Toàn cảnh vụ rò rỉ hồ sơ Pandora, các nhân vật trong cuộc nói gì?

Các cá nhân giàu có trên toàn cầu đã sử dụng các "thiên đường thuế" ở nước ngoài để che giấu hoạt động tài chính, tạo ra các "công ty vỏ bọc" và quỹ tín thác để mua bất động sản nhằm trốn thuế.

Mới đây, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố một hồ sơ tài chính với tên gọi Pandora Papers, tiết lộ tài sản tài chính ở nước ngoài của hàng chục nhà lãnh đạo thế giới cũng hàng trăm chính trị gia từ châu Á, Trung Đông đến Mỹ Latinh.

Báo cáo cho biết, nhiều người trong số này đã sử dụng "thiên đường thuế" ở nước ngoài để trốn thuế và một số người có liên quan đến tội phạm tài chính như rửa tiền.

Theo báo cáo, việc chuyển tiền qua các tài khoản nước ngoài, ở các khu vực pháp lý có thuế suất thấp, là hợp pháp ở hầu hết các quốc gia và nhiều người có tên trong bản báo cáo không bị cáo buộc là hành vi vi phạm hình sự. 

thu-tuong-anh-tony-blair.jpg
Pandora Papers "điểm tên" 336 chính trị gia từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và vợ ông, Cherie Blair. Cả hai vợ chồng đều phủ nhận mọi hành vi sai trái. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nhóm nhà báo cho biết 2,94 terabyte dữ liệu tài chính và pháp lý cho thấy, "cỗ máy kiếm tiền nước ngoài hoạt động ở mọi nơi trên hành tinh, bao gồm cả các nền dân chủ lớn nhất thế giới", đồng thời liên quan đến một số ngân hàng và công ty pháp lý nổi tiếng nhất thế giới.

Hồ sơ Pandora Papers "điểm tên" 336 chính trị gia từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với đó là sự tham gia của 956 công ty ở các "thiên đường thuế", hầu hết được thành lập ở Quần đảo Virgin thuộc Anh. Báo cáo cũng đề cập đến 130 tỷ phú trên toàn cầu.

Trong đó những người được "điểm tên", 35 nhà lãnh đạo hiện tại và cựu lãnh đạo thế giới, bao gồm Vua Abdullah II của Jordan, cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Tony Blair và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, đều phủ nhận hành vi sai trái.

Các tài liệu này có niên đại từ những năm 1970, tuy nhiên hồ sơ của Pandora Papers rơi vào khoảng thời gian từ năm 1996 đến năm 2020, theo ICIJ.

Theo đó, hơn 600 nhà báo từ 150 tổ chức tin tức, bao gồm Washington Post, BBC, Guardian và Radio France, đã xem xét 11,9 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ nước ngoài trong hơn hai năm. 

Cuộc điều tra cho thấy chủ sở hữu của 29.000 công ty nước ngoài đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Nga, Anh, Argentina và Trung Quốc. Ngoài ra còn có một số nhân vật nổi tiếng của công chúng.

Các cố vấn đã giúp Vua Abdullah II của Jordan thành lập ít nhất 36 "công ty vỏ bọc" từ năm 1995 đến 2017, theo báo cáo của ICIJ. Nhà lãnh đạo Jordan cũng đã bí mật mua 14 ngôi nhà sang trọng ở Mỹ và Anh, trị giá tổng cộng hơn 106 triệu USD. 

vua-abdullah-ii-cua-jordan.jpg
Theo báo cáo của ICIJ, Vua Abdullah II của Jordan đã mua 14 ngôi nhà sang trọng ở Anh và Mỹ. Tòa án Hoang gia Hashemite cho biết, tài sản không được công khai vì lo ngại về an ninh và quyền riêng tư. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, Tòa án Hoàng gia Hashemite Jordan bác bỏ mọi hành vi sai trái và tuyên bố rằng các tài sản không được công khai vì lo ngại về an ninh và quyền riêng tư. Chúng được mua bởi cá nhân Vua Abdullah II và được sử dụng để tiếp đón các quan chức cũng như gia đình trong các chuyến công du riêng. 

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và vợ của ông, Cherie Blair, đã mua một công ty nước ngoài vào năm 2017. Nhờ đó, ông sở hữu một tòa nhà thời Victoria trị giá 8,8 triệu USD ở London, hiện là trụ sở công ty luật của bà Blair. Theo báo cáo, cặp vợ chồng đã tiết kiệm được 400.000 USD tiền thuế bất động sản bằng cách mua công ty thay vì chính tòa nhà.

vo-chong-blairs.jpg
Vợ chồng Blairs đã mua một công ty nước ngoài vào năm 2017 và sở hữu một tòa nhà trị giá 8,8 triệu USD ở London, hiện là trụ sở công ty luật của bà Blair, báo cáo cho biết. Ảnh: ASSOCIATED PRESS

Tuy nhiên, tổ chức của vợ chồng Blair cũng phủ nhận các hành vi liên quan đến việc mua tài sản ở nước ngoài để trốn thuế. Tổ chức này cho biết thêm, công ty nước ngoài trên được bán thông qua các đại lý bất động sản theo ý của nhà cung cấp, do đó không có thuế tem hoặc thuế đi kèm với việc mua bất động sản.

Báo cáo cũng cho biết Thủ tướng Cộng hòa Séc Adrej Babis đã chi 22 triệu USD thông qua các "công ty vỏ bọc" để mua lâu đài Chateau Bigaud ở Mougins, Pháp. Tuy nhiên, ông Babis không hề đề cập đến tài sản hoặc các "công ty vỏ bọc" trong các tài liệu chính trị được yêu cầu cho cuộc tái tranh cử đang diễn ra, theo báo cáo.

Hôm 4/10, ông Babis phát biểu trên đài truyền hình địa phương TV Nova rằng, lâu đài được mua theo lời giới thiệu của một đại lý bất động sản và đã bị đánh thuế.

"Nó đúng luật", ông Babis khẳng định. 

thu-tuong-cong-hoa-sec-adrej-babis.jpg
Báo cáo cho biết Thủ tướng Cộng hòa Séc Adrej Babis đã chi 22 triệu USD thông qua các công ty vỏ bọc để mua một lâu đài ở Pháp. Ảnh: Getty

Ông cho biết thêm, bất động sản hiện đang được giữ trong một quỹ ủy thác. Tuy nhiên, chính trị gia không đề cập đến việc tài sản có được tiết lộ trong quá trình tranh cử hay không.

Ngoài ra, Pandora Papers cũng gọi tên Nam Dakota là một trong những "thiên đường thuế" chính. Báo cáo cho biết, hàng chục triệu USD đã chuyển từ Caribe và châu Âu đến Nam Dakota. Theo đó, tài sản ở Nam Dakota đã tăng gấp 4 lần, lên 360 tỷ USD trong thập kỷ qua.

Trước đây, tổ chức ICIJ đã từng công bố một hồ sơ mật tương tự có tên Panama vào năm 2016. Hồ sơ công bố tài sản ở nước ngoài tại các "thiên đường thuế" của 140 nhân vật công, CEO và người nổi tiếng.

Nó cũng tiết lộ các tài liệu bị rò rỉ từ Mossack Fonesca, một công ty luật Panama hiện không còn tồn tại, chuyên về các công ty cổ phần ở nước ngoài. Tuy nhiên, một người đồng sáng lập của công ty đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Hồ sơ Panama đã yêu cầu các quốc gia xem xét các tài liệu liên quan để tìm ra bằng chứng tham nhũng. Sau đó, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội 4 người có quan hệ với Mossack Fonesca về tội gian lận điện và thuế, cũng như rửa tiền. Hai người đã nhận tội và bị kết án vài năm tù. 

Ở các nước khác, cuộc điều tra đã dẫn đến việc lật đổ các nhà lãnh đạo chính trị, theo ICIJ. 

AN DI