Sahra Nguyễn và hành trình ‘đòi lại công bằng’ cho cà phê Việt Nam

TIỂU GU

Là một nữ doanh nhân người Việt, Sahra Nguyễn khởi nghiệp với mong muốn đem lại sự công bằng cho người nông dân Việt Nam ngay từ những mẫu quảng cáo.

Nhà sáng lập Nguyen Coffee Supply , Sahra Nguyễn , được Forbes nhận xét là một người công việc kinh doanh không chỉ dừng lại ở những hạt cà phê mà còn kết hợp công bằng xã hội vào thương hiệu của mình.

“Sứ mệnh thay đổi ngành công nghiệp cà phê”

Cô chia sẻ với tạp chí Forbes: “Cam kết của tôi trong việc tăng cường khả năng hiện diện cho những người ít được xã hội để tâm đến và xây dựng quyền lực trong cộng đồng của họ là ưu tiên trong công việc của tôi, gần đây nhất là thông qua Nguyen Coffee Supply”.

Nữ doanh nhân này đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động tích cực và tổ chức cộng đồng khi còn học trung học. Cô tổ chức các hội thảo, cuộc mít tinh và hội nghị để nâng cao nhận thức về bất bình đẳng và các vấn đề liên quan đến phân biệt chủng tộc . Cô tiếp tục hoạt động sôi nổi ở trường đại học.

Doanh nhân Sahra Nguyễn. Ảnh: Nguyen Coffee Supply
Doanh nhân Sahra Nguyễn. Ảnh: Nguyen Coffee Supply

Giờ đây, Sahra Nguyễn đang thực hiện “sứ mệnh thay đổi ngành công nghiệp cà phê” với Nguyen Coffee Supply. Cô khẳng định, công ty của mình là một trong những nhà sản xuất cà phê rang xay thủ công duy nhất trong cả nước và cung cấp cà phê robusta “đậm và ngon”. Theo cô, đây là loại cà phê có hàm lượng caffein cao gấp 2 lần, chất chống oxy hóa gấp 2 lần, đường ít hơn 60% và chất béo ít hơn 60% so với cà phê arabica .

“Chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều sự kỳ thị trong cộng đồng về cà phê robusta, và kể từ khi bắt đầu với Nguyen Coffee Supply, chúng tôi nhận thấy rằng 75% khách hàng của chúng tôi thích robusta và robusta pha hơn 100% arabica”, cô nói.

“Điều này không có nghĩa là loại này ngon hơn loại kia, bởi vì cà phê không có thứ bậc và chúng tôi không thúc đẩy văn hóa phân cấp trong cà phê, mà nó chỉ ra thực tế rằng tất cả chúng ta đều xứng đáng có được sự đa dạng hơn - sự đa dạng trong cung cấp, trong sản phẩm, trong ý tưởng, trong xây dựng cộng đồng và trong lãnh đạo”, Sarha Nguyễn nhấn mạnh.

Quảng cáo cà phê Việt Nam bằng cà phê châu Phi hoặc Nam Mỹ là không công bằng

Cô nàng này khởi nghiệp Nguyen Coffee Supply sau khi nhận thấy rằng mặc dù “cộng đồng cà phê đặc sản” luôn hướng tới sự minh bạch, giá trị đó không được áp dụng cho nông dân trồng cà phê Việt Nam. Trên thực tế, khi các cửa hàng cà phê quảng cáo “cà phê đá Việt Nam”, nữ doanh nhân họ Nguyễn nhận thấy rằng họ lại không sử dụng hình ảnh hạt cà phê Việt Nam. Thay vào đó, họ thay thế bằng hạt cà phê châu Phi hoặc Nam Mỹ và thêm sữa đặc.

“Tôi thấy điều này thực sự không công bằng đối với các nhà sản xuất hạt cà phê thực tế. Tôi cũng thấy không công bằng khi các doanh nghiệp muốn tận dụng nguồn gốc văn hóa của món 'cà phê đá Việt Nam' thời thượng nhưng lại không sử dụng hạt cà phê Việt Nam thực sự. Điều đó có nghĩa là những người sản xuất cà phê Việt Nam và văn hóa cà phê Việt Nam không được hưởng lợi từ các giao dịch này”, cô nhấn mạnh.

Ngoài ra, các quán cà phê, bằng cách quảng cáo sai sự thật rằng họ phục vụ đồ uống cà phê Việt Nam, đã thể hiện không chính xác hương vị của nó. Cà phê Việt Nam được biết đến với hạt robusta. Trong khi một số cửa hàng cà phê lại rêu rao rằng, việc họ sử dụng “sữa đặc có đường” đã là việc chứng tỏ họ “lấy cảm hứng” từ Việt Nam. Theo Sahra Nguyễn, tiêu chuẩn đó là không chính xác vì có những quốc gia khác cũng sử dụng sữa đặc có đường như Tây Ban Nha. Sự khác biệt là ở hạt cà phê.

Sahra Nguyễn cho rằng quảng cáo cà phê Việt Nam phải dùng hình ảnh hạt cà phê Viêt, cà phê robusta. Ảnh: Instagram/Nguyen Coffee Supply
Sahra Nguyễn cho rằng quảng cáo cà phê Việt Nam phải dùng hình ảnh hạt cà phê Viêt, cà phê robusta. Ảnh: Instagram/Nguyen Coffee Supply

“Nhìn chung, sự đa dạng trong cà phê là rất tốt và nếu chúng ta muốn chia sẻ một nền văn hóa mới, điều đó nên được thực hiện một cách chu đáo và tôn trọng với nền văn hóa đó. Nếu không, cố gắng tận dụng một xu hướng văn hóa bằng cách sử dụng những từ ngữ gây hiểu sai và không có sự chính trực là không công bằng đối với người nông dân”, cô giải thích.

Cuối cùng, mục tiêu của cô là chia sẻ cà phê và văn hóa cà phê của Việt Nam tại Mỹ đồng thời tôn vinh những “người đứng sau hạt cà phê” và các nghi thức pha chế. Nguyen Coffee Supply đề cao tính xác thực. Và Forbes nhận xét, hãng này là một "nhà vô địch" của sự đa dạng cà phê.

Phổ biến văn hóa cà phê Việt Nam qua mạng xã hội

Sahra Nguyễn nói: “Chúng tôi tự hào khi cho thế giới biết được các cộng đồng ít được nhắc đến thông qua các kênh xã hội của mình, thúc đẩy văn hoá cà phê trở nên hòa nhập hơn và phản ánh thế giới chúng ta đang sống”.

Gần đây, công ty đã tham gia chương của Hiệp hội Cà phê Phụ nữ Quốc tế Việt Nam. Là một phần của tổ chức, Nguyen Coffee Supply hy vọng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ kinh tế xã hội cho phụ nữ làm việc trong ngành cà phê. Công ty này hướng tới đào tạo bổ sung, giáo dục về sản xuất và học bổng cho trẻ em gái từ các làng quê và lần lượt phát triển kinh tế địa phương để tạo ra nhiều hơn cơ hội kinh doanh cho phụ nữ.

Sahra Nguyễn cho biết: “Chúng tôi sử dụng nền tảng của mình để thể hiện quan điểm về chống phân biệt chủng tộc và tầm quan trọng của quyền đại diện. Chúng tôi quyên góp cũng như sử dụng nền tảng của mình để quảng bá và giáo dục công chúng trực tuyến của chúng tôi về các nhà lãnh đạo và tổ chức khác nhau hoạt động vì công bằng xã hội, bao gồm Dự án Okra, Quỹ Khẩn cấp Người biểu tình Da đen, Tập thể Black Visions, Quỹ Công nhân Undocu và Mekong NYC”.

Công ty của Sahra Nguyễn thường xuyên đăng tải những mẫu chuyện hay về cà phê và nông dân Việt Nam. Ảnh: Instagram/Nguyen Coffee Supply
Công ty của Sahra Nguyễn thường xuyên đăng tải những mẫu chuyện hay về cà phê và nông dân Việt Nam. Ảnh: Instagram/Nguyen Coffee Supply

Và câu chuyện về thương hiệu của công ty luôn được đăng tải trên mạng xã hội Instagram. Nguyen Coffee Supply cung cấp những mẩu thông tin về cà phê Việt Nam để người theo dõi đắm mình trong đó.

Sahra Nguyễn chia sẻ: “Chúng tôi cam kết xây dựng và thúc đẩy văn hóa cà phê chống phân biệt chủng tộc và chống phân biệt giai cấp. Chúng tôi không quảng bá văn hóa cà phê có phân thứ bậc. Chúng tôi tin rằng cà phê là vấn đề cá nhân và luôn khuyến khích mọi người tìm thấy tiếng nói và sở thích của riêng mình trong hành trình cà phê”.