Hai tuần quyết định của nước Mỹ trước 'kẻ thù' COVID-19

VIÊN VIÊN (t/h)

Nước Mỹ đang phải chuẩn bị cho hai tuần sắp tới có thể là “đỉnh dịch” và là thời điểm “rất, rất đau thương” của quốc gia này

Bước vào khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, cuối tháng 3 đầu tháng 4 khi mùa Xuân về, nhưng nước Mỹ lại đang phải gồng mình chống dịch COVID-19 với số ca nhiễm cũng như tử vong vì căn bệnh này đang tăng nhanh từng ngày với tốc độ khó tin. Thế nhưng, đó chính là thực tế đang diễn ra trên nước Mỹ và người dân Mỹ đã bắt đầu phải chấp nhận và đối mặt với hai tuần được đánh giá là đặc biệt khó khăn phía trước.

Tại thủ đô Washington, người dân Mỹ không còn háo hức chia sẻ nhau những hình ảnh hay video về cảnh sắc mùa Xuân tươi đẹp với những khu rừng khoác lên màu áo mới xanh non, muôn hoa đua nở trong những khu vườn đẹp như trong chuyện cổ tích, những hàng anh đào cổ rực rỡ với sắc trắng, hồng phớt hay hồng đậm nghiêng bóng bên hồ Tiden và khu vực xung quanh tháp Bút Chì.

Nước Mỹ những ngày đối diện với dịch COVID-19. 
Nước Mỹ những ngày đối diện với dịch COVID-19. 

Thay vào đó là những video cuộc họp báo hằng ngày của Nhà Trắng về tình hình dịch bệnh COVID-19, là những lời kêu gọi khẩn thiết của cộng đồng hô hào hỗ trợ, quyên góp các thiết bị y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ và máy trợ thở để phục vụ cho những nhân viên y tế và các bệnh viện, nơi nguồn dự trữ đang dần bị cạn kiệt, hay những hình ảnh đau buồn về những bệnh nhân tử vong do bệnh dịch nằm trong những chiếc xe đông lạnh được huy động tại thành phố New York, khi các nhà xác đã không còn chỗ chứa.

Nước Mỹ, như chính Tổng thống Trump đã phải tuyên bố, đang phải chuẩn bị cho hai tuần sắp tới có thể là “đỉnh dịch” và là thời điểm “rất, rất đau thương” của quốc gia này. Không chỉ bang New York với tâm dịch là “Thành phố không bao giờ ngủ” mà có khả năng một loạt các bang và thành phố khác của Mỹ như New Jersey, California , Wisconsin hay thành phố Michigan hoặc Chicago cũng có thể trở thành “điểm nóng” của dịch bệnh và phải đối mặt với tình trạng quá tải vì số ca nhiễm tăng lên gấp nhiều lần mỗi ngày.

“Thành phố không bao giờ ngủ” của Mỹ vắng lặng vì dịch COVID-19

Bởi vậy, hai tuần tới là khoảng thời gian quan trọng có tính chất quyết định và mọi người cần tuân thủ hướng dẫn nghiêm ngặt. Một điều đáng chú ý là trong lúc này, với các biện pháp và cách thức mà chính quyền đang thực hiện, rất nhiều người dân Mỹ tin tưởng đất nước sẽ vượt qua đại dịch COVID-19.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do trường Đại học Grinnell phối hợp với hãng Selzer & Co. thực hiện và công bố ngày 1/4 cho thấy có tới 88% số người được hỏi đồng ý rằng "nước Mỹ sẽ vượt qua đại dịch này". Nhiều người dân Mỹ quả quyết rằng đất nước sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng tồi tệ này theo cách riêng, cách mà họ đã vượt qua rất nhiều “cú sốc” trước đó như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay vụ khủng bố ngày 9/11/2001, bằng sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ để tiếp tục khẳng định những giá trị cũng như vị thế của mình.

Cũng theo kết quả cuộc thăm dò, gần 70% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng thực hiện biện pháp giãn cách xã hội tại chỗ khi được yêu cầu. Có thể thấy những quyết định và chiến lược ứng phó mà chính quyền Tổng thống Trump đưa ra và đang thực hiện nhận được sự ủng hộ cao của người dân, mặc dù trong thời điểm hiện nay vẫn chưa thể ngay lập tức đem lại kết quả và giúp Mỹ thoát khỏi tình trạng khủng hoảng.

Đó là cách tiếp cận hướng tới sự đóng góp từ chính phủ, các doanh nghiệp, các nhà quản lý giáo dục cũng như người dân ở mọi tầng lớp xã hội và mọi cộng đồng để cùng nhau tìm ra cách thức tương hỗ lẫn nhau vượt qua mọi thảm họa lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm thứ Tư, ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo của Nhà Trắng hôm thứ Tư, ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP

Ngay sau khi tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia”, Chính phủ Mỹ cũng như các nhà lập pháp đã nhanh chóng đưa ra 3 dự luật hỗ trợ kinh tế, trong đó dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các cơ quan y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.

Dự luật thứ 3 trị giá 2,2 nghìn tỷ là dự luật lớn nhất trong lịch sử của Mỹ cũng đã được thông qua nhằm hỗ trợ trực tiếp người dân Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với tình trạng gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Không chỉ dừng lại ở đây, các nhà lập pháp Mỹ hiện đang tiếp tục thảo luận nhằm đưa ra gói hỗ trợ thứ tư, giúp các công ty có vốn cũng như trả lương cho hàng triệu người lao động, bởi hiện vẫn chưa thể biết mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu.

Cùng với chính quyền, các doanh nghiệp Mỹ cũng đã thực sự vào cuộc. Một loạt các nhà máy, các hãng và tập đoàn lớn của Mỹ như Abbott, General Motor, Telsa hay Proter and Gamble (P&G) tuyên bố cùng chung tay sản xuất các thiết bị y tế cần thiết như máy trợ thở, nước rửa tay khô và các sản phẩm diệt khuẩn. Các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ như Goolge cũng áp dụng việc phân tích số liệu để có được thông tin về dịch bệnh cung cấp cho người dân kịp thời.

Kinh tế Mỹ thực sự phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Kinh tế Mỹ thực sự phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Trong giáo dục, khi các trường học đóng cửa, một loạt biện pháp được đưa ra nhằm phục vụ việc học tập trực tuyến của học sinh. OpenStax tại Đại học Rice đã mở rộng quyền truy cập vào các khóa học trực tuyến, mang lại cơ hội tự học tập cho một lượng lớn sinh viên hay Yes Every Kid đã ra mắt #LearnEverywhere, một nguồn tài liệu miễn phí tổng hợp chương trình giảng dạy cho các phụ huynh hiện đang ở nhà cùng hơn 30 triệu trẻ em.

Stand Together and the Family Independence Initiative, một trong những nhóm chống đói nghèo hiệu quả nhất của Mỹ, đã phát động phong trào #GiveTogetherNow, một nỗ lực trực tuyến nhằm giúp các gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch bệnh, theo đó những gia đình này sẽ được nhận tiền mặt hỗ trợ trực tiếp và ngay lập tức từ những người dân Mỹ quyên góp.

Trong các tòa nhà chung cư, hình ảnh quen thuộc thường thấy là các tờ rơi của những nhóm trợ giúp khác nhau được dán trong thang máy, cung cấp số điện thoại của những người tình nguyện giúp đỡ những người cao tuổi như đi mua thực phẩm, mua thuốc, chăm sóc thú nuôi, hay bất cứ việc gì mà họ cần.

Nhiều siêu thị lớn đã mở cửa trước một giờ đặc biệt để dành riêng cho người cao tuổi và người khuyết tật mua sắm. Ngày càng có nhiều sáng kiến từ thiện tương tự được đưa ra, phù hợp với từng cộng đồng, địa phương trên toàn nước Mỹ và đây có lẽ đây chính là những câu chuyện cảm động và hấp dẫn nhất về cộng đồng người dân Mỹ đang chung tay góp sức trong thời điểm hết sức khó khăn hiện nay.

Khi dịch bệnh bùng phát, ý thức được tình trạng khan hiếm các thiết bị bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang cho các y, bác sỹ, những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao khi trực tiếp tiếp xúc và điều trị cho các bệnh nhân, một loạt phong trào quyên góp khẩu trang được phát động trên toàn nước Mỹ với sự tham gia của nhiều cộng đồng dân cư, trong đó phải kể tới cộng đồng người Việt Nam tại tiểu bang Arizona hay ở Seattle, bang Washington.

  Bệnh viện dã chiến của Samaritan ở Công viên Trung tâm của New York. Ảnh: AP

Bệnh viện dã chiến của Samaritan ở Công viên Trung tâm của New York. Ảnh: AP

Tại New York, người dân toàn thành phố dường như cũng đang dồn lực và hy vọng vào các bệnh viện với sự sẻ chia và hỗ trợ tối đa cho các y bác sĩ, những chiến sĩ đang ở tiền tuyến trong cuộc chiến chống kẻ thù vô hình này. Hàng loạt nhà hàng và dịch vụ giao thức ăn đều quyết định tặng phần ăn cho bác sĩ và y tá để họ có thể tập trung làm việc.

Từ UberEats, Sweet Greens, rồi các tiệm bánh nổi tiếng, các nhân viên y tế chỉ cần đưa thẻ ID bệnh viện sẽ được ăn miễn phí và được giao tới tận bệnh viện, hay những nhãn hiệu giày và quần áo cũng tặng sản phẩm cho nhân viên y tế.

Cũng giống như ở Italy, khi người dân cùng nhau hát vang bên cửa sổ hay ban công để cổ vũ và động viên tinh thần lạc quan, thì tại thành phố New York, người dân hẹn nhau ra ban công cùng một giờ để vỗ tay bày tỏ sự cảm ơn và cổ vũ đội ngũ y tế trong bệnh viện, mang lại cho họ nguồn sức mạnh phi thường vượt qua những khó khăn để chống dịch.

Sau những phản ứng bị đánh giá là có phần chậm chạp lúc ban đầu, khi thách thức phía trước ngày càng tăng và vẫn chưa thể biết chắc chắn cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 sẽ còn kéo dài bao lâu nữa, những gì mà chính quyền và người dân Mỹ đang làm góp phần lan tỏa niềm hy vọng rằng quốc gia này sẽ sớm vượt qua đại dịch.

Dữ liệu đang được cập nhật.

(Nguồn: TTXVN)