Vaccine đột phá mở ra tiềm năng xóa sổ thể ung thư vú nguy hiểm nhất

Lần đầu tiên, một vaccine thử nghiệm đã cho kết quả khả quan trong việc ngăn ngừa ung thư vú bộ ba âm tính từ trong trứng nước.

Trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, loại vaccine mới này đã cho thấy khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở phần lớn phụ nữ mắc chứng ung thư vú bộ ba âm tính (TNBC) giai đoạn đầu hoặc có nguy cơ di truyền cao. Đây là một trong những dạng ung thư vú nguy hiểm và khó điều trị nhất khi có khả năng kháng lại các liệu pháp điều trị hormone, dễ di căn và tái phát nhanh chóng.

Vaccine đột phá mở ra tiềm năng xóa sổ thể ung thư vú nguy hiểm nhất

Được phát triển bởi tập đoàn công nghệ sinh học Anixa Biosciences phối hợp cùng Cleveland Clinic, vaccine này hoạt động dựa trên ý tưởng: dạy hệ thống miễn dịch phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư trước khi chúng trở nên nguy hiểm.

Để làm được điều này, các nhà khoa học đã tập trung vào α-lactalbumin, một loại protein chỉ được sản xuất trong quá trình tiết sữa trong thời kỳ cho con bú. Thế nhưng từ hàng thập kỷ trước, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng loại protein này đã xuất hiện trong 70% trường hợp ung thư vú bộ ba âm tính.

Việc protein này không tồn tại ở người trưởng thành khỏe mạnh biến nó thành “mục tiêu” lý tưởng để hệ miễn dịch có thể tấn công mà không làm hại mô bình thường.

“Vaccine này được thiết kế để huấn luyện hệ miễn dịch tìm kiếm và loại bỏ các tế bào ung thư vú ngay từ giai đoạn sớm nhất”, tiến sĩ Amit Kumar, Giám đốc điều hành Anixa Biosciences, cho biết.

Trong thí nghiệm giai đoạn 1 trên 35 tình nguyện viên, hơn 75% đã cho thấy phát triển phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Các xét nghiệm máu cho thấy các kháng thể và tế bào bạch cầu đã sẵn sàng nhận diện α-lactalbumin.

“Nhìn chung, vaccine được dung nạp tốt và tạo phản ứng miễn dịch ở đa số bệnh nhân”, bác sĩ ung thư Rima Patel (Bệnh viện Mount Sinai) nhận định.

Vaccine ung thư không giống như các loại vaccine chúng ta tiêm ngừa nhiễm trùng. Ung thư vốn bắt nguồn từ chính các tế bào của cơ thể, và hệ miễn dịch thường được huấn luyện để bỏ qua những tế bào này. Đây cũng là lý do vì sao các vaccine ung thư trước đây đều thất bại, bởi hoặc chúng không đủ mạnh hoặc vô tình kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công mô khỏe khác.

Vaccine mới tránh được điều này bằng cách nhắm vào các protein “lạc chỗ”. Hay nói một cách khác, đối với những phụ nữ không có kế hoạch sinh thêm con, α-lactalbumin trở thành một mục tiêu an toàn.

Vaccine được tiêm 3 liều cách nhau 2 tuần. Các nghiên cứu tiền lâm sàng trên chuột đã chứng minh khả năng ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển của khối u. Các tác dụng phụ được ghi nhận chủ yếu là kích ứng nhẹ tại chỗ tiêm.

Các chuyên gia hy vọng thành công của vaccine trong các thử nghiệm ban đầu có thể dẫn đến việc xóa sổ căn bệnh này trong vòng một thập kỷ
Các chuyên gia hy vọng thành công của vaccine trong các thử nghiệm ban đầu có thể dẫn đến việc xóa sổ căn bệnh này trong vòng một thập kỷ

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại phía trước. Những thử nghiệm quy mô lớn hơn dự kiến bắt đầu từ năm sau sẽ cần xác minh liệu phản ứng miễn dịch có thực sự bảo vệ cơ thể khỏi ung thư hay không. Việc chứng minh hiệu quả trên những người khỏe mạnh, vốn không có triệu chứng bệnh, cũng là một thách thức khoa học và đạo đức lớn.

Dù vậy, giới nghiên cứu vẫn lạc quan về lợi ích tiềm năng của loại vaccine này. Hiện nay, cứ 100.000 phụ nữ Mỹ lại có 14 người mắc ung thư vú bộ ba âm tính với tỷ lệ sống sau 5 năm thấp hơn đáng kể so với các dạng ung thư vú khác.

Nếu các thử nghiệm tiếp theo xác nhận tiềm năng của loại vaccine mới này, đây có thể là một chương mới trong y học khi hệ miễn dịch được huấn luyện để tiêu diệt ung thư trước khi nó kịp hình thành.

Một loại protein từng giúp nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có thể trở thành chìa khóa phòng trong việc phòng ngừa ung thư vú.

TM (theo Independent)

Nọc bọ cạp Amazon, hy vọng mới trong cuộc chiến chống ung thư vú

Nọc bọ cạp Amazon, hy vọng mới trong cuộc chiến chống ung thư vú

Một nghiên cứu từ Brazil cho thấy nọc bọ cạp Amazon có khả năng làm hoại tử và tiêu diệt các tế bào ung thư vú.