Hơn 40% phụ nữ gốc Á ở Mỹ không có việc làm trong đại dịch COVID-19

Theo thống kê, có đến hơn 40% phụ nữ gốc châu Á ở Mỹ mất việc làm trong đại dịch COVID-19 và buộc phải sống nhờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng.

Tại văn phòng của Hiệp hội người Mỹ gốc Hàn ở New Jersey, các tình nguyện viên đang đóng gói mỳ ramen, gạo và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác để phân phát cho một cộng đồng bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

“Chúng tôi muốn chia sẻ tình yêu thương. Thật khó khăn. Không có nhiều công việc ngoài kia”, nhà tổ chức Michelle Song nói.

Đại dịch COVID-19 đã xóa sổ hàng nghìn việc làm trên khắp khu vực, nơi mà nhiều người Mỹ gốc Á đã tạo được dấu ấn trong lĩnh vực nhà hàng và nails.

e0e66149-37dd-4964-9425-c1c9b8958114-midland_elementary_school_01.jpeg
Những trẻ em gốc Á tại Mỹ.

Bởi có rất nhiều nhu cầu trong thời kỳ đại dịch nên việc tiếp cận với cộng đồng là rất quan trọng, Song nói.

Tổ chức của Song sẽ phát đồ ăn tại hai địa điểm ở Công viên Palisades và Công viên Rochelle vào thứ Bảy hàng tuần. Mục tiêu của nhóm là nuôi sống 300 gia đình.

Tất cả đều được chào đón, nhưng nhóm của Song hy vọng nhiều thành viên trong cộng đồng người Mỹ gốc Hàn nằm trong số những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nghèo đói là có thật đối với những người châu Á ở Hoa Kỳ, đặc biệt là thế hệ nhập cư gần đây, những người không đến Hoa Kỳ với với một nền giáo dục tốt như các thế hệ trước đó.

Virus coronavirus đã làm tăng thêm những thách thức, đặc biệt là đối với những người làm trong các ngành dịch vụ, lĩnh vực mà việc làm bị thu hẹp.

Giống như các nhóm sắc dân khác, người châu Á không phải ai cũng giống nhau.

Trong khi một số người có tài sản tích cóp trong nhiều năm thì số khác phải tiết kiệm hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của chính phủ để duy trì cuộc sống.

Trước khi đại dịch xảy ra, 7,3% người châu Á ở toàn nước Mỹ sống dưới mức nghèo, bằng tỷ lệ của người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha, theo số liệu Điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2019. Người Mỹ da đen ở mức 18,8% và người Mỹ gốc Tây Ban Nha là 15,7%.

"Mọi người đều ở trong tình trạng khó khăn đó", Albert Chin, một cư dân Paramus, đồng sở hữu của nhà hàng Dumpling Den ở Fort Lee, cho biết. "Tất cả các nhà hàng đều bị thiệt hại. Rõ ràng là chúng tôi không có thu nhập. Chúng tôi phải tiết kiệm", anh cho biết thêm.

Trong nhóm người Mỹ gốc Á, tỷ lệ nghèo lại được chia ra tùy thuộc vào nơi mà họ đến.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2017, người Mỹ gốc Hmong có nguồn gốc ở Đông Nam Á có tỷ lệ nghèo là 28,3%, trong khi người Myanmar là 35% và người Campuchia là 19,1%.

Tại New Jersey, người Mỹ gốc Á chiếm 10% trong tổng số 8,9 triệu dân của bang.

Người châu Á thường sống tập trung thành một cộng đồng và được xem là “thiểu số kiểu mẫu”. Điều đó có thể đúng với những người nhập cư vào giữa thế kỷ 20, nhưng các chính sách nhập cư đã thay đổi và vì vậy bản chất của người châu Á đến Mỹ trong giai đoạn sau này cũng vậy.

56b66752-bcca-4b40-b322-99f5b37ab7d2-jl_moreno_family_31121_01.jpg
Hơn 40% phụ nữ gốc Á thất nghiệp trong đại dịch.

Nhóm người nhập cư châu Á thời đó (giữa thế kỷ 20) chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu và làm ăn phát đạt ở Mỹ, làm nảy sinh định kiến

Vào đầu những năm 1970, Mỹ đón làn sóng người châu Á di cư đầu tiên sau gần 5 thập kỷ luật nhập cư chủ yếu dành cho người châu Âu da trắng.

Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch năm 1965 đã mang lại những cải cách sâu rộng cho đất nước. Những người nhập cư được cấp phép nhập cảnh trên cơ sở thành tích thay vì chủng tộc, ưu tiên những người có học vấn và phương tiện tài chính cũng như những người có gia đình ở Hoa Kỳ.

Những đợt sau đó đã không như vậy. Đạo luật Người tị nạn năm 1980 là một sửa đổi của đạo luật năm 1965, nó mở lối vào Mỹ cho những người tị nạn chạy trốn khỏi sự đàn áp. Những người mới đến thường có trình độ học vấn và trình độ ngoại ngữ thấp.

Sau vụ thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, cựu Tổng thống George H.W. Bush đã đề cao sự cân nhắc đối với những công dân Trung Quốc đang tìm cách vào Mỹ.

Những năm 1990 kéo theo một làn sóng mới thuộc tầng lớp lao động nhập cư đến từ Trung Quốc, đa phần đến từ tỉnh Phúc Kiến bằng đường biển. Những người này thường làm việc trong ngành nhà hàng, trong khi người nhập cư từ Việt Nam và Hàn Quốc chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp.

Tác động của đại dịch đối với các hoạt động kinh doanh đã thể hiện rõ ở những nơi như Fort Lee, nơi từng có những con phố đông đúc nay ít xe cộ qua lại.

Hugh Kim, chủ sở hữu của cửa hàng tóc có tên là Jaya Hair Salon cho biết hoạt động kinh doanh của mình giảm 40% vào năm 2020 so với năm 2019.

“Khách hàng lo lắng khi đến nơi công cộng vì sợ bị nhiễm bệnh. Với nhiều người ở nhà hơn, nhu cầu chăm sóc cá nhân sẽ ít hơn”, ông Kim cho biết thêm.

Đối với nhiều người bị mất việc trong cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra, đó không phải là một sự sụt giảm ngắn.

40% phụ nữ Mỹ gốc Á đã không có việc làm từ sáu tháng trở lên, theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ. Con số ở tất cả phụ nữ Mỹ là 38%.

NGUYỄN MINH