Ngành ngân hàng giảm lợi nhuận trong quý 1

Uớc tính cuối quý 1/2024 tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết chỉ đạt 1,9% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với con số 3,9% cùng kỳ.

Lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết giảm 

Nhóm phân tích của công ty chứng khoán MB (MBS) vừa đưa ra phân tích tổng quan về bức tranh các ngân hàng niêm yết quý 1/2024. Theo đó, nhóm dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) các ngân hàng niêm yết này sẽ tăng 9,6% so với kỳ trước trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp.

Ngân hàng niêm yết quý 1/2024 tăng khiêm tốn 7,6% so với cùng kỳ trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng lần lượt 8,1% và 5,6% so với cùng kỳ. Uớc tính cuối quý 1/2024 tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết chỉ đạt 1,9% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với con số 3,9% cùng kỳ. NIM (khoảng cách chênh lệnh giữa lãi suất đầu vào - ra) trung bình toàn ngành trong quý 1/2024 ở mức 3,4%, giảm nhờ chi phí vốn giảm mạnh hơn so với tỷ suất sinh lợi tài sản.

Ngành ngân hàng giảm lợi nhuận trong quý 1- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hiện chỉ số hoạt động CIR (tình hình hoạt động) trung bình các ngân hàng này giảm xuống mức 31,6% so với mức 32,0% của quý 1 năm ngoái, đưa lợi nhuận trước dự phòng tăng 1,9% so với cùng kỳ . Chi phí trích lập của họ cũng tăng 5,4% đưa lợi nhuận sau thuế của khối nhà băng niêm yết tăng 9,6% so với cùng kỳ, trong đó, nhóm NHTMCP Nhà nước tăng 0,6%, nhóm NHTMCP tư nhân tăng 14,9%.

Chất lượng tài sản có xu hướng giảm đó là điều rõ rệt. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng nhẹ lên mức 2,10% so với 1,94% cuối 2023. Quy mô nợ xấu của các ngân hàng niêm yết tăng 48,5% trong quý 1, tăng 48,5% so với cùng kỳ trong khi chi phí trích lập chỉ tăng nhẹ 5,4% khiến tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) suy giảm đáng kể..

Theo nhóm phân tích, họ quyết định dự báo điều chỉnh tăng trưởng LNST 2024 các NH trong danh mục theo dõi xuống còn 21,8% so với cùng kỳ. “Cụ thể hiện kết quả kinh doanh quý 1/2024 của các ngân hàng theo dõi thấp hơn 14,3% so với dự báo của chúng tôi phản ánh triển vọng lợi nhuận 2024 có thể sẽ kém khả quan hơn so với dự báo. Do đó, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng LNST cả năm 2024 của các ngân hàng theo dõi xuống 21,8%, so với mức 23,6% trong dự báo gần nhất”- Nhóm này nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu cho rằng những ngân hàng duy trì được chất lượng tài sản không quá suy giảm trong 2 quý gần (TCB, HDB, VCB, VPB,...) đây nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với toàn ngành (TCB, HDB,...) sẽ có được KQKD khả quan trong năm 2024 khi nội tại của ngân hàng được thể hiện trong giai đoạn tín dụng yếu sẽ phát huy tối đa trong giai đoạn phục hồi.

Rủi ro đầu tư trong giai đoạn 2024-2025 theo nhóm phân tích chính là sự phục hồi của tín dụng là tương đối chậm so với dự báo, đặc biệt là dư nợ dành cho nhóm khách hàng cá nhân. Điều này có thể khiến NIM của các ngân hàng bán lẻ như VPB, VIB... không thể phục hồi như dự báo. Ngoài ra, chất lượng tài sản cũng cần tiếp tục được theo dõi vì đang tiệm cận vùng đỉnh quý 3/2023.

Nợ xấu mới có dấu hiệu hình thành

Báo cáo tài chính quý 1/2024 của các ngân hàng thương mại cho thấy, trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối (Big4), BIDV là ngân hàng có nợ xấu nhiều nhất, với 27.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 20,7% so với cuối tháng 12/2023. Tiếp theo là VietinBank, khi nợ xấu ghi nhận ở mức 20.017 tỷ đồng vào cuối quý 1, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2023; trong đó, đáng chú ý là nợ nhóm 3 tăng mạnh 167%, lên 6.640 tỷ đồng.

Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm, với tổng nợ xấu hơn 15.459 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 3/2024, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023.

Đáng chú ý, tại MB, số dư nợ xấu đã tăng 56% trong quý 1/2024, lên mức 15.294 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng hơn gấp đôi, từ 2.889 tỷ đồng vào đầu năm lên 6.048 tỷ đồng vào cuối quý 1/2024. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của MB tăng từ mức 1,6% lên 2,49% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống 80,1% vào cuối tháng 3/2024. Chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu trong quý 1/2024 của MB đã tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2023, lên 2.707 tỷ đồng, góp phần làm lợi nhuận trước thuế giảm 11%, còn 5.795 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của ABBank đã tăng lên 3,92% vào cuối quý 1/2024, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng âm tới 19,34% trong quý 1/2024. PVcomBank cũng có tỷ lệ nợ xấu suýt soát 4%; trong đó, nợ xấu ở nhóm nghi ngờ tăng 15,8%, nợ có khả năng mất vốn tăng 17,4% so với cùng kỳ. Nợ xấu của MSB cũng lên tới 4.960 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2024, tăng 16% so với hồi đầu năm và chiếm 3,2% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng.

Một số ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu cao như BVB (3,9%), BVBank (3,1%), SHB (3%), VietBank (3,1%)…

Đánh giá về bức tranh nợ xấu toàn ngành ngân hàng, một lãnh đạo cao cấp của ACB cho biết, nợ xấu, nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều có xu hướng tăng lên trong quý 1/2024. Tỷ lệ này đang thấp hơn giai đoạn quý 2- 3/2020, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng xét riêng lẻ thì tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 - 5) và nợ nhóm 2 lại tăng lên đáng kể, cho thấy một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành.

“Trong giai đoạn quý 2/2020 - 1/2023, nợ tái cơ cấu giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, từ quý 2/2023 tới nay, nợ tái cơ cấu đang có xu hướng tăng dần. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLR) tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào quý 4/2023 cho thấy áp lực trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng vẫn còn khá lớn trong giai đoạn tới”, lãnh đạo ACB nhấn mạnh.

AN LY (tổng hợp)