Chuyển đổi xanh đô thị: Hành trình không ai bị bỏ lại phía sau

Từ tháng 7/2025, Hà Nội chính thức triển khai lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực vành đai 1.

Đây là bước đi đầu tiên trong hành trình hướng tới một đô thị xanh, hiện đại, và phát triển bền vững. Là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của Thủ đô nhằm cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.

Tuy nhiên, bất kỳ quá trình chuyển đổi nào cũng đặt ra yêu cầu về sự hài hòa giữa mục tiêu dài hạn và thực tế đời sống của đa số bộ phận người dân, đặc biệt là với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương như phụ nữ, lao động nhập cư, người thu nhập thấp.

Tại các đô thị Việt Nam, phụ nữ là nhóm sử dụng xe máy nhiều nhất. Từ các bà mẹ đưa đón con đi học, tiểu thương buôn bán nhỏ, đến công nhân, giúp việc, shipper nữ… chiếc xe máy không đơn thuần là phương tiện, mà là công cụ lao động, sinh kế và kết nối gia đình.

Vì vậy, khi chính sách hạn chế xe máy xăng được triển khai, cần có sự đánh giá đầy đủ về tác động xã hội. Việc chuyển đổi phương tiện sang xe điện hiện nay vẫn còn một số rào cản: chi phí cao so với thu nhập phổ biến, hạn chế về hạ tầng trạm sạc, và hệ thống giao thông công cộng chưa thật sự thuận tiện  nhất là đối với phụ nữ làm việc theo ca kíp, hoặc di chuyển ngoài giờ hành chính.

Trên thế giới, các đô thị lớn như Paris, London, Seoul đều áp dụng vùng phát thải thấp (LEZ) để giảm thiểu ô nhiễm. Tuy nhiên, điều kiện để thành công là sự đầu tư đồng bộ: hạ tầng giao thông công cộng đa dạng, hỗ trợ tài chính cho người chuyển đổi phương tiện, và chính sách an sinh linh hoạt.

Đường phố Hà Nội (ảnh minh họa)
Đường phố Hà Nội (ảnh minh họa)

Với Hà Nội và các thành phố lớn tại Việt Nam, đây là cơ hội để đặt ra những bước đi nhân văn hơn trong quá trình thực hiện chủ trương đúng đắn. Một chính sách xanh toàn diện không chỉ đo đếm bằng lượng khí thải giảm xuống, mà còn thể hiện qua sự bao trùm về bình đẳng giới, giai tầng xã hội và khả năng tiếp cận công bằng của từng người dân.

Để chính sách phát huy hiệu quả và nhận được sự đồng thuận xã hội, cần thiết lập một lộ trình hợp lý, lấy người dân làm trung tâm. Một số giải pháp có thể xem xét gồm:

  • Hỗ trợ phụ nữ và nhóm yếu thế: Ưu đãi vay mua xe điện, trợ giá phương tiện thân thiện môi trường, triển khai các chương trình "đổi xe cũ lấy xe mới" với ưu tiên phụ nữ đơn thân, tiểu thương, lao động phổ thông.
  • Cải thiện hạ tầng giao thông công cộng: Tăng số lượng và chất lượng tuyến xe buýt, metro; tích hợp tiện ích phù hợp với nhu cầu giới như khu vực ưu tiên cho phụ nữ, lộ trình thuận tiện đưa đón trẻ nhỏ, an ninh tốt vào buổi tối.
  • Thí điểm theo khu vực và lấy ý kiến phản hồi: Triển khai cục bộ, đánh giá tác động xã hội kỹ lưỡng trước khi mở rộng. Trong đó, cần tham khảo ý kiến của tổ chức xã hội, hội phụ nữ, nhóm cộng đồng địa phương.
  • Truyền thông minh bạch, gần gũi: Giải thích rõ lợi ích của chuyển đổi xanh, đồng thời chia sẻ khó khăn và phương án hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn chuyển tiếp.

Việt Nam đã và đang khẳng định cam kết mạnh mẽ với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó mục tiêu số 5 (bình đẳng giới) và số 11 (phát triển đô thị bền vững) luôn gắn bó chặt chẽ. Chính vì vậy, mọi chính sách hướng tới tương lai xanh cần được thiết kế theo hướng bao trùm, lấy công bằng xã hội làm nền tảng.

Sự thành công của lộ trình cấm xe máy xăng không chỉ được đo bằng không khí sạch hơn, mà còn nằm ở việc mỗi người dân, đặc biệt là những người phụ nữ đang ngày ngày vun vén cho gia đình và xã hội đều cảm thấy mình là một phần của hành trình đổi thay tích cực.

Bài viết do Tạp chí Phụ nữ Mới thực hiện, nhằm góp phần lan tỏa tiếng nói cộng đồng và thúc đẩy chính sách công bằng, nhân văn trong phát triển đô thị bền vững.

Đức Khải

TS. Hoàng Phương Hà và những sáng chế giúp xử lý ô nhiễm môi trường

TS. Hoàng Phương Hà và những sáng chế giúp xử lý ô nhiễm môi trường

TS. Hoàng Phương Hà và nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu quan trọng giúp giải quyết bài toán ô nhiễm trong ao nuôi tôm, cá