Sáu đề nghị của Thủ tướng cho doanh nghiệp Việt trước thách thức của COVID-19

Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị này không phải là dịp để than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được những giải pháp tháo gỡ.

Đây được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tại hôi nghị, có khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

Thủ tướng có 6 đề nghị đến cộng đồng doanh nghiệp

Mở đầu Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, chúng ta đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, cần phải có quyết tâm để vượt qua khó khăn, khôi phục nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Theo đó, Thủ tướng đánh giá đại dịch có ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, hoạt động kinh tế nước nhà nói riêng và cả thế giới nói chung. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, những chia sẻ của doanh nghiệp với đất nước trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Vì thế trước khi bước vào phần góp ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp, Thủ tướng đã nêu 6 đề nghị đến cộng đồng doanh nghiệp:

Một là yêu Tổ quốc. Bởi làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc là thượng tôn pháp luật, chia sẻ với Tổ quốc. Thời gian qua đã có nhiều tấm gương doanh nghiệp chia sẻ với đất nước trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp lớn đóng góp lớn, doanh nghiệp nhỏ đóng góp nhỏ.

Hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự làm yếu mình.

Ba là không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Môi trường kinh doanh của chúng ta dù cũng có những khó khăn và thách thức, do đó đừng cầu không có khó khăn, đừng mong dễ dàng vì dễ dàng thì đã không đến lượt chúng ta.

Bốn là doanh nghiệp cần năng động, quyết đoán, vì thụ động thì không thể thành công được.

Năm là doanh nghiệp cần sáng tạo, vì thiếu sáng tạo thì tự mình tụt lại phía sau.

Sáu là cần có niềm tin, vì không có niềm tin là tự chối bỏ mình.

Yêu cầu các doanh nghiệp không than vãn và phải xắn tay áo hành động

Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam , phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %. Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. 

Việt Nam sẽ thực hiện nhiệm vụ này với 5 “mũi giáp công”, là: Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam.

“Hội nghị được tổ chức thể hiện tinh thần yêu nước p, yêu nước phải có hành động. Trong tình hình mới, doanh nghiệp Việt Nam cần đóng góp và phát triển hình chữ V, không phải chữ U, càng không phải chữ W”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thừa nhận nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng Thủ tướng lưu ý, hội nghị không phải dịp để doanh nghiệp bàn lùi, than nghèo, kể khổ mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với các ngành và những giải pháp tháo gỡ.

“Chính phủ không giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận nhưng Chính phủ giúp doanh nghiệp tăng năng suất vì tăng năng suất là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các tỉnh, thành phố phải chủ động tham mưu, có giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển. Sau hội nghị phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển. 

Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò là người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Theo Thủ tướng, đây là cơ hội để chúng ta không chỉ tạo dựng tinh thần đoàn kết và niềm tin còn là bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, yêu lao động của chúng ta. Thủ tướng mong muốn năm 25 năm sắp tới, Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới như: Facebook, Alibaba… 

Tại Hội nghị, có 2 vấn đề chính được trình bày là, báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nội dung này do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.

Báo cáo thứ hai do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua.

Sau đó, Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương