Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở TP.HCM, Hà Nội

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang có mức độ ô nhiễm không khí ở mức báo động, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá ô nhiễm không khí trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng, vì vậy Bộ đang đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận tính đến tháng 4-2020 cả nước có khoảng 3,76 triệu ôtô, đến hết tháng 5-2020 số ôtô tăng lên 3,79 triệu xe, trung bình một tháng cả nước tăng thêm khoảng 30.000 ôtô và có đến khoảng 45% ôtô, xe máy đang tập trung tại Hà Nội, TP.HCM.

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở TP.HCM, Hà Nội

Hà Nội có 7 triệu xe máy, khoảng 800.000 ôtô, trung bình mỗi tháng số xe máy, ôtô đăng ký mới tăng lên hàng chục nghìn chiếc chưa bao gồm xe ô tô, xe máy vãng lai. 

Tính đến tháng 6-2019, TPHCM có khoảng 8,94 triệu xe cá nhân gồm khoảng 825.300 ôtô và 8,12 triệu xe máy, tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018. Tính từ năm 2010 đến nay, TP.HCM tăng thêm hơn 4 triệu xe và bình quân mỗi người dân đều có một xe máy hoặc ôtô.

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, lượng khí thải từ xe tham gia giao thông bao gồm xe cũ là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí ở hai đô thị lớn như hiện này, chưa kể là lượng khí thải tăng nhiều hơn nữa khi hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, gây kẹt xe. Ngoài ra ô nhiễm còn do bụi từ xây dựng công trình, khí thải từ cơ sở sản xuất công nghiệp, khí thải từ lò đốt sử dụng nguyên liệu hóa thạch như nhiệt điện than, sản xuất ximăng, hóa chất, phân bón... tại Hà Nội, TP.HCM và các vùng lân cận. 

TS Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết, Hà Nội đã xác định các nguồn gây ô nhiễm như trên. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết dù không phải nguyên nhân nhưng là yếu tố tác động làm tăng, giảm ô nhiễm. Tuy nhiên hiện chưa thể tách bạch được các nguồn gây ô nhiễm, chưa thể kiểm kê chính xác tỉ lệ gây ô nhiễm của các nguồn khí thải để có những biện pháp cụ thể.

TS Tùng cho biết nguồn gây ô nhiễm từ xe cá nhân đang được xác định là nguồn lây ô nhiễm lớn nhất. Trước mắt giải pháp cấp bách giảm ô nhiễm đó là giảm số lượng xe cộ cá nhân thông qua việc phát triển hệ thống giao thông công cộng; kiểm soát mức độ phát thải xe cộ thông qua kiểm định ôtô hằng năm và tiến tới kiểm định khí thải xe máy. Với những xe không đạt cần duy tu, bảo dưỡng để đạt tiêu chuẩn phát thải khi chạy trên đường.

Các đô thị cần xây dựng các tuyến phố phát thải thấp, quy định xe máy, ôtô đạt tiêu chuẩn nào mới được chạy và tăng cường sử dụng xe công cộng để giảm ô nhiễm từ giao thông.

Kiểm soát khí thải từ các cơ sở sản xuất giấy, hạt nhựa, từ các nhà máy ximăng, nhiệt điện... Muốn làm điều này cần một cơ chế liên tỉnh để kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, vì nhiều biện pháp thời gian qua các đô thị đã đặt ra nhưng thực hiện khá chậm chạp.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe - tổng thư ký Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam, cho biết, những đô thị lớn đều có tỉ trọng công nghiệp xây dựng cao, tỉ trọng đóng góp GDP của công nghiệp xây dựng vào tăng trưởng các đô thị rất lớn. Trong khi tăng trưởng được 1% GDP thì môi trường suy thoái 4%. Chính vì vậy thủ phạm gây ô nhiễm không khí đầu tiên là sản xuất công nghiệp, xây dựng nhà cửa và phát thải từ xe cộ. Hơn nữa, mật độ nhà cao tầng quá dày đặc làm nguồn gây ô nhiễm trở nên độc hại hơn do hiệu ứng nhà kính, tăng nhiệt độ. 

Theo các chuyên gia môi trường, việc phát triển các siêu đô thị quy mô 8-10 triệu dân chỉ ở các nước phát triển quy mô lớn. Quy mô đô thị lớn thì càng khó kiểm soát vấn đề môi trường, đô thị quy mô vừa và nhỏ dễ kiểm soát ô nhiễm không khí hơn.

Thanh Mai

Cảnh sát giao thông được trang bị nhiều loại súng khi tuần tra, kiểm soát

Cảnh sát giao thông được trang bị nhiều loại súng khi tuần tra, kiểm soát

Khi tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông được trang bị một số loại súng như súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su....