Thành tựu và thách thức sau ba thập kỷ
Ngày 11/7, Bộ Y tế phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới với chủ đề “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”. Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, được khẳng định rõ trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chính sách dân số đã chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển toàn diện.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan |
Hơn 30 năm sau Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994, Việt Nam đã kiểm soát tốt mức tăng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với tuổi thọ trung bình đạt 74,7 tuổi (năm 2024), cao hơn nhiều quốc gia cùng mức thu nhập. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi… đang từng bước được củng cố và nâng cao.
Tuy nhiên, công tác dân số hiện đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng. Theo điều tra biến động dân số tháng 4/2024, tổng tỷ suất sinh giảm xuống còn 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử và có xu hướng tiếp tục giảm. Tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, đặt ra áp lực lớn cho hệ thống an sinh xã hội.
Tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao bất thường (111,4 bé trai/100 bé gái năm 2024), phản ánh tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Đặc biệt, hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc vẫn phổ biến, chiếm tới 21,9%. Tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên cũng có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số tương lai.
![]() |
Các cơ quan, tổ chức đang nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho người trẻ có được quyền tự quyết định về sinh con, chăm sóc con cái. |
Quyền sinh sản được tôn trọng và bảo vệ
Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, quyền tự quyết về sinh sản, quyền của cá nhân và các cặp vợ chồng được sinh con phù hợp với điều kiện và mong muốn luôn được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Theo bà, đây không chỉ là một quyền cơ bản mà còn là nền tảng để xây dựng xã hội tiến bộ, bền vững.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết mong muốn có hai con vẫn phổ biến trong xã hội Việt Nam. Việc trao quyền sinh sản cho người dân chính là tạo môi trường thuận lợi để hiện thực hóa mong muốn này, đồng thời góp phần duy trì mức sinh hợp lý và cải thiện chất lượng dân số.
Để ứng phó với các thách thức về dân số hiện nay, Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Luật Dân số, dự kiến trình Chính phủ và trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025. Dự thảo luật lần này tập trung vào năm nhóm chính sách lớn: Thứ nhất, bảo vệ quyền sinh sản và nâng cao mức sinh hợp lý thông qua việc cải thiện chế độ nghỉ thai sản, hỗ trợ tài chính bằng tiền mặt hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh con, đặc biệt là các gia đình sinh hai con gái hoặc sinh con một bề. Thứ hai, nâng cao chất lượng dân số bằng cách đẩy mạnh tư vấn tiền hôn nhân, khám sức khỏe trước kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cùng với việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế sinh sản. Thứ ba, thích ứng với già hóa dân số thông qua phát triển đội ngũ nhân lực chăm sóc người cao tuổi và xây dựng chính sách nhà ở xã hội cho nhóm dễ tổn thương, đặc biệt là người già neo đơn. Thứ tư, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh bằng các biện pháp truyền thông thay đổi hành vi và ứng dụng công nghệ trong theo dõi, can thiệp. Cuối cùng, bảo đảm nguồn lực và phân cấp hiệu quả trong bối cảnh thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, yêu cầu các địa phương chủ động bố trí kinh phí và nhân lực cho công tác dân số.
![]() |
Một trong những ca khám sàng lọc trước khi sinh do BS Dương Ánh Kim - bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện. |
ThS.BS Dương Ánh Kim - bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết:“Việc bảo vệ quyền sinh sản và nâng cao chất lượng dân số cần được tiếp cận từ góc độ y tế dự phòng, giáo dục sức khỏe và công bằng trong tiếp cận dịch vụ. Trong thực tiễn điều trị và tư vấn, chúng tôi nhận thấy rất nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là người trẻ hoặc ở vùng sâu, vùng xa, chưa có đủ kiến thức về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình hay sàng lọc trước sinh".
Bà nhấn mạnh:“Việc đưa các nội dung như tư vấn tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, khám sức khỏe định kỳ… vào Luật Dân số sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để ngành y tế triển khai sâu rộng và đồng bộ. Đặc biệt, trong bối cảnh tỷ suất sinh giảm và dân số già hóa nhanh, chính sách hỗ trợ sinh con, cải thiện chế độ thai sản là cần thiết để tạo động lực sinh con, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc thai kỳ, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.”
Song song đó, Bộ Y tế cũng xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026–2035, hướng đến đảm bảo an sinh, công bằng và phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan kêu gọi các bộ, ngành, chính quyền địa phương cùng Cục Dân số và các đơn vị chuyên môn đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo Luật Dân số và chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, bà đề nghị Liên Hợp Quốc, UNFPA và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật để thực hiện hiệu quả các chiến lược dân số, bảo vệ quyền sinh sản và nâng cao chất lượng dân số.
Hiểu để phòng ngừa và điều trị kịp thời bệnh ‘Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên’
Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI) là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa nếu người dân duy trì lối sống tích cực, chế độ ăn lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ.