Nhạc của những kẻ lạc loài

Và cái thời tiết, khốn thay, lại là phải của một mùa đông lạnh giá đến buốt đôi tay, hoặc một đêm xuân 12 độ, ngoài đường phố kia đang mưa lép nhép chỉ còn ánh đèn vàng làm cho người ta thấy cần có nhau. Cái không gian và thời gian giá lạnh ở miền Bắc cực kỳ thích hợp với việc ngồi gần bên nhau, sưởi ấm bằng nhạc, và rượu mềm môi, và một thứ tình gì đó…

Có ai đó nói, âm nhạc là nơi trú ẩn của những tâm hồn tan nát vì hạnh phúc... Bạn có thể nghe nhạc bằng nhiều cách khác nhau tại nhà, tại quán, hay tại bến xe bến tàu, hoặc đôi khi chỉ là một buổi chiều tà. Tiếng nhạc rót qua tai bạn, làm cho bạn sững người bởi nó vốn là kỷ niệm của tình yêu đã cũ. Thế là bạn đã có một đôi quãng rời hiện tại để nhớ về cái gì đã qua. Lúc đó, âm nhạc đã trở thành một phương tiện để đưa người ta xa thực tại.

Tôi đã được hưởng những giây phút âm nhạc đưa tôi đến một cõi khác/ Ảnh minh họa
Tôi đã được hưởng những giây phút âm nhạc đưa tôi đến một cõi khác/ Ảnh minh họa

 Tôi đã được hưởng những giây phút âm nhạc đưa tôi đến một cõi khác, một cõi mà người ta có thể quay đầu lại nhìn nỗi buồn với một vẻ lạnh lùng, thờ ơ. Ở đây sướng quá, nhạc đã đưa ta đến một cõi phiêu diêu khác, việc gì phải buồn với những thứ làm cho mình đau. Và cái thời tiết, khốn thay, lại là phải của một mùa đông lạnh giá đến buốt đôi tay, hoặc một đêm xuân mà ở ngoài đường phố kia đang mưa lép nhép và ánh đèn vàng làm cho người ta thấy cần có nhau. Cái không gian và thời gian giá lạnh ở miền Bắc cực kỳ thích hợp với ngồi gần bên nhau, nghe nhạc và sưởi ấm bằng nhạc, và rượu, và một thứ tình ấm áp…

Tôi không ở ngoài đường. Tôi đang ở nơi có thể chứa chấp mình những lúc không thấy còn chỗ nào để nương náu. Mọi thứ ngoài kia bỗng dưng thật tẻ nhạt nếu như đã tới nơi này, đã được nếm và thưởng nhạc một lần, những lúc cô đơn lại muốn tìm tới như một chốn riêng bao dung sự cô quạnh.

Tới nhà Quách Đông Phương không chỉ yêu các tác phẩm của anh, mà còn yêu cách anh thưởng nhạc, chơi nhạc. Những thứ nhạc trở nên tuyệt diệu trong không gian của những bức tranh và các pho tượng cổ và cả chút men làm tôi bắt đầu thấy biêng biêng…

Có thể ta đã qua cái lứa tuổi dễ bị kích động hay cảm xúc bị chi phối. Những gì đã trải qua trong cuộc đời cũng đủ để bình thản giải quyết và đón nhận. Nhạc của những kẻ nổi loạn, đồng tính, dị tính mà cảm thấy cuồng, ngược lại, tính, sâu trong sự cuồng loạn, còn lại sự đồng cảm và thấu hiểu. Hay nhạc của kẻ qua đời ở tuổi 27 với những bế tắc trước cuộc sống, u uất, trầm cảm kéo dài… Vì sao một dị nhân trong phim Mad Max thản nhiên chơi guitar giữa một thế giới hỗn loạn; và để nghe họ hát về tình yêu “Hãy tiếp tục điên cuồng, bởi sự điên cuồng là cả thiên đường”… Ẩn giấu trong đó là những ngọn lửa bùng lên đầy quyến rũ của sự sống.

Cảm giác như mình đang ngồi trên đỉnh núi hoang vu, nghe tiếng nhạc từ đâu vọng tới, hoang hoải cả tâm hồn...
Cảm giác như mình đang ngồi trên đỉnh núi hoang vu, nghe tiếng nhạc từ đâu vọng tới, hoang hoải cả tâm hồn...

 Đã qua những tuần trà từ lâu, giờ chuyển sang rượu. Không có rượu “tây”, chỉ có rượu “ta”, các loại nếp, ngô, táo mèo, đủ hết và cái nào cũng đảm bảo chất lượng uống để “biêng biêng” chứ không phải uống để chết hay để say. Nhấp môi vào miệng chén bé xíu, thấy ngay một vị lạ cay nồng lan tỏa khắp các vị giác. Rượu gì vậy?

Họa sỹ họ Quách đủng đỉnh bảo: “À, rượu men lá của anh Lâm người rừng, uống nó không sợ hại, xong nhấp với cái trà này, sẽ thấy một vị rất lạ, trà cũng trà của Lâm đưa cho”. Ah, lại một nhân vật hay ho, ông Lâm biệt danh Lâm người rừng - thường cởi trần thiền trong cái lạnh âm độ trên dãy Fanxipang, người đã tìm được những vị thuốc đặc biệt do các tạng sư Tây Tạng truyền lại.

 Thế nên, khi ngồi trong một đêm mùa xuân, nghe nhạc từ Rock Metal, Pop Ballas, Blue… và cả Jazz, được nhấp nháp rượu lá Fanxipang, cảm giác như mình đang ngồi trên đỉnh núi hoang vu, nghe tiếng nhạc từ đâu vọng tới, hoang hoải cả tâm hồn và chợt thấy cảm thông với một Kurt Cobain trong những tháng ngày trầm cảm, hoảng loạn cho dù đang tuổi thanh xuân… Những tuần rượu vẫn nhẹ nhàng được chiết bằng cái bình gốm nhỏ. Tiếng nhạc giờ đây đã chuyển sang Jazz với chất giọng khàn đục qua đĩa than tưởng như nghe được cả tiếng lấy hơi của người ca sỹ da đen.

 Quách Đông Phương là một họa sỹ, nhắc tới anh, người ta hay nhớ tới các bức tranh có chủ đề “xếp hàng”, một phong cách đặc trưng của riêng Quách. Riêng tôi, rất ấn tượng với các bức tranh có bóng người lúi húi trên những cánh đồng vàng óng ả.

Và một bức tranh: “Sau giây phút chiến tranh”, vẽ một cánh rừng, dưới gốc cây, các đôi tình nhân đang tình tự. Bức tranh làm tôi xúc động, bởi sau tất cả, phút ái ân bên em vẫn là giờ phút đẹp nhất của những ngày chiến tranh, thời xưa, hẳn nó phải được giấu kín, nhưng trong tranh của Quách, cánh rừng, người lính, tình yêu đã vượt lên trên cả sự ghê sợ của chiến tranh.

Không những là họa sỹ, Quách cũng từng chơi nhạc. Thứ âm nhạc của anh, khi chếch choáng men say, Quách hát bài hát của The Door: Mà tôi nhớ loáng thoáng về những ngã tư đường…

15 năm trước, nhân một sự ngẫu hứng mà ban nhạc tự lập của Quách gồm các nghệ sỹ Cường Poong, Sơnx, Hùng 7667, Đào Anh Khánh đã ngẫu hứng thu âm một album mang tên: “Dân ca miền không biết” với khoảng 20 phút, trong đó anh đã hát lên những câu thơ của Phùng Cung ngạo nghễ, mạnh mẽ, và đầy cảm xúc. Có lẽ đó là thứ âm nhạc duy nhất không giống ai ở đất nước mình từ phong cách tới hình thức thể hiện và nội dung.

 ***

Một cuộc nhạc, rượu, bạn bè, qua biêng biêng, tới ngà ngà… Giờ đây có kẻ ngồi bó gối, kẻ nằm ngả người trên chiếc đệm thổ cẩm, kẻ rít tẩu, người trầm ngâm còn chủ nhà thì rít thuốc lào… mỗi người một trạng thái. Nhưng phê quá, phê bữa tiệc nhạc đêm nay, đêm mà nhờ có mùa xuân tụ hội anh em một năm được một lần và có khi bẵng đi đôi năm mới thấy được mặt nhau. “Mà Tết, thì phải nghe nhạc này”, anh lúi húi tìm trên giá đĩa.

Một cuộc nhạc, rượu, bạn bè, qua biêng biêng, tới ngà ngà…
Một cuộc nhạc, rượu, bạn bè, qua biêng biêng, tới ngà ngà…

Tất cả im ắng, chờ đợi, chắc hẳn sẽ có một giọng ca cực khủng cho đêm nay. Quả thật, một giọng xẩm khỏe khoắn vang lên, mà sau chất giọng đặc biệt của cụ Quách Thị Hồ, thì giọng ca này cũng thuộc hàng khủng bởi chất ngang tàng, khí phách bởi giọng ca lạ hiếm thấy nương theo tiếng phách đệm rất phức tạp và tinh tế cùng với đàn đáy và trống chầu tôn giọng ca thêm điêu luyện. Lặng nghe mà cảm được khí phách của người xưa, thấy được xuân cổ nhân như phảng phất đâu đây. Sau bài xẩm, là một bài chầu văn “Chầu cô đôi thượng ngàn”:

Dốc cao mặc dốc băng băng qua đèo, đèo còn xa.

Ánh trăng mở chiếu soi bên đồi cô đẹp làm sao…

Cô lên ngàn cô xuống núi, hú vang vang cả núi đồi, ơi rừng ơi núi ơi rừng ơi núi ơi ế ê ê ê ề….

Tiếng đàn nguyệt dập dìu làm rạo rực, khiến con người bỗng thấy hân hoan, muốn cùng múa, cùng hát, cùng “nhẩy đồng”. Người hát có một giọng ca đặc biệt, không “tròn, mượt” kiểu “mậu dịch”, mà đặc biệt cá tính. Một giọng chầu văn phi giới tính, “tưng tửng”, giọng rất mạnh, rất ngông. Không thể nói trong giọng ca có lửa, mà là có căn.

 Đêm quá khuya có lẽ là đã về sáng thì đúng hơn, giá là hồi xưa, thì chắc lại chuẩn bị vang đâu đây tiếng pháo lẻ hoặc rục rịch các nhà chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên khi chưa hóa vàng. Nhưng giờ, chỉ còn tịch mịch trong lành của buổi sớm mùa xuân. Kết thúc đêm bằng tiếng nhạc Đại Lâm Linh với tiếng nhạc ma mị cùng những lời hát mà như không hát, hay nói đúng hơn là dùng giọng của mình trở thành nhạc cụ, kể những câu chuyện của riêng mình. Đó là những “âm thanh miêu tả sự mỏng manh, thèm khát, sự cô đơn, hay bỡn cợt với mọi sự sống, chết”.

 Toàn những loại nhạc ít ai chịu nhiệt nổi và hình như cái gì tới chẳng tới lần thứ hai, cũng như quãng tuổi xuân của mỗi người một đi chẳng trở lại. Kết thúc một đêm xuân. Kết thúc một bữa tiệc rượu mãn nguyện. Cũng chẳng hẹn nhau bao giờ có buổi hội ngộ, mọi sự, tùy duyên!

codet hà nội

Mùa xuân trong Tân nhạc

Mùa xuân trong Tân nhạc

Ly rượu mừng, Mùa xuân đầu tiên, Gửi người em gái miền Nam có thể gọi là những ca khúc nhạc Xuân kinh điển nhất trong kho tàng âm nhạc Việt Nam