Mùa thu, rất ngắn ngủi từ cuối tháng Tám sang tháng Chín, là mùa để người ta ngắm nhìn trời đất và tận hưởng cái không gian rất thơm, rất dịu, rất đặc trưng của Hà Nội. Gió heo may man mác, lẫn trong gió có cả hương hoàng lan buổi sớm hay hương hoa sữa lúc chiều buông.
Nhưng mùa thu cũng là mùa của những món ăn rất riêng biệt, chẳng thể có ở mùa nào. Cốm mới, ngát thơm trong những tấm lá sen cuối mùa đã pha chút nâu vàng. Để giữ cốm không bị khô, người ta thêm một lá khoai nước mướt xanh bọc lấy cốm bên trong, bên ngoài vẫn phải là tấm lá sen để ấp ủ cái hương cốm.
Sen và cốm bên nhau làm được nhiều món ăn ngon lắm, mùa thu cũng là mùa những hạt sen già đủ thời gian để trở thành ngọt bùi hơn bao giờ hết trong năm. Xôi cốm hạt sen, bánh cốm, mứt sen, chè sen. Một ấm trà sen để nhấm nháp, một đĩa cốm xào, phải xào thật khéo để cốm không bị cứng, không mất hương…
Cốm cũng có mặt trong nhiều món mặn. Mùa này, cầm tấm chả cốm vàng rộm, cắn nhẹ thấy cái ngọt của thịt, cái dẻo thơm của cốm quyện lẫn nhau, khiến miếng chả mình ăn thanh nhẹ hơn xô bồ mỡ thịt. Cốm, với chút nạc vai băm, nấm hương, thêm vài chục hạt sen, hành khô, nước mắm, trộn đến nhuyễn rồi nhồi vào bụng vịt, vịt hầm cốm.
Thu cũng là mùa vịt ngon nhất, lũ vịt bì bõm mót thóc trên những cánh đồng vừa gặt, vừa được tháo nước vào để chuẩn bị vụ cày mới, nên béo và ngon thịt. Người nội trợ xưa, chăm chỉ khéo léo, cứ đợi đến mùa thu, gặp hôm nào nhà có việc, đông người, thì làm món này. Vịt hầm cốm thơm ngào ngạt lúc mở nắp nồi.
Chút sương lạnh mùa thu dăng dăng sáng sớm cũng làm người hay ăn nhớ ra ốc nhồi mùa này béo hơn. Mát trời, chẳng gì bằng nấu nồi ốc chuối đậu, mùi mẻ, mùi nghệ, mùi tía tô xương sông thái nhỏ hòa quyện với nhau vô cùng quyến rũ. Là thu đấy, chỉ có mùa thu mới có những món ăn vừa dân dã vừa cầu kỳ, vừa ngát hương như thế.
Mùa thu, thơm ngon với vịt hầm cốm
Vịt có thể làm nhiều món. Nhưng vào lúc chớm thu, có chút heo may se se cuối chiều, hạt sen tươi và cốm mới ngào ngạt thơm một góc chợ.