Có tuổi đời 35 năm, thương xá Đồng Khánh hay còn gọi là chợ Soái Kình Lâm , tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM, được mệnh danh là thiên đường vải vóc, chuyên cung cấp vải đầu mối cho cả thành phố và các tỉnh miền Tây.
Theo thông lệ, từ nửa cuối năm, chợ đã nhộn nhịp bán Tết. Nhưng năm nay, do COVID-19 ảnh hưởng đến sức mua và nhu cầu may mặc của nhiều người, khiến không khí mua bán của khu chợ hết sức trầm lắng, vắng vẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên tại khu chợ vải lớn nhất Sài Gòn vào ngày cuối tuần, các sạp đều trưng hàng Tết bắt mắt nhưng khá vắng khách mua sắm.
Chợ Soái Kình Lâm, nằm ở tầng trệt của thương xá Đồng Khánh, là khu chợ chuyên sỉ các loại vải có giá rẻ và lâu đời nhất tại Sài Gòn. |
Khu chợ với hơn 600 sạp hàng vải nằm dọc theo đường Trần Hưng Đạo và một phần của đường Đỗ Ngọc Thạch và Phùng Hưng. |
Đây là khu chợ nổi tiếng từ lâu, chi phối nguồn hàng vải sợi đi khắp cả nước. |
|
Vải ở đây đa dạng, đủ loại chất liệu, màu sắc, hoa văn được bày bắt mắt. Có thể nói vải gì cũng có tại đây, từ vải thô, vải in hoa, vải ren, vải thun… cho đến những loại vải đặc dụng, vải hiếm đều được trưng bày với số lượng vài chục đến vài trăm tấm. |
Nguồn hàng đa dạng và phong phú, nhưng suốt một năm qua, các tiểu thương tại khu chợ đang luôn trong tình trạng người bán đông hơn khách mua. |
Những tưởng dịp Tết là thời điểm giúp họ "gỡ gạt" được phần nào khó khăn trong buôn bán, nhưng mọi thứ đến nay vẫn không khá hơn. Khu chợ vẫn vắng vẻ, lâu lâu mới có người lui đến xem hàng... rồi đi. |
Chia sẻ với phóng viên, ông Ngọc Kim, chủ sạp vải Ngọc Kim, cho biết tình hình bán buôn tại chợ ế ẩm chưa từng thấy. "Gắn bó với nghề bán vải hơn 30 năm, lần đầu tiên chứng kiến một năm lượng khách hàng giảm tới 70%. Đường đi trong chợ bề ngang chừng một cánh tay mà giờ đi không cần né", ông Kim nói. |
|
Một tiểu thương đang ngồi kiểm kê sổ sách, hàng hóa. Lọt thỏm giữa những sấp vải màu sắc là gương mặt buồn bã, ngao ngán. |
Hình ảnh tiểu thương ngồi bấm điện thoại... |
... hay thậm chí là ngủ nằm trên những cây vải. |
|
Các tiểu thương đều kinh doanh theo cách "cầm cự" vì không thể bỏ nghề. Với tình hình đó, họ cố gắng giữ tinh thần lạc quan trông chờ vào 30% lượng khách còn lại, các hoạt động chuẩn bị những lô vải phục vụ Tết vẫn diễn ra. |
|
Ở phía trong khu chợ, một số sạp vải vừa nhập hàng về. |
Sau đó, vải sẽ được tiểu thương đóng thành từng cây. Một số được cất lại trong cửa hàng. |
Một số được vận chuyển ra xe và chở đến những cơ sở đã đặt hàng. Đa số là các công ty may lớn hoặc xưởng may quần áo sỉ lẻ. |
Phía trước khu chợ, tận dụng mặt đường, một số chị em tiểu thương bày vải ra để đo, cắt, sắp xếp thành từng sấp vải gọn gàng trong cửa tiệm. |
Thông thường, những trục đường xoay quanh chợ rất đông đúc và tấp nập người qua lại. Gần đây, số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại TP.HCM nhiều nên người dân cũng hạn chế đi lại, đường ít xe, khu chợ cũng vắng khách. Một tiểu thương tại khu chợ hài hước nói: "Vắng đến nỗi tôi có thể bắt ghế ra đường ngồi để đóng vải thành cây như thế này". |
Theo các tiểu thương tại chợ, khách hàng năm nay chủ yếu đến đây tìm mua vải để may khẩu trang, đồ bảo hộ là nhiều nhất. |
Thời điểm này, cửa hàng vải áo dài hút khách hơn so với những sạp vải khác, vì người Việt vẫn giữ được thói quen diện áo dài truyền thống trong ngày Tết. |