Ở riêng cho tự do hay ở chung với gia đình cho tiết kiệm?
Nếu là những năm trước đây, với câu hỏi này, nhiều bạn trẻ có thể nhanh chóng lựa chọn phương án đầu tiên. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, quyết định của GenZ có vẻ đã thay đổi.
1/3 GenZ nước Mỹ đang ở chung với gia đình vì giá nhà quá đắt
Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Intuit Credit Karma với 1249 GenZ trong độ tuổi 18-27 cho thấy: 31% đang sống chung với gia đình vì không đủ tiền thuê hoặc mua nhà.
Báo cáo này cũng cho thấy Gen Z không phải là đối tượng duy nhất đang gặp khó khăn trong việc xoay sở chi phí thuê nhà, mua nhà. Chi phí sống đắt đỏ ngày càng trở thành thách thức với cả thế hệ Millennials và Gen Z: Lần lượt là 30% và 27% đang phải vật lộn để trả tiền thuê nhà với mức chi phí chiếm khoảng 40-45% thu nhập.
Ảnh minh họa |
Theo một phân tích của Zillow - Công ty cung cấp dịch vụ BĐS ở California (Mỹ), khoảng 2,7 triệu người trưởng thành (trên 18 tuổi) ở Hoa Kỳ đã chuyển đến sống cùng cha mẹ hoặc ông bà vào trong năm 2020. Dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy tỷ lệ thanh niên đang sống chung với bố mẹ đã tăng hơn 87% trong hai thập kỷ qua. Với tình trạng lạm phát kéo theo sau đại dịch, nhiều người trẻ không thể chuyển ra ngoài sống.
Ở Việt Nam thì sao?
Gồng gánh chi phí thuê nhà khi sinh sống và làm việc ở những thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP. HCM chưa bao giờ là chuyện đơn giản.
Thu Trang (29 tuổi, hiện đang sinh sống ở Hà Nội) cho biết: "Gia đình mình không ở Hà Nội, chứ nếu không, mình cũng muốn được ở với bố mẹ cho đỡ tiền thuê nhà". Hiện tại, 4,8 triệu là chi phí thuê nhà cùng tiền dịch vụ của mà Trang phải đóng hàng tháng.
May mắn hơn Thu Trang, Nhật Minh (27 tuổi, hiện đang sinh sống ở Hà Nội) không phải mất tiền thuê nhà hàng tháng vì đang sống chung với bố mẹ. Tuy nhiên, "được cái này, mất cái kia" là cách mà Nhật Minh miêu tả về cuộc sống của mình khi ở với bố mẹ.
Ảnh minh họa |
"Vì sống cùng bố mẹ nên mình không dám về khuya, bố mẹ không cấm nhưng mình cứ về muộn là y như rằng thấy mẹ đang… nằm ở phòng khách đợi. Ngoài ra thì việc dẫn anh em hoặc bạn gái về nhà chơi là không thể nếu bố mẹ có nhà. Tâm lý chung là có người lớn, tụi mình cũng tự nhiên thấy rén ấy" - Nhật Minh kể.
Khánh Linh (24 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP.HCM) cũng có cùng quan điểm với Nhật Minh: "Mình cũng đang sống cùng bố mẹ, đôi khi cũng có bất tiện vì giờ giấc sinh hoạt, ăn uống của mình không được đúng như ý bố mẹ nên cũng hay bị mắng. Nếu so sánh thì chắc chắn ở chung với bố mẹ sẽ không thể được riêng tư, tự do như khi sống 1 mình".
Khánh Linh mới chuyển về ở cùng bố mẹ được gần 2 năm nay. Trước đó, cô bạn này nhất quyết muốn sống riêng dù bố mẹ có nhà ở Quận 7 (TP. HCM). Tự lập được 8 tháng, Linh mới nhận ra sống cùng bố mẹ là chân ái.
"Tiền thuê nhà đã mất gần nửa tháng lương rồi, chưa kể mình còn gặp phải chủ trọ không có tâm, suốt ngày đẻ thêm ra chi phí để thu nên thực sự rất áp lực, mệt mỏi. Tự do cũng thành không tự do vì thế, nên mình không còn ý định ra ngoài ở riêng nữa" - Khánh Linh khẳng định.
Tạm kết
Ở chung với gia đình, cái lợi lớn nhất là tiết kiệm được tiền thuê nhà cùng phí dịch vụ nhưng đổi lại, bạn sẽ phải hy sinh một phần thói quen, sở thích, đôi khi là cả sự tự do của mình. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nếu không may "vớ" phải chủ trọ chẳng có tâm, sự tự do bạn có cũng chẳng được trọn vẹn, nhiều khi lại biến thành áp lực, mệt mỏi giống như trải nghiệm của Khánh Linh.
Thế nên là nếu có thể sống chung với bố mẹ, tội gì mà lao ra ngoài thuê trọ, đúng không?
Chi phí lương thực tăng vọt đe dọa người nghèo ở Brazil
Lạm phát hàng năm chậm lại đối với những người Brazil nghèo nhất vào năm 2023, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino đã khiến thực phẩm thiết yếu ngày càng trở nên đắt đỏ.