Hỗ trợ phụ nữ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp

Thu Hiền (TTXVN)

Với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) trong khuôn khổ Nền tảng đối tác kinh doanh (BPP) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 27/2, tại thành phố Cần Thơ, Chương trình hỗ trợ tăng tốc kinh doanh nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu dành cho phụ nữ (gọi tắt là Chương trình Deltaccelerate) được triển khai.
Đại diện các doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ đều nhận định biến đổi khí hậu vừa là thách thức vừa là cơ hội cho phụ nữ đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh.
Đại diện các doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ đều nhận định biến đổi khí hậu vừa là thách thức vừa là cơ hội cho phụ nữ đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh.

Chương trình Deltaccelerate do New Energy Nexus Việt Nam triển khai trong thời gian 2 năm (2024 - 2025) với những hoạt động đào tạo và hỗ trợ tài chính không hoàn lại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc doanh nghiệp tập trung vào phụ nữ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình Deltaccelerate góp phần cải thiện khả năng ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tập trung vào phụ nữ.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 8.767 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (chiếm 8,3% so với cả Việt Nam). Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tác động từ biến đổi khí hậu cộng với khó khăn từ thị trường khiến cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đối diện với thách thức gấp đôi so với nam giới làm chủ doanh nghiệp.

Vì thế, Chương trình Detaltccelerate sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp căn cơ để tháo gỡ một số khó khăn, thách thức giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường. Với sự hỗ trợ từ Chương trình Detaltccelerate không thể "biến" doanh nghiệp nhỏ và vừa thành một doanh nghiệp lớn mạnh mà giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh của thị trường, rủi ro từ biến đổi khí hậu; đồng thời tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh phải đối diện với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng thông tin, không chỉ dừng lại ở nguồn vốn từ Chính phủ Australia mà thông qua Chương trình Detaltccelerate, các đối tác sẽ kết nối thêm dự án, nguồn vốn khác hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Ông Dominic Balasuriya, Lãnh sự kinh tế, Lãnh sự quán Australia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia có thành tích khởi nghiệp vượt trội về doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Tuy nhiên, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn thiếu vốn. Vì thế, việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Australia để hỗ trợ tăng trưởng đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của phụ nữ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

"Chương trình Detaltccelerate sẽ giúp thúc đẩy các công ty do phụ nữ lãnh đạo có tính tác động cao và có khả năng tạo ra sự khác biệt trong việc thích ứng với khí hậu ở cộng đồng địa phương – một mô hình kinh doanh kiểu mẫu có khả năng được nhân rộng trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long và sau đó trên khắp Việt Nam", ông Dominic Balasuriya kỳ vọng.

Vào tháng 11/2023, Chính phủ Australia đã triển khai bốn quan hệ đối tác kinh doanh mới trong Chương trình Đối tác kinh doanh (BPP) để giải quyết vấn đề thích ứng với khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 2,5 triệu USD (AUD). Chương trình hỗ trợ tăng tốc kinh doanh trong nông nghiệp thích ứng với khí hậu dành cho phụ nữ là một trong số bốn quan hệ đối tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo để mang lại cơ hội có thu nhập cao hơn hoặc các lợi ích khác cho phụ nữ ở Đồng bằng sông Cửu Long.