Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 150 đại biểu đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp và chuyên gia. Các đại biểu đã phân tích về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và doanh nhân trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các chuyên gia cũng phân tích thực trạng truyền thông của báo chí đối với cộng đồng doanh nghiệp trong môi trường truyền thông số, làm rõ những vấn đề còn tồn tại như thông tin chưa chính xác, "chính thống hóa" tin đồn và tác động tiêu cực đến uy tín, thương hiệu và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Các kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông, cải chính thông tin và định hướng dư luận cũng được thảo luận để góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Các đại biểu khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời đưa ra những kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho nhà báo khi viết về doanh nghiệp, cũng như xây dựng chiến lược truyền thông cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.
Tại diễn đàn, PGS, TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là tương hỗ và cộng sinh. Ông khẳng định: “Báo chí là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp. Báo chí không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm mà còn cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp.”
Luật sư Lê Ngô Trung - Đoàn luật sư TP.HCM đã chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Ông cho rằng sự hợp tác và đồng hành giữa hai bên luôn mang lại lợi ích và thúc đẩy phát triển cho xã hội. Trong bối cảnh khó khăn và sự lan truyền thông tin tràn ngập hiện nay, ông Trung nhấn mạnh rằng có hai vấn đề nan giải cần được giải quyết là niềm tin và hiệu quả trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí.
Thứ nhất, giá trị uy tín của doanh nghiệp luôn được coi là thước đo đối với thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp. Trong khi mạng xã hội giúp tiết kiệm chi phí quảng bá, mặt trái của các phương tiện này là sự thiếu kiểm chứng và không hoạt động với chức năng và trách nhiệm đặc thù như báo chí. Những thông tin sai lệch hoặc đồn thổi có thể dẫn đến mất niềm tin của người tiêu dùng, và nghiêm trọng hơn là mất niềm tin vào doanh nghiệp và thị trường.
Thứ hai, sự phối hợp giữa báo chí và doanh nghiệp chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng trong bối cảnh hiện nay. Báo chí lẽ ra phải trở thành nguồn tham chiếu thông tin kiểm chứng, phản ánh những khó khăn về chính sách và cơ chế để truyền đạt nguyện vọng của doanh nghiệp, giúp Nhà nước kịp thời hỗ trợ và tạo ra hành lang pháp lý, chính sách hiệu quả.
Đồng thời, báo chí cần cung cấp thông tin về các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh và định hướng phát triển để cộng đồng doanh nghiệp tham khảo, thúc đẩy và làm trong sạch thị trường, hướng đến phát triển bền vững.
"Muốn giải quyết được hai nội dung này, cần sự chung tay của cả hai bên. Doanh nghiệp cần những bài viết sâu sát, am hiểu và phản ánh thực tiễn hơn để hỗ trợ đưa thông tin đến thị trường, phản ánh nguyện vọng của mình và khuyến khích phát triển. Báo chí cần sự phối hợp cung cấp nguồn tin minh bạch, chất lượng và kịp thời để nâng cao giá trị truyền thông, khẳng định vị trí là nơi tham chiếu trong thời đại công nghệ số tràn lan thông tin thiếu kiểm chứng," luật sư Lê Ngô Trung nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng trong tương lai, việc đồng hành và hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp cần phải phát triển hơn nữa, bao gồm cả phương thức và biện pháp hiệu quả để vừa ứng phó với mặt trái của thời đại bùng nổ thông tin, vừa thích nghi với nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay, hướng đến sự phát triển bền vững.
Ở góc nhìn khác Th.s Nguyễn Minh Quân, Phó Chủ tịch thường trực CLB Doanh nhân C&D, chia sẻ: “Với sự bùng nổ của mạng xã hội và thay đổi trong thói quen tiêu dùng thông tin của người dân, cách tiếp cận và sử dụng quảng cáo cũng đã thay đổi. Báo chí vẫn là kênh truyền thông tốt nhất để nâng cấp thương hiệu của doanh nghiệp.
Cùng quan điểm trên, ông Từ Nguyên Bình - Chủ tịch CLB Doanh nghiệp HCA thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa TP Hà Nội (SME) cũng nhấn mạnh: “Báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, hợp tác, đồng hành. Báo chí giữ vai trò thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.”
Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành cùng sự phát triển bền vững” sẽ tiếp tục tổ chức tại TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk vào ngày 14/6/2024.