Brexit không thỏa thuận có tác động gì đến kinh tế EU?

PV (t/h)

Brexit đã diễn ra vào ngày 31/1/2020 và nhiệm vụ hiện nay của Anh và Liên minh châu Âu (EU) là ký kết một thỏa thuận thương mại.

Thời hạn ký kết một thỏa thuận thương mại sẽ diễn ra vào cuối năm 2020, nhưng có vẻ dịch COVID-19 sẽ làm cho tiến trình này bị trì hoãn. Trước khi đại dịch bùng phát, nhiều chuyên gia vẽ ra một bức tranh ảm đạm về mức thuế cao, sự không tương thích về quy định và việc kiểm tra hải quan chặt chẽ nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, ảnh hưởng đến xuất khẩu của châu Âu lục địa sang Anh.

Một khi đại dịch COVID-19 dịu đi và vấn đề Brexit quay trở lại, không có gì ngạc nhiên khi những lo ngại trên lại nổi lên. Tuy nhiên, tờ Telegraph của Anh cho rằng một kịch bản không có thỏa thuận không có nghĩa là sẽ dẫn đến sự khó khăn kéo dài đối với nền kinh tế của cả hai bên. EU không cần các thỏa thuận đặc biệt để giao dịch với nhiều phần của thế giới và Anh cũng như vậy.

Trước tiên là ít có khả năng xảy ra Brexit không thỏa thuận. Mặc dù các chính trị gia của EU và Anh thường xuyên tuyên bố sẽ không thay đổi những yêu cầu của mình, nhưng đó là một chiến thuật điển hình trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những mối quan hệ thương mại hiện tại sẽ tạo động lực để các bên thỏa hiệp. Ví dụ, trong năm 2019, 9,9% hàng xuất khẩu của Anh là sang Đức, trong khi 5,9% hàng xuất khẩu của Đức là vào Anh. Những biến động thương mại xung quanh thời hạn Brexit đầu tiên vào ngày 29/3/2019 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Anh với tư cách là đối tác thương mại.

Xuất khẩu của Đức trong quý I/2019 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước đó, trong đó xuất khẩu sang Anh tăng mạnh 5,9% do các doanh nghiệp gấp rút hoàn thành các đơn hàng trước thời hạn Brexit này. Khi thời hạn này qua đi, xuất khẩu của Đức trong quý II đã sụt giảm 1,3%, trong đó xuất khẩu sang Anh giảm mạnh 14,6%. Sự tăng, giảm tương tự cũng xảy ra đối với xuất khẩu của Italy, Tây Ban Nha và Pháp sang Anh.

Thứ hai, việc đạt được một thỏa thuận thương mại sẽ dễ dàng hơn khi cả hai bên bắt đầu từ nền tảng chung. Nhờ mối quan hệ hiện tại, Anh và EU có các cơ chế pháp lý về cơ bản là tương tự nhau. Thực tế này cũng có nghĩa là sự phân kỳ quy định sẽ diễn ra dần dần trong trường hợp không có thỏa thuận, giúp các doanh nghiệp EU có thời gian thích nghi.

Tất cả những điều này cho thấy dù Brexit không có thỏa thuận là có thể xảy ra, nhưng nó sẽ không phá hủy mối quan hệ thương mại của Anh - EU. Khi không có thỏa thuận, các điều khoản thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ có hiệu lực.

Theo quy chế tối huệ quốc (MFN), các quốc gia thành viên WTO phải áp dụng cùng một điều khoản thương mại (kể cả thuế quan) cho tất cả các thành viên khác trừ khi họ có thỏa thuận thương mại riêng. Vì cả Anh và EU đều có tư cách MFN, các điều khoản này sẽ được áp dụng. Các điều khoản của WTO không có gì đặc biệt phiền hà hay hạn chế, với rất ít rào cản và thuế quan thấp. Mức thuế trung bình của EU hiện ở mức 3%.

Anh cũng đang xem xét đơn phương giảm nhiều loại thuế khi nước này ra khỏi EU. Theo quy chế MFN, mức thuế mới thấp hơn sẽ áp dụng cho tất cả các thành viên WTO khác, trừ những nước mà Anh có các hiệp định thương mại riêng. Do đó, nếu không có thỏa thuận EU - Anh, những mức thuế đó cũng sẽ được áp dụng đối với xuất khẩu của EU.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Về các hàng rào phi thuế quan, dù Anh dọa sẽ kiểm tra hải quan nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng đây có thể lại là một ví dụ nữa về việc ban đầu đưa ra quan điểm đàm phán cứng rắn để ép phải có các nhượng bộ. Do động cơ chung muốn duy trì dòng thương mại, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi Anh quay lại các kế hoạch trước đây nhằm đơn giảm hóa và giảm thiểu kiểm tra hải quan.

Cuối cùng, Mỹ và EU cho thấy không nhất thiết là phải có các thỏa thuận để có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ. Năm 2018, tổng thương mại Mỹ - EU đạt 1.100 tỷ bảng, trong đó xuất khẩu của EU là 577 tỷ bảng. Trong năm 2019, Mỹ là điểm đến hàng đầu cho hàng hóa xuất khẩu của EU, chiếm 18% tổng số.

Có rất ít lý do để cho rằng các rào cản pháp lý của Anh đối với EU sẽ nghiêm ngặt khi không có thỏa thuận. Phần lớn sản lượng kinh tế của Anh, và 41% xuất khẩu sang EU trong năm 2018, là dịch vụ. Tuy nhiên, đã có nhiều rào cản đối với việc mua bán dịch vụ trong nội bộ EU, đặc biệt là các dịch vụ chuyên môn (như kế toán, luật và kiến trúc) và vận tải hàng không. Do trước đây EU không có quyền tự do tiếp cập các dịch vụ của Anh, nên việc không có thỏa thuận cũng không dẫn đến một sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Lĩnh vực dịch vụ tài chính là một ngoại lệ. Theo các quy định “hộ chiếu’ của EU, các tổ chức tài chính của EU đang được hưởng quyền tiếp cập hoàn toàn tự do trong toàn bộ khối. Nhiều bài báo cho rằng Brexit không có thỏa thuận sẽ buộc các công ty tài chính có trụ sở tại Anh phải đăng ký riêng rẽ ở từng quốc gia EU, nhưng các công ty tài chính có trụ sở tại EU cũng sẽ phải đối mặt với những rào cản tương tự để hoạt động ở Anh. Nhưng điều này không có nghĩa là không còn quyền tiếp cận. Đã có hơn 1.000 công ty tài chính có trụ sở tại EU nộp đơn xin mở văn phòng ở Anh, điều này sẽ cho phép họ tiếp tục kinh doanh ở đây.

Đối với thương mại hàng hóa, cũng không nhất thiết là phải có một thỏa thuận toàn diện để có thể duy trì dòng hàng hóa, ngay cả khi có sự khác biệt về quy định. Trong nhiều lĩnh vực, Anh và EU có thể sử dụng “sự công nhận lẫn nhau”, theo đó mỗi bên có thể chứng minh sản phẩm của mình đáp ứng quy định của bên kia.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

EU đã thực hiện điều này trong nội bộ đối với nhiều hàng hóa khi quy định quốc gia của các nước thành viên khác nhau. EU có thể thực hiện điều tương tự với Anh, ngay cả khi không có thỏa thuận. EU có “các thỏa thuận công nhận lẫn nhau” (MRA) đối với một số ngành công nghiệp với Trung Quốc, Australia, New Zealand và Mỹ - chưa có nước nào trong số này ký một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU.

Ngay cả khi không có MRA, thương mại có thể vẫn phát triển mạnh. Hầu hết các nhà sản xuất Anh đã thu xếp để các sản phẩm của mình được chứng nhận bởi các nhà quản lý có trụ sở tại EU trong trường hợp việc công nhận lẫn nhau là không thể.

Các công ty EU có thể không làm như vậy để duy trì quyền tiếp cập vào thị trường Anh. Nếu không có chứng nhận, các doanh nghiệp EU sẽ phải điều chỉnh các sản phẩm để bán ở Anh. Nhưng đây là một thực tế phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt là khi quyền tiếp cập vào một thị trường lớn đang bị đe dọa. Mối quan hệ thương mại Mỹ - EU là một ví dụ.

Do EU có nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với các hoạt chất trong các sản phẩm chăm sóc da, nên các công ty ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã phát triển các phiên bản sản phẩm để bán ở mỗi thị trường. Ngoài việc duy trì cơ sở khách hàng, những đổi mới này mang đến sự quảng cáo thú vị khi các nhà đánh giá so sánh các sản phẩm.

Hay khi xem xét Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU, một cuộc thay đổi toàn diện các quy tắc bảo mật dữ liệu có hiệu lực từ tháng 5/2018. Các công ty Mỹ khi làm ăn với công dân EU, và do đó khi xử lý dữ liệu cá nhân của họ, phải đối mặt với những thách thức tuân thủ ngặt nghèo. Nhưng dường như đa số đã chọn thực hiện những thay đổi cần thiết thay vì từ bỏ một thị trường lớn.

(Nguồn: TTXVN)