Các đại biểu tham gia Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng GS.TS Đặng Kim Chi |
Sự kiện do Chi hội Nữ trí thức và Ban Liên lạc Cựu nữ sinh ĐHBK HN tổ chức. Tham dự Tọa đàm có PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐHBK HN; PGS.TS Chu Kỳ Sơn, Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống (ĐHBK HN); TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Mạng lưới Cựu sinh viên ĐHBK HN, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; PGS. Phạm Văn Bình, Chủ tịch Hội Cựu Giáo Chức ĐHBK ΗΝ; bà Đinh Hoài Giang, Trưởng Ban liên lạc Cựu nữ sinh và các thành viên Ban liên lạc cựu nữ sinh.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS Lê Minh Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức ĐHBK HN cho biết, mặc dù có số lượng khiêm tốn, nữ trí thức và nữ cựu sinh viên, sinh viên ĐHBK HN đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của ĐHBK HN và sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Không ít những nhà nữ khoa học, nữ doanh nhân, nữ quản lý lãnh đạo xuất thân từ ĐHBK HN đã có được những giải thưởng khoa học lớn, những vị trí lãnh đạo cao cấp trong chính phủ và các tập đoàn kinh tế như: Bà Nguyễn Thị Anh Nhân, nguyên TGĐ Bia Halida và từng là nguyên Trưởng ban liên lạc cựu nữ sinh ĐHBK HN; PGS.TS Nguyễn Thị Hòe cựu giảng viên; GS.TS.NGND Đặng Kim Chi, nguyên phó viện trưởng Viện KH&CN Môi trường; PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên... Chính vì vậy, một trong những mục tiêu hoạt động của Chi hội Nữ trí thức và Ban Liên lạc Cựu nữ sinh ĐHBK HN là tôn vinh những đóng góp của các cô, các chị nhằm khơi dậy trong các nữ trí thức, nữ sinh viên ĐHBK HN tình yêu khoa học công nghệ và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp. Quan trọng hơn, qua các hoạt động đó gắn kết các nữ trí thức, nữ cựu sinh viên, sinh viên ĐHBK HN trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, các vị trí khác nhau, các thế hệ khác nhau để hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống và trong sự nghiệp, vì sự phát triển của ĐHBK HN.
GS.TS Lê Minh Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức ĐHBK HN |
Với tinh thần đó, BTC đã mời GS.TS.NGND Đặng Kim Chi, cựu sinh viên K11, nguyên phó Viện trưởng Viện KH&CN Môi trường ĐHBK HN chia sẻ con đường đến với ĐHBK HN và khoa học môi trường. Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành KHCN môi trường ở Việt Nam, GS.TS.NGND Đặng Thị Kim Chi cũng là nhà khoa học tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề. Những dấu ấn cống hiến sâu đậm của bà được ghi nhận bởi những thành tích danh hiệu, phần thưởng cao quý suốt chiều dài sự nghiệp đã qua, như: Giải thưởng Kovalevskaia; Giải thưởng nhân tài đất Việt.
GS.TS Đặng Thị Kim Chi sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, bà là con gái của GS. BS Đặng Vũ Hỷ, một trong những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (năm 1996).Năm 1971, GS.TS Đặng Thị Kim Chi tốt nghiệp Khoa Hoá , DDHBK HN với tấm bằng loại ưu. Sau đó, bà được giữ lại làm giảng viên của trường và tiếp tục được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức làm nghiên cứu sinh về chuyên ngành kỹ thuật bảo vệ môi trường. Năm 1982 sau khi về nước, GS.TS Đặng Kim Chi cùng 5 người khác đã tạo thành một nhóm chuyên gia về kỹ thuật bảo vệ môi trường đầu tiên của Trường ĐHBK HN.
GS.TS Đặng Kim Chi |
Năm 1989, Bộ môn Kỹ thuật môi trường (ĐHBK HN) được thành lập. Tại đây, GS.TS Đặng Kim Chi cùng các đồng nghiệp bắt đầu những lớp đào tạo đầu tiên các kỹ sư kỹ thuật môi trường cho Việt Nam.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, một trong những hướng nghiên cứu trọng tâm của GS.TS Đặng Thị Kim Chi đó là môi trường làng nghề. GS.TS Đặng Kim Chi đặc biệt quan tâm đến môi trường làng nghề, bởi bà suy nghĩ: “Việt Nam là đất nước có nhiều làng nghề, nhưng sự ô nhiễm trong quá trình sản xuất đang làm mất dần đi vẻ đẹp của nhiều làng quê, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của nhân dân”. Một trong số những đề tài nghiên cứu về môi trường làng nghề do GS.TS Đặng Kim Chi chủ biên được đánh giá cao và có ảnh hưởng lớn đó là đề tài mang mã số KC.0908: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề Việt Nam”.
PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐHBK HN phát biểu |
“ Tôi cảm thấy rất ngượng khi ngồi ở đây. Tôi thấy nhiều người xứng đáng hơn tôi để được tôn vinh là “tấm gương” trong cuộc tọa đàm này”- GS.TS Đặng Kim Chi mở đầu những chia sẻ của mình. “Tôi không muốn nói đến các giải thưởng. Khi làm khoa học thì đừng nghĩ đến giải thưởng và cũng không nên nhắc lại vì tất cả đã là quá khứ. Nhà khoa học là phải nhìn về phía trước để mà phấn đấu, cố gắng”- GS.TS Đặng Kim Chi khẳng định.
PGS.TS Chu Kỳ Sơn, Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống (ĐHBK HN) |
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, việc bà trích một phần tiền thưởng Giải Nhân tài Đất Việt cho Quỹ “Thắp sáng ước mơ” dành riêng cho nữ sinh viên ĐHBK HN là bởi muốn giúp các nữ sinh viên vượt khó để học tập và nghiên cứu khoa học. Bà cũng dành một phần số tiền thưởng này để kính biếu những người thầy dạy mình ở ĐHBK HN vì “Không có các thầy thì không có tôi hôm nay”. “ Ở tuổi ngoài 70, tôi vẫn đang làm việc, tham gia các công việc liên quan chuyên môn. Thù lao có được từ các hoạt động này tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho Quỹ Thắp sáng ước mơ”- GS.TS Đặng Kim Chi cho biết.
Nữ sinh viên đặt câu hỏi "Có khi nào giáo sư cảm thấy hoài nghi, thiếu tin tưởng vào công việc mình làm?" |
Trả lời câu hỏi “ Có khi nào giáo sư cảm thấy hoài nghi, thiếu tin tưởng vào công việc mình làm?”, GS.TS Đặng Kim Chi kể câu chuyện khi bà học ở Đức, bà đã từng có suy nghĩ “bỏ cuộc”, quay trở về Việt Nâm khi kết quả nghiên cứu 3 tháng ở phòng thí nghiệm phải hủy bỏ vì không đúng. Lúc đó, bà đi lang thang trên đường và bất chợt nhớ đến hình ảnh chồng mình trong bộ quân phục bộ đội, bế con nhỏ vẫy tay tiễn vợ ra nước ngoài nghiên cứu. Nghĩ đến sự vất vả của chồng thay mình gánh vác chuyện gia đình, bà thấy cần có trách nhiệm với chính niềm tin của những người trong gia đình nhỏ dành cho mình nên quyết định quay lại phòng thí nghiệm. Từ câu chuyện của mình, GS.TS Đặng Kim Chi khuyên nữ sinh đặt câu hỏi: “ Hãy đừng mệt mỏi khi gặp khó khăn, hãy cố gắng và nỗ lực trong mọi công việc nhưng đừng quên mình là phụ nữ và hạnh phúc của chính mình”.
GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam tặng hoa chúc mừng GS.TS Đặng Kim Chi |
Dành những lời tốt đẹp cho GS.TS Đặng Kim Chi, với tư cách là bạn học cùng lớp đại học, Bà Trần Thị Kim Đính nhớ lại 58 năm trước khi cả hai là sinh viên năm thứ nhất: “ Chúng tôi đi bộ 40 km đường rừng để nhập học ở Lạng Sơn. Vất vả lắm, vừa đi vừa khóc. Rồi chúng tôi chặt tre, nứa để làm lán, trại; trồng rau, ngô, nuôi gà, lợn. Hàng tháng, tất cả đều phải đi bộ 20km để đi vác 20 kg gạo của chính mình về nơi học. Mỗi người mang theo một chiếc quần, gạo đổ vào hai ống quần, buộc lại vác trên vai. Lúc đó, chẳng ai biết chị Chi là “cành vàng lá ngọc”, vì Chi hòa đồng, tham gia mọi công việc một cách tích cực. Cho đến giờ, Chi vẫn giúp đỡ những người bạn cùng lớp có hoàn cảnh khó khăn. Chị Chi là hình mẫu của nhà khoa học nữ tài giỏi mà lịch thiệp; thành công trong sự nghiệp nhưng cũng đảm đang, tháo vát, đúng nghĩa là một người phụ nữ của gia đình. Tôi nghĩ các nữ sinh viên cần nhìn vào chị Chi để học tập”.
Bà Trần Thị Kim Đính nhớ lại 58 năm trước khi bà và GS.TS Đặng Kim Chi là sinh viên năm thứ nhất ĐHBK HN |
Có chung quan điểm với bà Trần Thị Kim Đính, các đại biểu tham gia tọa đàm đánh giá cao đóng góp của GS.TS Đặng Kim Chi cho khoa học, cho ĐHBK HN.
PGS.TS Chu Kỳ Sơn, Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống khẳng định tự hào với những đóng góp của GS.TS Đặng Kim Chi cho ĐHBK HN nói riêng và xã hội nói chung. Ông chia sẻ, đức tính khiêm tốn của GS.TS Đặng Kim Chi là điều mà chính ông và thế hệ giảng viên trẻ, sinh viên ĐHBK HN cần học tập, noi theo. PGS.TS Chu Kỳ Sơn mong muốn GS.TS Đặng Kim Chi truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho các sinh viên của Trường Hóa và Khoa học sự sống.
Bà Đinh Hoài Giang, Trưởng Ban liên lạc Cựu nữ sinh và các thành viên Ban liên lạc cựu nữ sinh |
Tâm huyết với đề tài bảo vệ môi trường, GS.TS Đặng Kim Chi trăn trở, thậm chí bà gọi là “ấm ức” khi hiện tại ở Việt Nam có nhiều làng nghề nhưng người dân chưa ý thức được việc bảo vệ môi trường. Có những nơi, khi nhóm nghiên cứu của bà rút đi, người dân lại quay về với cách làm cũ, xả thải ra môi trường vì không muốn mất thêm tiền để mua máy bơm hút khí thải, hoặc mua các thiết bị để thực hiện việc xử lý chất xả thải. “Làng nghề khác nhau thì chất xả thải khác nhau, gây ô nhiễm và tác động đến đời sống của người dân khác nhau. Vì thế, phải có những nghiên cứu dựa trên thực tế và phải được thực hiện một cách đồng bộ. Song song với việc tuyên truyền, vận động để người dân tuân thủ việc xử lý chất xả thải đúng quy định thì cần phải giám sát thường xuyên mới mong giải quyết được vấn đề”.
PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc ĐHBK HN tặng hoa chúc mừng GS.TS Đặng Kim Chi |
BTC tặng quà lưu niệm cho GS.TS Đặng Kim Chi |
Phát biểu tại Tọa đàm, GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cảm ơn lãnh đạo trường ĐHBK HN đã tạo điều kiện để Chi hội Nữ trí thức ĐHBK HN có những hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa cao. GS.TS Lê Thị Hợp khẳng định GS.TS Đặng Kim Chi là tấm gương trong nghiên cứu khoa học, có nhiều đóng góp cho xã hội. Buổi tọa đàm đã truyền thêm cảm hứng và động lực cho các nữ trí thức trẻ, các nữ sinh viên và cả nam trí thức, nam sinh viên để các bạn thấy yêu hơn con đường nghiên cứu khoa học nhiều chông gai nhưng đầy thú vị mà mình đã lựa chọn. Thông qua cuộc Tọa đàm, GS.TS Lê Thị Hợp mời GS.TS Đặng Kim Chi tham luận tại Hội nghị các Nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10/2024.
Chuỗi bài giảng Khoa học Công nghệ và đời sống trực tuyến của Nữ trí thức Bách Khoa
Chương trình nhằm đánh thức đam mê về khoa học công nghệ cho sinh viên và học sinh phổ thông về khả năng phát triển trong lĩnh vực Kỹ thuật.