GenZ với sự bùng nổ ngành truyền thông

Hoàng Anh - Hoàng Toàn

Nhiều thách thức đặt ra với ngành Quan hệ công chúng trong thời đại mới, song thế hệ sinh viên GenZ dần lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

Ngành truyền thông chưa hết hot

Trong xu thế hội nhập, chuyển đổi số báo chí với hình thức đa nền tảng đang dẫn đầu xu thế mới, sinh viên ngoài tiếp cận chương trình đào tạo chuyên nghiệp, áp dụng các thế mạnh ưu tiên của ngành để đáp ứng được nhu cầu mà xã hội đặt ra.

Tại tọa đàm giao lưu kết nối giữa tân sinh viên, sinh viên khoa Quan hệ công chúng Truyền thông Trường Đại học Hòa Bình – Hà Nội với chủ đề tự tin hội nhập, nhiều sinh viên thế hệ GenZ tỏ ra hào hứng khi tiếp cận với ngành học năng động này.

GS. TS Đào Văn Đông truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên ngành Truyền thông.
GS. TS Đào Văn Đông truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên ngành Truyền thông.

Qua đó, Phó Hiệu trưởng GS.TS Đào Văn Đông đã đề cập vị thế của ngành quan hệ công chúng và truyền thông đa phương tiện trong xây dựng thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

“Để trà sữa, cocacola hay các cầu thủ bóng đá có hình ảnh đẹp, tạo dựng được sức mạnh thông tin khi nhắc đến đối với công chúng đều phải có đội ngũ người làm PR đứng đằng sau.

Thậm chí hình ảnh một quốc gia đến đươc với bạn bè quốc tế thông qua truyền thông cũng nhờ đội ngũ quan hệ công chúng. Chính vì thế các em phải hiểu tầm quan trọng của ngành học đối với bản thân”, GS.TS Đào Văn Đông nhấn mạnh.

Giao lưu trao đổi của Nhà báo với các em sinh viên ngành truyền thông Trường Đại học Hòa Bình.
Giao lưu trao đổi của Nhà báo với các em sinh viên ngành truyền thông Trường Đại học Hòa Bình.

Trong phần giao lưu chia sẻ kinh nghiệm của nghề báo và truyền thông với các sinh viên, nhà báo Hồng Hạnh Báo Đại biểu Nhân dân cho rằng: Khi viết tin bài cần biết chọn lọc thông tin, trước thông tin trái chiều, nhà báo cần đăng ý kiến hai chiều để đảm bảo tính khách quan, thậm chí đối chất với bản lĩnh vững vàng của người cầm bút.

Trong khi đó, cây bút phóng sự Phùng Nguyên lại cho rằng người làm báo cần có kỷ luật thông tin đối với tác phẩm của mình, viết ngắn gọn, đầy đủ ý không thiếu cũng không thừa ngoài ra người viết cần có nền tảng kiến thức tốt.

“Để có một bài phỏng vấn chất lượng cần vận dụng tốt kỹ năng đặt câu hỏi và khả năng “nhập vai” của người viết để tiếp cận thông tin đa chiều và sắc bén trong từng tác phẩm, từng tình huống”, Nhà báo Phùng Nguyên nhận định.

Sáng tạo nhưng phải dấn thân

Nhà Báo Hà Tùng Long, Báo điện tử Dân Việt chia sẻ kĩ năng tác nghiệp trong thời đại mới với thế hệ GenZ.
Nhà Báo Hà Tùng Long, Báo điện tử Dân Việt chia sẻ kĩ năng tác nghiệp trong thời đại mới với thế hệ GenZ.

Cũng trong khuôn khổ buổi giao lưu, nhà báo Hà Tùng Long, Báo điện tử Dân Việt chia sẻ, trong bối cảnh báo chí truyền thông chuyển mình sang đa nền tảng, các kênh mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Instagram phát triển mạnh, người làm báo và truyền thông cần tự trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết như kỹ năng lắng nghe, quan sát, tiếp thu ý kiến trái chiều, ứng dụng công nghệ trong sáng tạo sản phẩm báo chí truyền thông.

Đúng với chức năng của báo chí truyền thông là giám sát và phản biện xã hội. Và quan trọng hơn hết, người cầm bút cần có cái tâm trong sáng, bản lĩnh và khát khao “dấn thân”.

Bà Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc một công ty Truyền thông ở Hà Nội cho rằng, các bạn Gen Z rất sáng tạo, nhanh nhẹn, có nhiều kỹ năng công nghệ và rất tự tin trong việc đảm nhiệm những dự án mới, vai trò mới.

Nếu được định hướng tốt, các bạn rất có tiềm năng trong việc phát triển. Tuy nhiên, Gen Z cần thể hiện tính kỷ luật và sắp xếp thời gian, kế hoạch tốt hơn. Ngoài ra, cũng cần quan sát, lắng nghe để có nhiều cơ hội phát triển tốt trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, với mỗi công việc, các bạn trẻ hãy thực sự thể hiện được sự đam mê học hỏi, mong muốn được tìm tòi và sẵn sàng dấn thân để đáp ứng được công việc vốn dĩ là ngành trẻ năng động, sáng tạo.