Người sáng lập đế chế Hyundai và 4 lần bỏ nhà ra đi vì... nghèo

VIÊN VIÊN (t/h)

Từ một cậu bé nông dân tay trắng và không biết gì về kinh doanh, Chung Ju Yung đã dựng lên vương quốc Hyundai hùng mạnh, trở thành một trong những doanh nhân đáng nể nhất lịch sử doanh nghiệp châu Á…

Hơn 80 năm cuộc đời, trải bao biến cố thăng trầm, nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai đã tự đúc rút cho mình rất nhiều bài học quý báu trong cuốn tự truyện “Không bao giờ là thất bại – Tất cả là thử thách” .

Người sáng lập đế chế Hyundai và 4 lần bỏ nhà ra đi vì... nghèo

“Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” – câu châm ngôn đã trở thành bất hủ của Chủ tịch Chung Ju Yung như lời chiêm nghiệm cho những gì ông đã trải qua trong suốt cuộc đời và cả quá trình lập nghiệp để có được một Hyundai đáng tự hào hôm nay.

Điều khiến Chung Ju Yung càng xứng đáng là một tấm gương, một mẫu hình lớn để nhiều doanh nhân , người trẻ noi theo nằm ở chỗ: ông xuất thân từ gia đình bần nông, 3 đời nghèo khó, suốt cuộc đời chưa từng học tới lớp 6, là tay trắng lập nghiệp.

Cố chủ tịch của Hyundai lừng lẫy chính là minh chứng cho việc: không phải cứ cần có tài sản lớn thì mới trở thành doanh nghiệp lớn; và người không được học bài bản vẫn có thể tạo dựng sự nghiệp vẻ vang, vươn đến đỉnh cao thành công, đóng góp lớn cho đất nước. 

Người con cả trong gia đình nghèo khó

Chung Ju Yung sinh năm 1915 tại Asan (thuộc Tongchon, Triều Tiên) là con trưởng trong một gia đình bần nông 8 người con. Cha ông cũng là con trai trưởng trong gia đình nghèo. Ông nội Chung Ju Yung là giáo viên trường làng nhưng không biết làm nông. Gánh nặng kiếm kế sinh nhai của gia đình đều dồn lên vai cha ông.

Chân dung Chung Ju Jung khi còn trẻ 
Chân dung Chung Ju Jung khi còn trẻ 

Từ khi còn rất trẻ, cha của Chung Ju Yung đã nổi tiếng là người nông dân chăm chỉ, giỏi giang. Một mình gồng gánh trên vai trách nhiệm chăm lo cho cả gia đình, cha ông đã mua đất, xây nhà, dựng vợ, gả chồng cho tất cả 6 người em.

Và mặc nhiên cha ông cũng định hướng trách nhiệm lo cho gia đình sau này thuộc về Ju Yung. Để trang bị cho con kỹ năng trở thành một nông dân xuất sắc, mỗi ngày, cha Chung Ju Yung đều bắt ông ra đồng từ 4 giờ sáng, làm việc quần quật dưới trời nắng đổ lửa, quần áo hòa chung với bùn đất đến tận khi tối mịt mới trở về.

Chung Ju Yung không được học hành nhiều. Ba năm tiểu học, các cuốn sách ông đều đã thuộc lòng, chẳng còn gì để học và đọc. Suốt thời gian ấy, bố mẹ Chung Ju Yung chưa một lần nhắc tới việc học. Bởi vì đối với họ, chuyện đào tạo ông trở thành người nông dân giỏi quan trọng hơn rất nhiều so với việc học chữ. Có lẽ một phần cũng bắt nguồn từ việc ông nội làm thầy giáo nhưng không biết gì về việc nhà nông.

Người sáng lập đế chế Hyundai và 4 lần bỏ nhà ra đi vì... nghèo

Cả một tuổi thơ đầy ắp khó khăn, trong ký ức của Chung Ju Yung, kỉ niệm hạnh phúc nhất với ông cũng vô cùng đơn giản: bữa cơm với khoai tây trộn và canh bí đỏ của mẹ, những buổi hóng gió mát ngoài đồng.

Cuộc sống ở mảnh đất Asan đầy nắng gió cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, mùa màng thường xuyên thất bát. Cảnh gia đình ông cũng vì thế mà chẳng thể khá hơn.

Trải nghiệm sự nghèo khó và đời sống bấp bênh của nhà nông nên từ khi còn rất nhỏ, Chung Ju Yung mang trong mình ước mơ ngày nào đó nhất định phải thoát khỏi cảnh sống tăm tối này. Khát vọng đó đã khởi đầu cho 4 cuộc chạy trốn, lần đầu là năm Chung Ju Yung 16 tuổi.

Bốn lần bỏ nhà ra đi

Năm 16 tuổi, ông trốn nhà đến Chongjin mong tìm một công việc khác tốt hơn so với công việc của một người nông dân. May mắn thay, ông được nhận làm công nhân xây dựng tại công trình đường sắt ở Gowon và xem đó là điểm khởi đầu trên con đường lập nghiệp của mình.

Người sáng lập đế chế Hyundai và 4 lần bỏ nhà ra đi vì... nghèo

Ý đồ gom góp tiền đi Seoul chưa thành thì cha ông tìm thấy và đưa về. Trở về nhà nhưng ông vẫn ấm ức trong lòng: “Những đồng tiền quý giá mà mình làm được chẳng là bao nhưng đó là công sức của chính mình. Nếu có thể cho mình tiếp tục công việc thì mình có đủ tự tin để khám phá cái thế giới mới mẻ và rộng lớn bao la này”.

Lần thứ hai trốn nhà, Ju Yung lại bị một người đàn ông trung niên lừa hết tiền vì tin rằng hắn sẽ kiếm cho ông một công việc trong khách sạn ở Seoul. Sau chuyến đi 10 ngày ấy, ông lại bị một người bà con đưa về. Ông chấp nhận trở lại làm nông dân vì cảm thấy có lỗi khi làm cha đau lòng. Nhưng tâm trí ông chỉ hướng về Seoul, ý chí thoát nghèo trong ông vẫn không thay đổi.

Suy nghĩ kỹ lưỡng, lần thứ ba ông trộm 70 won tiền bán bò của bố để lên Seoul học kế toán. Tuy nhiên, mới học được hai tháng, bất ngờ người cha lại xuất hiện trước mặt ông, không giận dữ cũng không mắng mỏ, cha ông chỉ nói vài lời:

“Con phải nhớ con là một đứa nhà quê học hết cấp 1, ở Seoul người ta học hết trường cao đẳng còn thất nghiệp đầy cả đống. Cha già rồi, con là con trưởng thì phải giúp cha, con mà bỏ mặc thì cả nhà sẽ thành đám ăn mày”. Từng lời cha nói như vết dao cứa thẳng vào tim ông, hình ảnh người mẹ và các em hiện lên trước mắt, nỗi buồn ngập tràn và ông đã khóc. Ông lại thất bại trong chuyến đi lần này.

Người sáng lập đế chế Hyundai và 4 lần bỏ nhà ra đi vì... nghèo

Trong những thời khắc đắn đo giữa một bên là trách nhiệm với gia đình với một bên là khát vọng đổi đời, một bên là ước mơ và một bên là thực tế 3 lần bỏ trốn thất bại, Chung Ju Yung nhớ đến bài học con ếch xanh muốn nhảy lên cành dương liễu, nhưng vì cành cây cao quá nên nó không chạm được. Không nản chí, ếch xanh cứ nhảy, 10 lần, 20 rồi 30 lần… Và cuối cùng, nó cũng thành công! Chung Ju Yung tự nhủ: “Lẽ nào mình không bằng một con ếch xanh ?”

Ông lại quyết tâm ra đi lần nữa, thẳng hướng đến Seoul. Dường như may mắn đã mỉm cười với ông trong lần thứ tư trốn nhà, ông xin được một chân khuân vác ở công trình xây dựng trường học Posung (bây giờ là đại học Korea). Sau đó nhờ sự cần cù, chịu khó, từ một kẻ không xu dính túi, Chung Ju Yung đã có trong tay một cửa hàng phân phối gạo lớn khi mới 22 tuổi.

Người sáng lập đế chế Hyundai và 4 lần bỏ nhà ra đi vì... nghèo

Nhưng cuộc đời của Chung Ju Yung quả là chuỗi dài thử thách. 2 năm sau khi tiếp quản cửa hàng gạo, chỉ với một sắc lệnh khống chế và trực tiếp phân phát gạo của Phủ Tổng đốc do tình hình chiến tranh, cửa hàng của ông phải đóng cửa.

Không nản chí vì mất đi sản nghiệp lớn đầu tiên, với một chút vốn nhỏ trong tay, Chung Ju Yung mua lại một xưởng ôtô cũ. Ông thuê thợ và điều hành xưởng sửa chữa xe. Cuộc dấn thân vào ngành công nghiệp ôtô của ông bắt đầu từ đó.

Tờ 500 KRW định mệnh

Hyundai hiện là nhà sản xuất xe hơi hàng đầu Hàn Quốc . Năm 1976, Hyundai tung ra mẫu xe hơi đầu tiên hiệu Pony (Hyundai lần đầu tiên xuất khẩu xe hơi sang Mỹ là năm 1986). Ðầu thập niên 1970, Hyundai bành trướng vô cùng mạnh mẽ. Cùng với người vợ Byun Jung Suk , Ju Yung đưa 8 con trai và 1 con gái vào tập đoàn.

Người sáng lập đế chế Hyundai và 4 lần bỏ nhà ra đi vì... nghèo

Khi bắt tay xây dựng công nghiệp đóng tàu, Ju Yung đến hết ngân hàng này đến ngân hàng khác để vay vốn nhưng đều bị khước từ. Không nản lòng, Ju Yung sang Anh, vào Ngân hàng Barclays tại London, ông rút ra tờ 500 KRW với hình con tàu mà người Triều Tiên từng đóng vào thế kỷ 16 (300 năm trước khi người Anh cho ra đời con tàu sắt đầu tiên của họ). Chung Ju Yung nhấn mạnh rằng công nghiệp đóng tàu Triều Tiên hẳn có thể tiến xa từ lâu nếu không bị triều đại Joseon cản trở. Với tờ 500 KRW, Chung Ju Yung đã được vay 50 triệu USD từ Barclays!

Cơn bùng nổ dầu lửa 1973 là một trong những bệ phóng đưa Hyundai vào danh sách những tập đoàn khổng lồ thế giới. Chung Ju Yung nhanh chóng nhận ra cơ hội tại vùng Vịnh.

Trước thập niên 1970, Hàn Quốc chưa có con tàu nào lớn hơn 10.000 tấn nhưng lời quảng cáo về Hyundai của Tổng thống Park Chung Hee đã giúp đem lại hợp đồng đầu tiên với hai tàu chở dầu 240.000 tấn đặt từ Hy Lạp. Tiếp đó là đơn đặt hàng từ Hong Kong và Nhật. Năm 1975, Chính phủ Hàn Quốc ra lệnh tất cả dầu nhập từ Trung Ðông phải được chở bằng tàu dầu Hàn Quốc.

Nhờ vậy, cuối thập niên 1980, Hyundai đã trở thành nhà đóng tàu lớn nhất thế giới. Ðến thập niên 1980, Hyundai là doanh nghiệp gia đình lớn nhất Hàn Quốc. Từ Hyundai Engineering (xây dựng), Hyundai Motors/ (xe hơi), Hyundai Merchant Marine (đóng tàu), Chung Ju Yung thành lập thêm Hyundai Electronics – nơi không đầy 10 năm sau trở thành nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ hai thế giới.

Trước thời điểm xảy ra vụ khủng hoảng tài chính châu Á 1997, doanh thu hàng năm Hyundai đã vượt hơn 90 tỉ USD và Chung Ju Yung – với gia sản 6 tỉ USD – trở thành người giàu nhất Hàn Quốc. Trước khi chuyển ghế chủ tịch tập đoàn cho các con vào năm 1987, Chung Ju Yung đã xây dựng thành công một công ty đóng tàu lớn nhất và một công ty xe hơi hàng đầu Hàn Quốc.

Người sáng lập đế chế Hyundai và 4 lần bỏ nhà ra đi vì... nghèo

Với thành tích đầy ấn tượng, Chung Ju Yung được Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Chính phủ Trung Quốc cũng như Chính phủ Zaire tặng huy chương; và năm 1982, ông trở thành doanh nhân không phải là người Mỹ đầu tiên nhận bằng tiến sĩ danh dự về kinh thương từ Ðại học George Washington.

Trong nước, Chung Ju Yung liên tiếp giữ ghế Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc trong gần một thập niên và là một trong những người tham gia đàm phán giúp Seoul giành quyền đăng cai Thế Vận Hội 1988.

 Chung Ju Yung qua đời ngày 21/3/2001, ông để lại một sản nghiệp to lớn của Tập đoàn Hyundai cho các người em và con cháu tiếp tục quản lý, phát triển cho đến ngày nay.
 Chung Ju Yung qua đời ngày 21/3/2001, ông để lại một sản nghiệp to lớn của Tập đoàn Hyundai cho các người em và con cháu tiếp tục quản lý, phát triển cho đến ngày nay.