Tổng tiến công trên toàn tuyến
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025, phát động đợt cao điểm toàn quốc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đợt cao điểm diễn ra trong vòng 1 tháng, từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, với mục tiêu xử lý triệt để các hành vi vi phạm, đồng thời đánh giá thực trạng, kiến nghị hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả phải được triển khai đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trên toàn quốc. Công điện nêu rõ, mặc dù thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã đạt nhiều kết quả trong phát hiện, xử lý các vụ việc nghiêm trọng, tuy nhiên tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật, công nghệ cao, thương mại điện tử và mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm với quy mô ngày càng tinh vi.
Đợt cao điểm lần này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt. Thành phần gồm lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao - Du lịch cùng nhiều cơ quan truyền thông quốc gia.
Trong công điện, Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng toàn quốc chủ trì phối hợp các đơn vị chức năng tập trung điều tra, nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các biện pháp nghiệp vụ phải được triển khai mạnh mẽ để xử lý hình sự kịp thời các hành vi vi phạm nghiêm trọng nhằm răn đe, cảnh tỉnh.
Bộ Công an cũng được yêu cầu phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan giám định để điều tra, xét xử triệt để các vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Đặc biệt, quá trình xử lý cần làm rõ trách nhiệm quản lý, cấp phép, kiểm định của các tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, bảo kê nếu có, với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Siết chặt biên giới, kiểm soát chặt thị trường
Bộ Quốc phòng được giao chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát Biển phối hợp với Công an và các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, thuốc men không rõ nguồn gốc.
Trong khi đó, Bộ Công Thương phối hợp UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhập lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử. Cục Quản lý thị trường được yêu cầu tổng kiểm tra các điểm nóng, phát hiện sớm và dứt điểm từng vụ việc.
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tập trung thu thập thông tin, phối hợp chia sẻ dữ liệu với các đơn vị nghiệp vụ để kiểm soát, ngăn chặn gian lận thương mại qua cửa khẩu, ngăn tình trạng hàng hóa nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm trục lợi chính sách thuế.
Lĩnh vực y tế và tiêu dùng được xác định là trọng điểm trong đợt cao điểm. Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Đồng thời, yêu cầu các nhà khoa học, cán bộ y tế không tham gia quảng cáo sai sự thật, không phóng đại công dụng khi chưa có căn cứ pháp lý và khoa học rõ ràng.
![]() |
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra, xử lý nghiêm thuốc giả, sữa giả, hàng không rõ nguồn gốc. |
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhất là trong bối cảnh phát sinh các hành vi vi phạm trên nền tảng số. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc công bố chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm hành vi gian dối trong tiêu chuẩn, chứng nhận hàng hóa.
Đáng chú ý, Công điện yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật. Bộ này sẽ rà soát các quy định hiện hành, kiến nghị bổ sung pháp luật để xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức lợi dụng hình ảnh cá nhân để tuyên truyền sản phẩm kém chất lượng.
Huy động cả hệ thống chính trị và truyền thông vào cuộc
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác đặc biệt cấp địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh, thành làm Tổ trưởng, có sự tham gia của lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Sở Công Thương, Sở Y tế và các đơn vị liên quan. Tổ công tác này chịu trách nhiệm phát hiện, xử lý và báo cáo nhanh các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng về Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
![]() |
Thủ tướng chỉ đạo mở cao điểm toàn quốc chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. |
Cùng với đó, các cơ quan báo chí được giao tăng cường truyền thông về kết quả đợt cao điểm, biểu dương các cá nhân, tập thể có sáng kiến tốt, đồng thời lên án, phê phán mạnh mẽ các hành vi vi phạm. Mục tiêu là tạo hiệu ứng lan tỏa nhận thức trong cộng đồng, huy động sự tham gia tích cực của toàn dân vào công cuộc phòng, chống buôn lậu, hàng giả.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được đề nghị phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chức năng trong vận động đoàn viên, hội viên tham gia giám sát, phát hiện và lên tiếng đấu tranh với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Đợt cao điểm không chỉ là chiến dịch xử lý vi phạm hành chính, hình sự mà còn là dịp rà soát lại toàn bộ chính sách quản lý hàng hóa, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng, cấp phép lưu hành... Qua đó, các bộ, ngành sẽ tổng hợp khó khăn, vướng mắc, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh của thương mại điện tử và kinh tế số.
Mục tiêu cao nhất của chiến dịch là bảo vệ quyền lợi người dân, quyền lợi doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng, góp phần giữ vững ổn định xã hội và môi trường đầu tư, hướng đến phát triển kinh tế minh bạch, bền vững.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ phải được xem là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt, liên tục. Đợt cao điểm tháng 5-6/2025 là bước khởi đầu cho một mục tiêu toàn diện hơn, có chiều sâu và trong thời gian tới.
Big Tech hoạt động tại Việt Nam: Sẽ bị thu thuế thông qua hệ thống ngân hàng, cung cấp thông tin bên bán để chống hàng giả
Việt Nam đang đề xuất một bộ quy định buộc các công ty công nghệ toàn cầu như Alibaba và Google phải nộp thêm thuế và cung cấp dữ liệu công ty bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử.