TP.HCM: Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động cơ bản ổn định

Sau 10 ngày triển khai mô hình chính quyền 2 cấp, hoạt động của các địa phương tại TP.HCM cơ bản ổn định.

Ngày 10/7, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM. Tham dự họp báo có đại diện Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở An toàn thực phẩm, Sở Văn hóa và Thể thao, Công an Thành phố, phường Bình Quới, xã Bình Hưng…

Toàn cảnh cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM ngày 10/7/2025. Ảnh: Linh Nhi
Toàn cảnh cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM ngày 10/7/2025. Ảnh: Linh Nhi

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, sau 10 ngày triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hoạt động của các địa phương cơ bản ổn định. Thành phố đã tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời chính thức đóng giao diện cổng riêng của Thành phố từ ngày 18/6 để thực hiện “một cửa số”.

Từ ngày 01-9/7, thành phố đã tiếp nhận gần 80.000 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó hơn 48.000 hồ sơ thuộc cấp xã. Các hệ thống thông tin vận hành ổn định, hạ tầng số cơ bản đáp ứng yêu cầu. Về việc một số phường, xã còn thiếu thiết bị, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hỗ trợ, hoàn thiện cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tại Sở Nội vụ, việc sáp nhập địa giới hành chính không làm phát sinh thủ tục mới hay gây xáo trộn cho người dân, doanh nghiệp. Trước ngày 01/7, Sở Nội vụ đã trình UBND TP.HCM công bố 162 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền (gồm 102 cấp tỉnh, 60 cấp xã) đảm bảo tính liên tục, minh bạch.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nêu một số đánh giá sơ bộ về việc vận hành chính quyền 2 cấp tại TP.HCM. Ảnh: Linh Nhi
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nêu một số đánh giá sơ bộ về việc vận hành chính quyền 2 cấp tại TP.HCM. Ảnh: Linh Nhi

Sở đã bố trí nhân sự tại 3 khu vực (TP.HCM cũ, Bình Dương cũ, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, đồng thời cập nhật hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, con dấu, tên cơ quan… nhằm duy trì hoạt động ổn định, không phát sinh rào cản hành chính. Hiện chưa ghi nhận phản ánh tiêu cực từ người dân, doanh nghiệp. 

Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, khiếu nại - tố cáo được đảm bảo thực hiện liên tục, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, các hồ sơ có thời hạn giải quyết trước ngày 01/7 do đơn vị cũ xử lý dứt điểm. Các hồ sơ chưa giải quyết xong hoặc có thời hạn sau thời điểm trên sẽ được chuyển giao cho đơn vị mới phụ trách.

Theo Nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Bộ Chính trị, từ ngày 1/7/2025, TP.HCM được mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích và dân số của tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM hiện hữu. Sau sáp nhập, TP.HCM có diện tích hơn 6.700 km², dân số vượt 14 triệu người, trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước và có quy mô dân số nằm trong nhóm đô thị hàng đầu Đông Nam Á.

Cùng với việc điều chỉnh địa giới, hệ thống tổ chức chính quyền các cấp cũng được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã/phường/đặc khu.

Bộ máy chính quyền TP.HCM mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025. Chính quyền các cấp cam kết tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề dân sinh, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân và xây dựng TP.HCM trở thành đô thị hiện đại, văn minh, nghĩa tình.

Việc thành lập TP.HCM mở rộng không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính đơn thuần, mà còn là bước đi mang tính chiến lược trong việc tái cấu trúc không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ, tạo điều kiện để TP.HCM khai thác tốt hơn nguồn lực, kết nối hạ tầng, phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Quốc Đăng

“Diện mạo mới” của các trụ sở phường, xã tại TP.HCM sau sáp nhập

“Diện mạo mới” của các trụ sở phường, xã tại TP.HCM sau sáp nhập

Nhiều trụ sở phường, xã mới tại TP.HCM được chỉnh trang, gắn bảng tên mới, chuẩn bị vận hành chính thức mô hình chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7, sẵn sàng phục vụ người dân.