NHẬN MÌNH GIỎI THÌ NGƯỢNG CHẾT
Vì sao người ta lại gọi chị là người đàn bà “dư năng lượng”?
Nhà văn Trần Thị Trường: Tôi đồ chừng rằng, người ta thấy tôi làm bất cứ cái gì, dù “rút gan rút ruột” ra vẫn cố mà đi tới nơi tới chốn. Ấy là những sếp cũ của tôi thường hài lòng nói với tôi như vậy. Nhưng khi rời các công việc làm thuê cho sếp, tôi làm vì chính tôi, thì tôi cũng rút gan rút ruột như thế.
Từ sửa chữa căn nhà riêng theo ý mình, hay kiếm tiền trong các việc “may vá thêu thùa” như một người thiết kế thời trang cho đến viết, vẽ một cái gì đó, nhiều khi tôi làm đến 3 giờ sáng, nhưng 5 giờ tôi vẫn thức như thường lệ để tập khí công đủ 1 giờ 15 phút, và tiếp tục làm việc của một ngày…
Chị có thấy mình thuộc type người… làm gì cũng giỏi không? Viết thì tận 40 tuổi mới viết, nhưng tiền nhuận bút đủ mua được nhà?
Nhận là mình giỏi thì ngượng chết. Nhưng nhuận bút xây được nhà thì thật đấy.
Nhìn dễ ưa, lại có tài, ắt cuộc sống của chị hạnh phúc và không liên quan tới câu hồng nhan bạc phận?
Tôi không thấy mình bạc phận, cho dù “hình thức tổ chức gia đình” của tôi không theo lẽ thông thường. Dường như gia đình tôi toàn những người không… thông thường. Mỗi người chúng tôi đều độc lập, và chỉ tập trung vào những dịp truyền thống.
Người ta thường hay sợ con cái làm nghề gì đó liên quan tới nghệ thuật, sợ con cái khổ, thế còn cha mẹ chị thì sao? Thấy chị hay nhắc tới cha mình với nhiều tình cảm trân trọng, hẳn con gái hợp cha?
Đúng đấy, tôi hợp cha tôi. Ông thấy tôi cầm cuốn lịch sử lúc 13 tuổi, không chỉ đọc Nguyễn Trãi mà tư lự trước câu chuyện của Đại học sĩ với Ức Trai tiên sinh, cha tôi thở dài: “Con ơi, đời con là tự rước khổ vào thân. Nhưng điều đó khiến cha cảm động…”. Tôi học được ở ông lòng tự trọng, sự kiên trì và có khát vọng. Có điều cha tôi mất sớm, nên ông chưa làm được gì nhiều.
Khi viết văn, chị thường để/đẩy các nhân vật của mình tới mức nào?
Tôi hơi non gan, không dám đẩy tới tận cùng. Tôi luôn suy xét các khía cạnh, sợ gây tổn thương người khác, đó là điều khiến tôi đôi khi nói vòng. Một BTV có hạng, khi biên tập sách cuốn gần đây của tôi, thấy trong đó có đôi chỗ, tôi đẩy tới cao trào, có góp ý, nên bỏ vài chi tiết đi, bởi nó không phải/ không đúng với văn hóa mà TTT đang có. Đấy, đôi khi, cái văn hóa tiết chế của tôi nó cứ “quy định” cái thể hiện của tôi.
Có bao giờ chị phải cân bằng giữa cuộc sống và sáng tác, với thế giới các số phận nhân vật của chị hay không?
Có đấy, tôi luôn luôn phải nghĩ tới sự cân bằng. Điều đó thật khó. Làm thế nào để các nhân vật không phải là giả, giả thì thuyết phục ai nữa? Nhưng, thực ra sự cân bằng cũng là có thật, các nhân vật của tôi, dường như có thể gọi tên thực của họ ra, đầy liên quan đến đời sống và đến bản thân tôi, nhưng họ vẫn sống trong đời thực của họ với tất cả mối quan hệ vốn có, không vì tôi viết về họ mà họ đổ vỡ một cái gì đó… Khi không đẩy tới cùng thì tôi phải miêu tả được cái ẩn ức, cái khát vọng không lối thoát của họ, chẳng hay sao?
Cuốn tiểu thuyết mấy năm của chị nghe nói đã in xong, chị có cảm giác khi chờ đợi cầm trên tay?
Tôi quá thấp thỏm đến mức suýt ngất đi khi nghe BTV nói đọc xong rồi. Nhưng, chờ đợi lâu, và cho đến giờ vẫn là chờ đợi thôi chứ đã in gì đâu, nên dần dà cái ý nghĩ viết xong là xong một việc, thế là tôi quên.
TRỞ VỀ VỚI VẼ LÀ MỘT CÚ SHOCK THỰC SỰ
Nhưng gần đây, người ta thấy chị trở lại với vẽ, tại sao vậy?
Có một cú shock thật sự.
Tại sao một người từng học vẽ, từng ấy năm lấy chồng cũng là một họa sỹ mà lại chỉ âm thầm, không vẽ nữa?
Đúng là tôi từng đỗ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, chồng tôi giỏi hơn tôi nhiều (theo nhìn nhận của tôi và của nhiều bạn bè) nhưng nghiệt ngã thay, chồng tôi thi không đỗ. Và, tôi hiểu, mình nên làm gì. Tôi thấy giỏi như anh ấy thì để anh ấy vẽ, tôi làm kinh tế nuôi gia đình. Tôi âm thầm làm theo ý nghĩ đó, chứ không nói ra. (Nhưng cái thời chồng tôi vẽ thì người sưu tầm, hay sở hữu tranh là không nhiều, đời sống quá khó khăn người ta mơ ước có nhà để kê cái giường, chứ mấy ai đã nghĩ có một bức tường đẹp để treo một cái tranh đẹp) thành ra chồng tôi cũng… trở thành… vô danh như nhiều người khác.
Vẽ để giải tỏa, thư giãn, hay vẽ giờ đây như nguồn sống của chị?
Cú shock kia khiến cho tôi không lý giải bất kỳ cái gì mà cứ thế học và vẽ thôi. Shock cái đẹp với lối biểu cảm khác cái mà tôi vẫn hình dung, tôi vẫn nhìn thấy. Trước đây, tôi cứ nghĩ tác phẩm phải có đủ các yếu tố nọ kia: đối tượng sáng tác là gì, hình tượng nào sẽ được chọn và nó sẽ chứa đựng thông điệp nào.
Nhưng giờ tôi hiểu ra, cái gì cũng có thể vẽ được, từ những vật dụng bình thường nhất như cái chổi quét nhà hay cái ấm đun nước… Vấn đề không phải là vẽ cái gì mà là vẽ như thế nào, để người nhìn vào nó sẽ rung động?
Ví dụ: Tôi vẽ cái phích đá. Nhiều người xem cái phích đá tôi vẽ, đã kêu lên: “nhà tôi cũng có một chiếc, phải đi tìm ngay xem nó ở đâu”. Đấy, thông điệp gì đâu, nếu có thì nói một cách giản dị “đánh thức cái gì đó đã bị lãng quên”. Gọi ra cái đẹp từ sự bình thường ở đời.
Chị có cảm giác gì với từ nghiệp dư hay chuyên nghiệp? hay đơn giản tôi vẽ, là tôi vẽ, và tôi hạnh phúc với điều đó?
Khi quay trở lại với vẽ, dĩ nhiên tôi phải học lại gần như từ đầu, Thầy dậy vẽ của tôi, họa sĩ Hải Kiên, có nói và tôi rất thích câu đó: “có tư duy chuyên nghiệp và quyết tâm thực hiện cho được điều đã tư duy, đấy là chuyên nghiệp…”.
Tôi nghĩ, mọi hình thái nghệ thuật khác cũng vậy. Có người viết, vẽ cả đời vẫn không chuyên nghiệp, vì họ chỉ dựa vào bản năng, vào cái trời cho mà không chịu nghĩ đến kỹ thuật chuyển tải cảm xúc- cái gọi là trời cho đó cho nên cứ loanh quanh thôi. Nhưng có người viết một cuốn thì đỉnh của chuyên nghiệp, vì họ có tư duy chuyên nghiệp.
Chị có thấy ngạc nhiên với chính mình khi tranh vẽ của chị được khá nhiều người yêu thích và tìm mua hay không thưa chị?
Ban đầu, tôi vô cùng thích thú, ngạc nhiên với chính mình khi tôi làm được điều đó, vì nó quá khó trong hình dung của tôi. Và cho đến bây giờ, mỗi một bức vẫn luôn một quá khó, lần nào tôi cũng kiệt sức… nhưng tôi kiên trì, giữ cái cảm xúc đó, cho đến khi vẽ xong… Và dù, chưa nhiều nhưng mỗi lần bán tranh đi xong, tôi nhớ tranh vô cùng…
THIẾU GÌ NỖI BUỒN TRONG SỰ ĐỦ ĐẦY
Chị yêu thích tác giả văn chương triết học nào, họa sỹ nghệ sỹ nào, trong tác phẩm và trong đời thường?
Câu hỏi quá rộng... Cho phép tôi nói hẹp: Từ thuở 13 tuổi cho đến giờ tôi vẫn luôn thích Nguyễn Trãi, Tư Mã Thiên… đó là những nhà tư tưởng dùng văn học để chuyển tải tinh thần triết học. Dĩ nhiên, tôi còn biết nhiều bộ Luật của thế giới bắt đầu từ Kinh Thánh… Hiện tại, tôi thích triết lý sống trong cuốn Bố già (The Godfather) của Mario Puzo…
À mà, dĩ nhiên tôi thích Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), chỉ một cuốn mà là đỉnh điểm của tính chuyên nghiệp đấy, còn thích cả Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh nữa… Hội họa cũng vậy, tôi thích nhiều người, nhưng gần đây nhất tôi thích tranh của họa sĩ Hải Kiên người tôi gọi là Thầy, của các họa sĩ Trần Việt Phú, Phùng Quốc Trí, Bùi Văn Tuất… họ vẽ những cái gần gũi bình thường mà khiến… lòng người xao xuyến.
Cuối cùng, sự đủ đầy, tìm thấy nhiều nguồn sống thế này hẳn không có chỗ cho sự buồn chán?
“Người giàu cũng khóc” là câu rất tẻ nhạt, nhưng nó dễ hiểu với số đông. Tôi đầy đủ thật, nhưng thiếu gì nỗi buồn trong sự đầy đủ ấy. Tuy nhiên, tôi biết thu xếp để nỗi buồn là một cái cớ cho sáng tạo. Có lẽ thơ ca thì cũng thế.
Chị có sợ tuổi già và sự cô đơn?
Không. Khí công cũng là tu thiền, và trong quá trình tu luyện sẽ hiểu ra về con người và sự đối mặt của con người với tất cả. Vậy là tuổi già và cô đơn đã được giải quyết.
Một ngày, có ích nhất với chị là làm gì?
Tôi viết FB hàng ngày một cách có suy nghĩ thấu đáo. Sau đó, tôi viết những bài báo tôi định viết cho một vấn đề nào đó. Rồi ngồi trước giá vẽ. Tôi vẽ như lên cơn nghiện.
Xin chân thành cảm ơn chị.