Tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 do Sở Y tế TP.HCM tổ chức chiều ngày 9/7, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã thông tin về hệ thống y tế sau khi 3 địa phương sáp nhập.
Theo đó, sau sáp nhập, Sở Y tế TP.HCM có tổng cộng 251 nhân sự và 3 trụ sở tại phường Bến Thành, phường Bình Dương và phường Bà Rịa. Trụ sở chính ở trung tâm TP.HCM (phường Bến Thành) điều hành, chỉ đạo hoạt động và kiểm tra giám sát hoạt động của các trụ sở còn lại.
![]() |
Sở Y tế TP.HCM có trụ sở chính tại phường Bến Thành. Ảnh: Thành Nam |
Cùng với đó, dân số TP.HCM cũng tăng từ gần 10 triệu lên khoảng 14 triệu, diện tích tăng từ hơn 2.000km2 lên 6.700km2. Sự gia tăng về quy mô này đi đôi với dự báo về nhu cầu khám chữa bệnh. Sở Y tế dự kiến số lượt khám bệnh hàng năm sẽ tăng vọt từ trên 42 triệu lượt lên trên 51 triệu lượt; lượt điều trị nội trú cũng sẽ tăng từ trên 2,2 triệu lượt lên trên 3,8 triệu lượt mỗi năm.
Cũng theo bác sĩ Nam, hiện nay hệ thống y tế TP.HCM tăng từ 132 bệnh viện lên 164 bệnh viện. Trong đó có 14 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, 32 bệnh viện đa khoa công lập, 28 bệnh viện chuyên khoa công lập và 90 bệnh viện ngoài công lập (73 tại TP.HCM cũ, 15 tại Bình Dương, và 2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tổng số giường bệnh cũng tăng từ 41.000 lên 49.792 giường sau hợp nhất. Theo bác sĩ Nam, điều này kéo theo tỷ lệ giường bệnh/vạn dân giảm xuống, từ 42 xuống còn 35.
Ngoài ra, TP.HCM mới cũng sẽ có 38 trung tâm y tế. Trong đó, TP.HCM cũ có 22 trung tâm (18 không giường bệnh, 4 có giường bệnh), Bình Dương có 9 trung tâm (8 có giường bệnh, 1 không giường bệnh), Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 trung tâm (5 có giường bệnh, 2 không giường bệnh).
![]() |
Trung tâm y tế Quân – Dân Y đặc khu Côn Đảo trực thuộc Sở Y tế TP.HCM mới kể từ ngày 01/7/2025, sẽ sớm được tăng cường hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM |
Số trạm y tế sẽ tăng lên 168 trạm và 298 điểm y tế. Trong đó, 125 trạm y tế sẽ được nâng cấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế (trên 500 m²), hoạt động như "bệnh viện mini" với đầy đủ khoa phòng.
Đáng chú ý, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP.HCM đổi tên 24 bệnh viện cho phù hợp với đơn vị hành chính mới; đồng thời rà soát, lập kế hoạch hỗ trợ nâng cao chuyên môn cho các cơ sở y tế.
Tại hội nghị, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành y tế thành phố ghi nhận 22,45 triệu lượt khám ngoại trú (tăng 10,5%) so với cùng kỳ năm 2024; nội trú hơn 1 triệu ca (tăng 10%). 80% trạm y tế trên địa bàn đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), với số lượt khám tăng 38%.
Tiến sĩ Vĩnh Châu cũng công bố kết quả kiểm tra chất lượng bệnh viện năm 2024 trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra chất lượng tại 124 bệnh viện, trung tâm y tế (không bao gồm các bệnh viện thuộc bộ, ngành và các bệnh viện mới thành lập dưới 12 tháng), trong đó Bình Dương (cũ) có 27 cơ sở và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) có 14 cơ sở.
Tốp 10 bệnh viện có điểm chất lượng cao nhất: Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Tâm Anh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (cũ), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Ung bướu.
10 bệnh viện có điểm chất lượng thấp nhất, gồm: Bệnh viện Mắt Cao Thắng, Trung tâm y tế quận 10 (cũ), Bệnh viện Răng hàm mặt Sài Gòn, Bệnh viện STO Phương Đông, Trung tâm y tế quận 3 (cũ), Bệnh viện Răng hàm mặt thẩm mỹ Paris, Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật Thẩm mỹ JK Nhật Hàn, Trung tâm y tế quận 5 (cũ), Bệnh viện Gaya Việt – Hàn, Bệnh viện Thẩm mỹ Kỳ Hòa - Medika.
Sở Y tế TP.HCM công bố đường dây nóng phản ánh phòng khám 'vẽ bệnh, moi tiền'
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã công bố 6 kênh tiếp nhận phản ánh y tế, gồm các số hotline, ứng dụng và cổng thông tin, giúp người dân giám sát chất lượng khám chữa bệnh.