Bộ Y tế: Siết chặt quản lý thực phẩm bổ sung

Bộ Y tế đề xuất siết chặt quản lý thực phẩm bổ sung, bãi bỏ cơ chế tự công bố nhằm ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thực phẩm bổ sung, ngành hàng từng được coi là "vùng xám" về pháp lý, sắp tới có thể sẽ không còn nằm ngoài tầm kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Bộ Y tế đang đề xuất bãi bỏ cơ chế tự công bố đối với nhóm sản phẩm này, thay thế bằng quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, chất lượng đến quảng cáo.

Theo quy định hiện hành, thực phẩm bổ sung không thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải đăng ký bản công bố tại cơ quan chức năng. Điều này đồng nghĩa, chỉ cần đáp ứng một số điều kiện tối thiểu, doanh nghiệp có thể tự công bố chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường mà không trải qua quy trình kiểm tra, thẩm định độc lập.

Vụ kẹo Kera: Bộ công an đã Khởi tố hành vi sản xuất, quảng cáo sai, lừa dối người tiêu dùng.
Vụ kẹo Kera: Bộ công an đã Khởi tố hành vi sản xuất, quảng cáo sai, lừa dối người tiêu dùng.

Chính sách này từng được kỳ vọng tạo điều kiện thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây lại trở thành kẽ hở để các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí hàng giả, trà trộn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhiều vụ việc bị phanh phui gần đây như kẹo rau củ Kera chứa hàm lượng sorbitol cao bất thường, sữa bột giả, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc… đã dấy lên lo ngại về sự lỏng lẻo trong quản lý nhóm sản phẩm vốn liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 15/2018 về quản lý an toàn thực phẩm, với điểm nhấn là đưa thực phẩm bổ sung vào danh mục bắt buộc phải đăng ký bản công bố.

Trụ sở công ty Chị Em Rọt (đơn vị sở hữu thương hiệu kẹo Kera) tại TP.Thủ Đức (cũ) TP.HCM
Trụ sở công ty Chị Em Rọt (đơn vị sở hữu thương hiệu kẹo Kera) tại TP.Thủ Đức (cũ) TP.HCM

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bổ sung sẽ phải: Đăng ký bản công bố tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông sản phẩm; Công khai rõ thành phần, hàm lượng và chỉ tiêu chất lượng thay vì chỉ dừng lại ở chỉ tiêu an toàn như trước đây; Đảm bảo sản xuất tại cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, GMP, ISO 22000 hoặc tương đương; Chịu sự hậu kiểm chặt chẽ từ cơ quan chức năng, bao gồm kiểm nghiệm định kỳ, kiểm tra quảng cáo, thu hồi sản phẩm vi phạm.

Bên cạnh đó, việc quảng cáo thực phẩm bổ sung, nhất là trên nền tảng mạng xã hội, sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt. Những người tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm như người nổi tiếng, KOLs cũng phải công khai mối quan hệ tài trợ để tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cũng đang được tăng cường. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389), từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, thu ngân sách gần 4.900 tỷ đồng.

Riêng lĩnh vực thực phẩm, các hành vi gian lận ngày càng tinh vi, từ việc cố tình xếp nhầm nhóm sản phẩm để tránh kiểm tra, quảng cáo sai sự thật, đến việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.

Việc siết quản lý thực phẩm bổ sung được đánh giá là động thái cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, đồng thời đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý, các chuyên gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần chủ động trang bị kiến thức, lựa chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, kiểm tra kỹ thông tin nhãn mác, xuất xứ trước khi sử dụng.

Đặc biệt, không nên tin tưởng tuyệt đối vào các quảng cáo trên mạng xã hội, các lời giới thiệu từ người nổi tiếng nếu sản phẩm đó chưa có đủ giấy tờ pháp lý minh bạch.

Việc chấm dứt cơ chế tự công bố thực phẩm bổ sung không chỉ là siết chặt quản lý, mà còn là bước đi tất yếu để lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Đây cũng là tín hiệu cho thấy cơ quan chức năng đang quyết liệt bịt kín những kẽ hở pháp lý, tạo môi trường cạnh tranh công bằng và thúc đẩy các doanh nghiệp chân chính phát triển bền vững.

Mạnh Linh

TP.HCM siết hàng giả trên nền tảng số bằng công nghệ AI và Tick xanh

TP.HCM siết hàng giả trên nền tảng số bằng công nghệ AI và Tick xanh

TP.HCM đẩy mạnh chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, dùng ứng dụng AI truy quét hàng giả và yêu cầu KOL, sàn thương mại điện tử minh bạch khi quảng bá sản phẩm.