Pháp và Việt Nam hợp tác nghiên cứu hải dương học ở ven biển Việt Nam

LÊ QUANG VINH

Tàu nghiên cứu khoa học ANTEA cùng 34 nhà khoa học Pháp và Việt Nam đang có hành trình khám phá những bí ẩn của hệ sinh thái ven biển Việt Nam.

“Nghiên cứu vận chuyển vật chất từ lục địa và ảnh hưởng của chúng đến môi trường, các hệ sinh thái vùng biển ven bờ Việt Nam” (PLUME) là hoạt động khoa học trong khuổn khổ dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD). PLUME đồng thời là điểm nhấn kỷ niệm 80 năm thành lập IRD tại Việt Nam.

Trong 45 ngày (từ 28.5 đến 11.7.2024), 34 nhà khoa học Pháp và Việt Nam trên tàu nghiên cứu khoa học ANTEA, thuộc Hạm đội tàu Hải dương học Pháp, sẽ tiến hành chuyến hành trình hơn 3.000 km để thu thập các dữ liệu quan trọng về đa dạng sinh học biển và quy trình môi trường, đồng thời khám phá những bí ẩn của hệ sinh thái ven biển Việt Nam.

Tàu ANTEA rời cảng Hải Phòng, khởi đầu chuyến khảo sát khoa học của chiến dịch hải dương học PLUME (nguồn ảnh: VAST).
Tàu ANTEA rời cảng Hải Phòng, khởi đầu chuyến khảo sát khoa học của chiến dịch hải dương học PLUME (nguồn ảnh: VAST).

Các nhà khoa học Pháp và Việt Nam sẽ thay phiên nhau thực hiện 5 giai đoạn và 4 điểm dừng của chiến dịch hải dương học PLUME để nghiên cứu các luồng nước sông và tác động của chúng đến chất lượng nước và hoạt động ven biển, chủ yếu xung quanh 3 hệ thống sông lớn nhất của Việt Nam, gồm sông Hồng, sông Mê Kông và hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai trong mùa mưa. Ngoài ra, trên tàu ANTEA, bằng việc sử dụng các công cụ, thiết bị khoa học tiên tiến, nhóm nghiên cứu sẽ đồng thời thực hiện các hoạt động đa dạng như: Thu thập nước, trầm tích, vi sinh vật đáy, sinh vật phù du, ấu trùng cá, vi nhựa, đo các thông số vật lý, hóa lý và quang học…

Ông Olivier Brochet - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam - cùng đại diện Viện Tài nguyên và Môi trường biển và đại diện IRD tại Việt Nam kiểm tra công tác chuẩn bị cho chuyển khảo sát trên tàu ANTEA (nguồn ảnh: VAST).
Ông Olivier Brochet - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam - cùng đại diện Viện Tài nguyên và Môi trường biển và đại diện IRD tại Việt Nam kiểm tra công tác chuẩn bị cho chuyển khảo sát trên tàu ANTEA (nguồn ảnh: VAST).

Những hoạt động nghiên cứu trong khuôn khổ chuyến khảo sát này tập trung vào các quá trình vật lý biển, trầm tích, các quá trình sinh - địa - hóa và quang học ở vùng cửa sông ven biển, qua đó sẽ cung cấp các kết quả mới nhất, đồng bộ và có hệ thống về dòng vật chất vận chuyển từ lục địa (river plume) và ảnh hưởng của chúng đến môi trường, các hệ sinh thái vùng biển ven bờ Việt Nam.

Các dữ liệu khoa học thu thập được chuyến khảo sát khoa học này sẽ là căn cứ khoa học tạo tiền đề cho các nghiên cứu trong tương lai, góp phần giải quyết bài toán về quản lý bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ của Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

ANTEA là tàu nghiên cứu khoa học cỡ nhỏ, thuộc Hạm đội tàu Hải dương học Pháp, có chiều dài khoảng 35m, chiều rộng khoảng 12m và di chuyển với vận tốc khoảng 18,5km/h. Tàu ANTEA được trang bị các thiết bị đo nhanh thế hệ mới nhất (ADCP, CTD, SIMRAD, SBE21-38, ...) và các phương tiện lấy mẫu hiện đại. Trên tàu có 2 phòng thí nghiệm chuyên ngành (hải dương học, môi trường và đa dạng sinh học biển).

Chuyến khảo sát Hải dương học hỗn hợp Việt - Pháp đã được khởi đầu ở Hải Phòng và đang bước vào ngày thứ 10 của hành trình nghiên cứu dọc theo vùng ven bờ biển Việt Nam. Chương trình sẽ kết thúc vào ngày 11.7.2024 ở vùng biển Trà Vinh - Sóc Trăng.