Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, trên địa bàn Nghệ An có mưa rất to khiến một số nhà máy thủy điện thông báo xả lũ vào tối 29/10. Tại huyện Quế Phong, thủy điện Châu Thắng đã xả lũ qua các cửa van và qua các tổ máy với lưu lượng 76 - 400 m³/giây.
Tại thủy điện Nậm Mô (huyện Kỳ Sơn), từ 19h ngày 29/10, nhà máy đã xả với lưu lượng 140-400 m³/giây. Còn Nhà máy thủy điện Bản Ang (huyện Tương Dương) cũng xả với lưu lượng 200-500 m³/giây từ 20h30 ngày 29/10.
Ngoài ra, tại thị xã Hoàng Mai, xí nghiệp thủy lợi Hoàng Mai cũng thông báo kế hoạch xả lũ hồ Vực Mấu từ 1h đến 6h ngày 30/10 với lưu lượng từ 20-100 m³/giây qua 2 cửa tràn.
Còn thủy điện Chi Khê (huyện Con Cuông) xả với lưu lượng 500 - 1.000 m³/giây và có thể tăng thêm tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ.
Đến sáng 30/10, nước lũ tại nhiều nơi của địa bàn huyện Thanh Chương tiếp tục dâng cao giữa lúc mưa không ngớt. Nhiều xã đang ngập sâu, bị chia cắt, đường giao thông sạt lở.
Trong khi đó, ông Đặng Đình Luận, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết, mưa lụt trong những ngày qua, đặc biệt từ chiều 29 đến sáng 30/10, đã khiến xã Cao Sơn bị cô lập hoàn toàn, nhiều xã ngập cục bộ như Phúc Sơn, Khai Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Thọ Sơn…
Các tuyến đường ở TP Vinh từ sớm nay cũng chìm trong biển nước như Đốc Thiết, Hồng Bàng, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, Ngư Hải, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Xí, Phan Chu Trinh, Đinh Công Tráng, ngã tư Phạm Đình Toái giao đại lộ 32, khu vực chợ Hưng Dũng...
Ngày 30/10, Tỉnh ủy Nghệ An có Công điện khẩn số 02/CĐ-TU về việc ứng phó với thiên tai đang diễn ra trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9. Theo Công điện này, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu chính quyền các cấp trong tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với mưa lớn và lũ lụt trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ.
Trước mắt, lực lượng chức năng tập trung ứng cứu nhân dân nơi đang bị ngập và bị cô lập, chia cắt, tổ chức di dời, sơ tán dân nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, triển khai biện pháp cảnh báo ở các điểm giao thông bị ngập lũ, bố trí lực lượng ứng trực, kiên quyết không để người và các phương tiện lưu thông qua địa điểm nguy hiểm.
Ngoài ra, cơ quan truyền thông, cán bộ, đảng viên, nhân dân sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để truyền tải kịp thời, chính xác về tình hình thiên tại, ngập lũ, những nơi đang gặp nguy hiểm và biện pháp ứng cứu.
Bên cạnh đó, các cán bộ cũng triển khai các phuơng án, lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân sau lũ lụt.
Thông tin mới nhất về lũ lụt ở Nghệ An, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có mưa rất lớn, mực nước lũ vùng hạ lưu sông Cả ở Nghệ An lên rất nhanh - chiều và tối nay có thể lên trên báo động 2.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, nên từ nay đến ngày 31/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-180mm; riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 300mm.