Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tháng Văn hoá lần thứ nhất của Trung Quốc.
Trong số 4 đoàn nghệ thuật sân khấu Việt Nam tham dự Liên hoan lần này, Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị tham gia liên tục trong 10 kỳ Liên hoan Sân khấu Trung Quốc-ASEAN. Chia sẻ về điều này, NSND Lệ Ngọc, Giám đốc sân khấu Lệ Ngọc cho biết: “Từ năm 2013, lúc đó chúng tôi thuộc sân khấu xã hội hóa của Nhà hát Kịch Việt Nam đã rất nỗ lực tham gia kỳ liên hoan đầu tiên tại Trung Quốc. Những năm sau, qua sự kết nối của chúng tôi, nhiều đoàn nghệ thuật của Việt Nam đã tham dự liên hoan này, có kỳ liên hoan có tới 7 đoàn Việt Nam tham gia”.
Tiết mục múa rối cạn gây ấn tượng tại liên hoan |
Liên hoan năm nay diễn ra tại thành phố Nam Ninh, đoàn Việt Nam với gần 90 nghệ sĩ mang theo khối lượng lớn đạo cụ, bối cảnh sân khấu đi theo đường bộ đến liên hoan. Chặng đường dài và phải vận chuyển khối lượng bối cảnh, đạo cụ cần đến sức người là một thách thức với các nghệ sĩ trong chuyến đi “so găng” để khẳng định thương hiệu và vị thế của sân khấu Việt trong khu vực. Vất vả là điều hiện rõ trên gương mặt của từng nghệ sĩ trên dọc hành trình nhưng khi đến liên hoan thì sự mệt mỏi dường như biến mất. Cuộc hội tụ của giới sân khấu Trung Quốc và ASEAN đã thổi bùng khát khao khẳng định mình của các nghệ sĩ Việt. Tranh tài cùng 23 đoàn sân khấu của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN, các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã chiếm được cảm tình của Ban giám khảo cũng như khán giả nước bạn bằng những tiết mục và vai diễn mang đậm dấu ấn Việt.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở diễn "Lá đơn thứ 72" của Sân khấu Lệ Ngọc tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc-ASEAN lần thứ 10 |
Tại lễ khai mạc sự kiện, Nhà hát Múa rối Việt Nam đại diện cho bốn đơn vị nghệ thuật của Việt Nam biểu diễn tiết mục múa rối cạn Cây trúc xinh như một cách khoe khéo bản sắc văn hóa Việt. Các buổi diễn sau đó, văn hóa Việt tiếp tục tỏa sáng, ghi dấu ấn qua các tiết mục của đơn vị nghệ thuật này, như:Việt Nam xin chào, múa Nón quai thao, múa Sen, Vũ điệu tâm linh,… Đặc biệt, lần đầu tiên vở múa rối Nghêu, sò, ốc, hến, với trích đoạn Thầy bói mù, được giới thiệu tại sân khấu quốc tế.
Khán giả chật kín khán phòng |
Nhà hát kịch nói Quân đội lần đầu tham gia sự kiện này, tự tin mang vở diễn Hoa khôi dạy chồng đi tranh tài. Sự hóa thân của hai nghệ sĩ NSƯT Hồ Uy Linh và Ma Thị Thu Ngà đã nhận được giải Nam, Nữ diễn viên xuất sắc.
Ê kíp chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn và diễn viên vở "Hoa khôi dạy chồng" tại liên hoan |
Là đơn vị xã hội hóa duy nhất trong 4 đơn vị nghệ thuât của Việt Nam đến với liên hoan, Sân khấu Lệ Ngọc lại “chơi lớn” khi tham gia 2 vở (các đơn vị khác chỉ tham gia 1 vở). Điều đáng nói là cả hai vở diễn của sân khấu Lệ Ngọc đều thu hút sự quan tâm của truyền thông Trung Quốc. Đó là Lá đơn thứ 72 với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở diễn ( nghệ sĩ Nguyễn Văn Hải đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Lôi Vũ -vở kịch kinh điển của tác giả Tào Ngu (Trung Quốc). Cũng bởi thế nên NSND Lệ Ngọc được “săn đón” để trả lời câu hỏi: “ Vì sao chọn vở diễn nói về lãnh tụ Việt Nam đi dự liên hoan? Vì sao, lại mang Lôi Vũ – vở kịch kinh điển của Trung Quốc đi thi đấu tại Trung Quốc?". Khi nghe NSND Lệ Ngọc nói về lý do mang Lá đơn thứ 72 đi dự thi, các phóng viên đều hào hứng với câu chuyện có thật mà vở diễn phản ánh. Họ hiểu thêm về Bác Hồ- vị cha già dân tộc của nhân dân Việt Nam. Một số phóng viên cho biêt, họ đã tìm hiểu và biết Bác Hồ từng hoạt động ở Nam Ninh, Trung Quốc.
NSND Lệ Ngọc diễn xuất trên sân khấu của liên hoan |
Với vở Lôi vũ, NSND Lệ Ngọc khiến giới truyền thông tò mò khi tiết lộ: “ Chúng tôi đã sáng tạo khi dựng vở diễn này với góc nhìn của nghệ sĩ Việt Nam. Chúng tôi muốn có sự tươi sáng ở cuối vở kịch chứ không máy móc bám sát kịch bản gốc với hơi hướng bi kịch đậm nét. Dựng vở diễn kinh điển của Trung Quốc đem “so tài” tại Trung Quốc, chúng tôi muốn thể hiện sự trân trọng của mình với kho tàng nghệ thuật sân khấu thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. Và chúng tôi cũng muốn chứng minh, chúng tôi có thể làm mới những điều tưởng chừng đã đóng khuôn trong lòng khán giả”.
Các nghệ sĩ Việt Nam tham gia liên hoan |
Thông qua hai vở diễn tham gia liên hoan, Sân khấu Lệ Ngọc đã chứng mình văn hóa nghệ thuật luôn có sự giao thoa và tiếp biến. Phê phán cái xấu xa, phê phán cái ác, ca ngợi tình yêu trong sáng, ca ngợi chính nghĩa, ước nguyện hạnh phúc gia đình v.v. là những giá trị phổ quát mà toàn nhân loại hướng đến.Thông qua Lôi Vũ sân khấu Lệ Ngọc đã làm được điều đó, cùng với Lá đơn thứ 72 là hai tác phẩm gánh sứ mệnh ngoại giao văn hóa, lòng tự hào dân tộc, góp phần làm sâu sắc thêm tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc.
Ê kíp vở "Lá đơn thứ 72" trên sân khấu của liên hoan |
Sự nỗ lực sáng tạo của ê kíp cùng sự nhập vai hết mình của các diễn viên trên sân khấu đã đem về cho Sân khấu Lệ Ngọc 2 giải vở diễn và 5 giải cá nhân.
NSND Lê Ngọc giao lưu cùng khán giả |
Vở kịch “Lá đơn thứ 72” dựa trên một câu chuyện có thật. Ông Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, từng là cán bộ địa phương, bị lĩnh án về tội giết người. Trong suốt 8 năm, ông Chồi liên tục gửi hơn 72 lá đơn để kêu oan. Năm 1966, Hồ Chủ tịch cho thư ký Vũ Kỳ chuyển đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao một lá đơn kêu oan của ông Đỗ Văn Chồi với lời nhắn: “Bác không hài lòng với lối làm việc cứ đùn đẩy cho nhau. Người ta đã gửi tới 72 lá đơn mà không cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm. Bác yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải giải quyết việc này rồi báo cáo kết quả cho Bác biết”. Và vụ án của ông Đỗ Văn Chồi được lật lại…
Một số hình ảnh của đoàn nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại liên hoan
NSND Lệ ngọc trả lời phỏng vấn giới truyền thông Trung Quốc |
Nhà hát múa rối Việt Nam tham gia Tuần lễ sân khấu Trung Quốc - Đông Nam Á lần thứ 10
Chương trình biểu diễn và hai nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam là NSƯT Nguyễn Ngọc Trìu và nghệ sĩ Nguyễn Long Giang đã xuất sắc được tôn vinh.