TP.HCM sẽ khởi công ngân hàng máu mới tầm cỡ khu vực

Theo UBND TP.HCM, ngân hàng máu mới này sẽ được đầu tư xây dựng với diện tích là 3.500m2; tổng mức đầu tư là 699,482 tỉ đồng, đặt tại cụm y tế Tân Kiên.

Vừa qua, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập bệnh viện (1975 - 2025), 35 năm thành lập khối khám chữa bệnh, 30 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam. Đến dự lễ kỷ niệm có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy.

Tại buổi lễ, BS.CKII Phù Chí Dũng, giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM, cho biết sau 50 năm hình thành và phát triển, bệnh viện đã có những phát triển vượt bậc và trở thành một trong hai bệnh viện tuyến cuối lớn nhất cả nước về huyết học, truyền máu. Hiện mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 140.000 lượt điều trị ngoại trú, 10.000 ca đều trị nội trú.

Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM. Ảnh: Internet
Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM. Ảnh: Internet

Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM còn có ngân hàng máu đứng đầu cả nước. Năm 2024, bệnh viện đã sản xuất và cung cấp hơn 650.000 chế phẩm máu các loại, cung cấp cho gần như tất cả các bệnh viện công lập và ngoài công lập tại TP.HCM và một số tỉnh miền Tây và Nam Bộ. Dự kiến từ tháng 1/2026, sẽ mở rộng cung cấp cho các bệnh viện ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (cũ).  

Về ghép tế bào gốc, bệnh viện là đơn vị tiên phong với hơn 700 ca đã được thực hiện kể từ ca đầu tiên vào năm 1995, đứng đầu cả nước về số ca ghép. Bệnh viện cũng hỗ trợ một số bệnh viện ở TP.HCM thực hiện ghép tế bào gốc như Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. 

“Hiện ngân hàng máu của bệnh viện đạt công suất 250.000 đơn vị máu/năm. Sắp tới, TP.HCM sẽ khởi công ngân hàng máu mới, công suất gấp 4 lần ngân hàng máu hiện tại của bệnh viện”, bác sĩ Dũng thông tin thêm.

Các bạn trẻ tham gia hiến máu hưởng ứng “Tháng nhân đạo” năm 2025 tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM. Ảnh: BVTMHH
Các bạn trẻ tham gia hiến máu hưởng ứng “Tháng nhân đạo” năm 2025 tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM. Ảnh: BVTMHH

Nhờ cơ chế đặc thù của TP.HCM, bác sĩ Dũng cho biết bệnh viện có thể tiếp cận nhanh chóng các phương pháp điều trị mới nhất, kỹ thuật mới nhất và thuốc mới nhất mà không cần qua quy trình phê duyệt phức tạp của Cục Quản lý dược, giúp bệnh nhân Việt Nam không cần ra nước ngoài để điều trị.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của bệnh viện thời gian qua, đồng thời yêu cầu bệnh viện duy trì chất lượng chuẩn quốc tế JCI. Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị bệnh viện sớm triển khai thêm cơ sở tại Bình Dương hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), để phục vụ người dân tốt hơn, giảm thời gian di chuyển.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy, TP.HCM đang bước vào giai đoạn phát triển mới và chuẩn bị xây dựng hệ thống bệnh viện chuyên khoa sâu, đặc biệt để phục vụ rộng khắp và lâu dài cho người dân thành phố và khu vực. Bà Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu ngành y tế TP.HCM cần đẩy mạnh 4 mục tiêu chiến lược: xây dựng TP.HCM thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực; phát triển bệnh viện thông minh; thúc đẩy y học chính xác, y tế số và y tế cá thể hóa; nâng cao năng lực y tế dự phòng và điều trị chuyên sâu.

Mạnh Linh

Bộ Y tế: Siết chặt quản lý thực phẩm bổ sung

Bộ Y tế: Siết chặt quản lý thực phẩm bổ sung

Bộ Y tế đề xuất siết chặt quản lý thực phẩm bổ sung, bãi bỏ cơ chế tự công bố nhằm ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.