Cách nghe nhạc của dân chơi âm thanh

Thú chơi âm thanh là một thú chơi tốn kém nhưng trên hết, là thú chơi “vật vã” như chính những người chơi thừa nhận. Chính vì thế, cách nghe nhạc của người chơi âm thanh cũng độc đáo, và được gọi một cách suồng sã là “dị”. Nhưng nếu không độc, dị, thì làm gì còn là thú chơi?

Cái độc dị đầu tiên ở đây chính là từ cách chọn nguồn âm. Với dân chơi âm thanh, một khi đã lắp đặt được cho mình một bộ dàn tạm gọi là ổn, thì phải có nguồn nhạc đủ chất lượng để chơi. Có những người chơi chỉ chấp nhận được nguồn âm analog như đĩa nhựa, băng cối. Với họ, âm thanh từ những chiếc đĩa CD khô lạnh và không đủ chất lượng bởi ngay tên gọi đã chứng tỏ điều đó, CD là viết tắt của Compact Disc mà từ đầu tiên chính là nén lại.

Thậm chí, họ chấp nhận những tiếng xì xoẹt ở đĩa nhựa chỉ vì mê chất âm mộc mạc, nhừa nhựa của chất liệu. Với họ, dải trầm của đĩa nhựa hay còn gọi là đĩa than vô cùng đẹp, âm thanh lan tỏa, tiếng contrebasse khác hẳn với tiếng bass từ đàn guitar, tiếng kèn đồng không bị bí như ở CD.

Đối với dân chơi âm thanh, dải trầm của đĩa nhựa hay còn gọi là đĩa than vô cùng đẹp, âm thanh lan tỏa, không hề bị bí như CD.
Đối với dân chơi âm thanh, dải trầm của đĩa nhựa hay còn gọi là đĩa than vô cùng đẹp, âm thanh lan tỏa, không hề bị bí như CD.

Dân chơi âm thanh hay truyền nhau đĩa nhựa Tchaikovsky 1812 Ouverture thành đĩa thử bộ dàn, bởi tiếng đại bác trong đó là âm thanh thu trực tiếp, thành thử bộ dàn nào không thể hiện tốt có nghĩa là lại phải đầu tư. Với người mê âm thanh analog, hẳn nhiên đĩa nhựa là lựa chọn đầu tiên và duy nhất cho việc nghe nhạc giao hưởng hoặc đại hòa tấu.

Còn những người mê nhạc trữ tình, nhạc xưa hoặc hòa tấu đơn giản lại tìm đến âm thanh của băng cối. Với họ, tiếng trung của băng cối dày dặn, ấm áp, tuy dải tần bị hẹp chứ không rộng như đĩa nhựa. Những người mê nhạc xưa, nhất là dòng nhạc Sài Gòn trước năm 1975 thì luôn sưu tầm cho mình những chương trình băng cối cũ được thu lại, bởi băng gốc không còn nhiều và giá thì trên trời. Cứ sưu tầm và chờ đợi, đến khi có chương trình nét hơn thì lại sưu tầm tiếp.

Với người mê nhạc xưa, họ không bao giờ gọi nhạc vàng là bolero theo xu thế, cũng không gọi là nhạc vàng mà gọi bằng từ đầu tiên, như để gợi lại một thời xa vắng. Nhạc xưa với họ không phải là những ca khúc não tình theo phong cách Vinh Sử hết anh xa em vì em tham giàu, đến em bỏ xứ lấy chồng, mà là những ca khúc của Phạm Duy, Từ Công Phụng, Lam Phương, v.v.. Một điều khác biệt là dân chơi âm thanh ít mê nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly trừ Sơn Ca 7, họ lại thích nghe giọng ca của chính nhạc sỹ.

 Dân chơi âm thanh ít mê nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly trừ Sơn Ca 7, họ lại thích nghe giọng ca của chính nhạc sỹ.
 Dân chơi âm thanh ít mê nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly trừ Sơn Ca 7, họ lại thích nghe giọng ca của chính nhạc sỹ.

Thậm chí, có những người không thể nghe được cũng những ca sỹ ấy hát này, bởi khi ra đến nước ngoài, phong cách thay đổi và quan trọng là ca sỹ đã... già đi, không còn chất giọng khỏe khoắn như trong những bản thu bằng băng cối ấy nữa.

Cũng có những người chơi nguồn âm là băng cassette, nhưng không nhiều. Bởi so với băng cối thì băng cassette có chất lượng thấp hơn, do đó, cũng không được chú ý nhiều lắm.

Có người mê nguồn âm analog thì cũng có người mê nguồn âm digital, hẳn nhiên thế. Nguồn âm digital thì rõ ràng hợp với cuộc sống ngày hôm nay hơn ở tính tiện dụng và ở giá cả. Cùng một chương trình của một hãng thu âm, giá thành của CD bao giờ cũng rẻ nhất và tất nhiên, cũng được hưởng chất lượng tương đương của hãng. Tất nhiên, chất lượng của CD thì không thể so với đĩa nhựa, chính vì thế mà người ta đã cố nâng cấp thành HDCD, XRCD để chiều lòng những đôi tai khó tính.

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, người chơi âm thanh bắt đầu chuyển sang chơi âm thanh số với chất lượng cao hơn hẳn CD. Nếu như trước kia, một đĩa CD với dung lượng 800Mb chỉ cho ra một bài hát khoảng vài chục Mb, thì ngày nay với những server số, có những bài hát đã xấp xỉ 1Gb, đủ để giải hết các tín hiệu âm thanh đến tai người nghe. Xu hướng chơi nhạc số hiện nay cũng đang phổ biến trong giới chơi âm thanh với chất lượng khá tốt và tiện dụng.

Gu nghe nhạc của người chơi âm thanh, về cơ bản, cũng như những người khác, nghĩa là ai mê hùng ca vẫn mê, ai thích giao hưởng vẫn thích, ai thích nhạc trữ tình vẫn không thay đổi. Chỉ có điều, họ cần những chương trình nhạc ở chất lượng cao.

Gu chơi nhạc của giới chơi âm thanh không gì đặc biệt, chỉ có điều họ cần những chương trình nhạc ở chất lượng cao.
Gu chơi nhạc của giới chơi âm thanh không gì đặc biệt, chỉ có điều họ cần những chương trình nhạc ở chất lượng cao.

Chính vì thế, có những người cả đời không bao giờ nghe nhạc Jazz, bập vào chơi âm thanh lại trở nên mê dòng nhạc này đến cuồng nhiệt. Mà lý do đơn giản nhất chỉ là họ nghe ở những đĩa nhạc ấy được tiếng kèn phà phà như thổi trước mặt mình, tiếng ca sỹ nuốt nước bọt lấy hơi, hay tiếng búng của dây sắt đàn guitar.

Những âm thanh ấy, ở các chương trình nhạc quen thuộc thông dụng, họ không thể nghe được. Hoặc có những người không hề mê đờn ca tài tử, nhưng nghe đi nghe lại bài vọng cổ từ một đĩa nhạc do Thụy Điển thực hiện với những giọng ca không hề có tên tuổi, chỉ vì chất lượng âm thanh quá tuyệt vời. Với dân chơi âm thanh, những đĩa nhạc phổ thông với chất lượng âm thanh trung bình gần như không có chỗ đứng. Họ thà nghe những đĩa nhạc có chất lượng thu âm tốt do ca sỹ và ban nhạc không mấy tên tuổi biểu diễn còn hơn nghe theo cách ngược lại.

Chính vì thế, một số ca sỹ phòng trà tìm cách đi lên bằng con đường này, len lỏi vào dân chơi âm thanh. Không bán được nhiều CD cho dân chơi âm thanh, nhưng ngược lại, một khi dân chơi đã kết, thì sẵn sàng mua hết các sản phẩm của ca sỹ ấy, tham dự hết những đêm nhạc.

Những chiếc đĩa nhựa Tchaikovsky 1812 Ouverture thường được giới chơi âm thanh sử dụng để thử bộ dàn.
Những chiếc đĩa nhựa Tchaikovsky 1812 Ouverture thường được giới chơi âm thanh sử dụng để thử bộ dàn.

Có một thời gian, cứ đĩa CD nào có chữ audiophile là gây sốt trong giới chơi âm thanh, bởi chữ đó như một tem kiểm định cho chất lượng. Những chương trình nhạc ấy được hòa âm rất ấn tượng, đủ để người mới chơi thấy ngỡ ngàng, đủ để người bán thiết bị âm thanh thể hiện được chất của các thiết bị. Sau này, người chơi bắt đầu chuyển sang những đĩa nhạc khác, tự nhiên hơn, bởi những đĩa có mác audiophile ấy đều đem lại một màu âm như nhau trên các bộ dàn khác nhau.

Gần đây, để chiều lòng dân chơi âm thanh, một số nhà sản xuất phía Nam đã đầu tư máy móc thiết bị để chuẩn bị cho ra đời những sản phẩm đạt chuẩn audiophile, thậm chí lên tầm hi-end. Bởi nhiều người chơi âm thanh tâm sự, nghe mãi nhạc tây cũng oải vì có phải chương trình nào cũng thích đâu, có phải được học từ nhỏ đâu mà biết thẩm cái hay của nhạc giao hưởng, nên rất có nhu cầu nghe nhạc nội ở một mức âm thanh tốt. Tuy nhiên, mọi thử nghiệm ấy mới dừng lại ở mức độ trong cộng đồng, là bởi nhiều lý do mà không hẳn đã là từ kinh phí đầu tư.

Trong lúc ấy, người chơi âm thanh vẫn phải nghe các chương trình cũ, bởi với họ, chất lượng âm thanh vẫn là điều quan trọng nhất.

Thắng loa

Sự thoái trào của âm nhạc 'quái tính'

Sự thoái trào của âm nhạc 'quái tính'

Những đêm nhạc hầm hố với những gào thét, cuồng nhiệt cũng thưa thớt dần, thay vào đó người ta hướng đến những dòng nhạc gần gũi hơn, dung dị hơn.