai gọi mình là con nữa. Vậy thì mình sẽ học cách gọi chính mình là nghị lực.” một câu nói của bạn trẻ mồ côi, nhưng có thể là tiếng nói của hàng ngàn người trẻ không còn cha mẹ. Họ đang lớn lên, không vì muốn làm người hùng, mà vì không muốn để mất mát làm mình gục ngã.
Chúng ta có thể không xoa dịu được hết nỗi đau, nhưng có thể thắp lên một chút ánh sáng trong hành trình trưởng thành của những người trẻ như thế. Và hy vọng, ánh sáng đó sẽ dẫn họ đến nơi gọi là bình yên.
Kết nối những yêu thương và lan tỏa tinh thần nữ trí thức
Ngày 24/8, các nữ trí thức, doanh nhân người Việt ở nước ngoài đã đến thăm Hội Nữ trí thức Việt Nam và kết nối yêu thương trong một chuyến đi.