Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số

Hoàng Toàn

Mới đây, diễn đàn quốc tế Franconomics 2023, với chủ đề “Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số” đã diễn ra tại Hà Nội.
Quang cảnh diễn đàn quốc tế Franconomics 2023
Quang cảnh diễn đàn quốc tế Franconomics 2023

Tiếp nối thành công của Diễn đàn quốc tế thường niên Franconomics và hướng tới chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập, ngày 17/10, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), ĐHQGHN phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF) - Đại học Jean Moulin Lyon 3 đồng tổ chức Diễn đàn quốc tế Franconomics-2023 với chủ đề “Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số”.

Các đại biểu tham dự diễn đàn
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có đại diện các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, các tổ chức đào tạo, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Cộng đồng Pháp ngữ từ khắp nơi trên thế giới.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn quốc tế Franconomics-2023 khi đề cập đến một trong những vấn đề mang tính thời sự nhưng vẫn chưa được bàn luận nhiều, đó là nhân văn số.

 Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội
 Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội

Mặc dù đã manh nha xuất hiện từ những năm 40 của thế kỷ XX nhưng nhân văn số (digital humanities) vẫn là lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với giới nghiên cứu tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Trong khi đó, việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và khoa học máy tính vào nghiên cứu các ngành nhân văn đang trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết trong một xã hội văn minh và tiến bộ.

Nhân văn số đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý và gìn giữ tư liệu, bảo tồn giá trị văn hoá lịch sử, di sản, ngôn ngữ, phát huy giá trị các nền văn minh xã hội và xa hơn nữa là khả năng bồi dưỡng tiềm năng con người; thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai.

Trong bối cảnh chuyển đổi số với sự hiện diện đáng kể của ngày càng nhiều các công nghệ hiện đại, khoa học xã hội và nhân văn có nhiều cơ hội phát huy thế mạnh của mình, đặc biệt trong việc giúp kết nối các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thông qua việc ứng dụng công nghệ mới vào các ngành khoa học nhân văn, gìn giữ các nền văn hoá và xa hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai. Giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Nhân văn số không chỉ đơn thuần là việc sử dụng công nghệ, mà còn là việc đảm bảo rằng con người vẫn đóng vai trò trung tâm trong mọi hoạt động.

Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải mong rằng, tại Diễn đàn này, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận và nêu bật được những giá trị của ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông), phát huy vai trò của con người trong chuyển đổi số.

Ông Laurent Sermet, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ông Laurent Sermet, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ông Laurent Sermet, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) nhận định rằng, nhân văn số có nhiều ưu điểm và lợi ích khi áp dụng, như hỗ trợ quảng bá văn hóa; khả năng lưu trữ, kết nối nhiều nguồn tài nguyên cũng như các nhà khoa học trên không gian số. Dưới tác động của nhân văn số, ảnh hưởng cộng đồng của các ngành nhân văn trở nên mạnh mẽ hơn thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá. Tuy nhiên, cũng tồn tại một số hạn chế trong lĩnh vực này như sự mất mát dữ liệu trong quá trình chuyển đổi, vấn đề đạo đức trong việc sử dụng dữ liệu, việc duy trì bảo tồn các nguồn lực và dự án, vấn đề thay đổi tư duy nhận thức… Do đó, Diễn đàn Franconomics-2023 đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cần thiết để tận dụng những cơ hội và hạn chế những khó khăn của nhân văn số trong thời đại hiện nay.

Ông Manuel Jobert, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ, Đại học Jean Moulin Lyon 3, Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF)
Ông Manuel Jobert, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ, Đại học Jean Moulin Lyon 3, Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF)

Ông Manuel Jobert, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ, Đại học Jean Moulin Lyon 3, Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF) cho biết 2IF cho rằng, về nhân văn số là một trong những hướng nghiên cứu cần chú trọng. Ông Jobert cho rằng việc áp dụng công nghệ số trong ngành khoa học xã hội và nhân văn mang lại nhiều lợi ích như tăng khả năng bảo quản dữ liệu và di sản, truy cập dễ dàng vào kho tài liệu và tri thức, hỗ trợ công việc của các nhà nghiên cứu trong thế kỷ 21. Trái lại, việc phát triển vượt bậc của thế giới ảo cũng làm gia tăng khoảng cách trong đời sống thực. Do đó, Giám đốc viện 2IF khẳng định  định chủ đề về nhân văn số của Franconomics-2023 là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay của Cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và toàn thế giới nói chung. Đồng thời, ông cũng hy vọng Diễn đàn sẽ giúp người tham gia cùng nhau bàn luận, trao đổi và đề xuất giải pháp để giải quyết các vấn đề của nhân văn số.

Ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (IFI
Ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (IFI

Ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (IFI) - Trưởng Ban tổ chức khẳng định, giống với các mùa trước, Franconomics-2023 đề cập đến những chủ đề “nóng” của Việt Nam và thế giới hiện nay là nhân văn số và an ninh con người. Mặc dù đã manh nha xuất hiện từ gần một thế kỷ trước nhưng với tốc độ phát triển nhanh chóng của xã hội số hiện nay, hai khái niệm này đã có nhiều biến đổi. Vì vậy, Diễn đàn Franconomics năm nay hướng tới mục tiêu cập nhật những thông tin, kiến thức mới nhất về nhân văn số, đồng thời đưa ra những đề xuất hợp tác mới giữa các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ nhằm tận dụng cơ hội và hạn chế những khó khăn của lĩnh vực này. 

Ông Thắng đặc biệt nhấn mạnh Franconomics-2023 là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập IFI (1993-2023). Trong suốt 3 thập kỷ, IFI đã trở thành đơn vị tiên phong trong công tác đào tạo, nghiên cứu chuẩn quốc tế, chất lượng cao dựa trên nền tảng liên ngành công nghệ thông tin và Pháp ngữ. Trong tương lai, IFI hướng tới trở thành một trung tâm đại học hấp dẫn của Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương cũng như của thế giới. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Đại học Quốc gia Hà Nội, với vai trò là một trung tâm, cơ sở giáo dục hàng đầu Việt Nam, có trách nhiệm lớn trong việc đào tạo và truyền đạt tri thức cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trang bị cho các cá nhân những kỹ năng cần thiết để định hướng trong các lĩnh vực kỹ thuật số một cách có trách nhiệm và có đạo đức. Bằng cách tích hợp kiến thức số vào hệ thống giáo dục của mình, Đại học Quốc gia Hà Nội có thể trao quyền cho thế hệ tiếp theo trở thành những công dân số có trách nhiệm, những người hiểu được tầm quan trọng của sự đồng cảm, tôn trọng và hòa nhập trong không gian số.

Diễn đàn quốc tế Franconomics-2023 với chủ đề “Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số” đã quy tụ các nhà khoa học hàn lâm, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và chuyên môn học thuật về nhân văn số và các khía cạnh liên quan.