Năng lượng xanh là chìa khóa cho sự phát triển bền vững

Hoàng Toàn

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Xanh hóa” năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai.
 Năng lượng xanh là chìa khóa cho sự phát triển bền vững

"Xanh hoá" trong sản xuất là xu hướng tất yếu của cộng đồng doanh nghiệp, đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, chinh phục thị trường. Ý thức được vai trò quan trọng của việc "xanh hoá" trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp rất quan tâm áp dụng các giải pháp "xanh hóa" năng lượng trong sản xuất.

Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch CTCP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy)
Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch CTCP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy)

Tại Hội thảo, ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch CTCP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy) cho biết: Phát triển năng lượng xanh là xu hướng của toàn cầu, Việt Nam có cơ hội để bứt phá trong lĩnh vực này với tiềm năng lớn.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở góc độ một doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình chuyển đổi xanh và cung cấp các giải pháp chuyển đổi sang năng lượng mặt trời cho doanh nghiệp, câu chuyện khó khăn về vốn chỉ là một phần, phần lớn vướng mắc đến từ chính sách. Trên thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp có thể tự chủ về tài chính, họ đã có khả năng đầu tư và sẵn sàng tham gia. Nhưng cái họ cần là chính sách phải được khơi thông rõ ràng...

Ông Trần Văn Nhơn – Tổng giám đốc Intech Energy
Ông Trần Văn Nhơn – Tổng giám đốc Intech Energy

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Nhơn – Tổng giám đốc Intech Energy nêu ra 4 bài toán cho các doanh nghiệp, con người, xã hội và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Một là, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; hai là, cạn kiệt nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học; ba là, việc Chính phủ và các tổ chức đã có quy định siết chặt về phát thải khí nhà kính, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh quy trình sản xuất; bốn là, chi phí năng lượng ngày càng tăng.

Theo ông Trần Văn Nhơn, hiện có những xu hướng dịch chuyển năng lượng toàn cầu, gồm tăng sử dụng năng lượng tái tạo; chuyển đổi công nghệ sản xuất; chính sách quốc tế và quốc gia về giảm phát thải; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng; hiệu quả năng lượng và quản lý tiêu thụ năng lượng.

Ông Lý Đức Tài - Phó Viện trưởng Viện khí nhà kính Việt Nam cũng cho biết, hiện Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho việc hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Theo quyết định mới nhất, sẽ có 2.166 doanh nghiệp buộc phải giảm khí nhà kính, giảm phát thải. 

Giải pháp để các doanh nghiệp thực hiện việc xanh hóa năng lượng, đó là sử dụng năng lượng tái tạo hoặc mua bán điện sản xuất từ năng lượng tái theo cơ chế DPPA, tạo ra thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó cần lưu ý sử dụng tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh thay thế thiết bị tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, cần triển khai hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng và sử dụng nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường.