Triển lãm Ảnh “Việt Nam – Bản sắc, Nhân văn và Hội nhập” tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Thụy Sĩ diễn ra từ ngày 30/6 đến 09/7/2025. Triển lãm do Văn phòng Cơ quan Thường trực về Nhân quyền phối hợp với Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và Văn phòng UNOG tổ chức. Diễn ra trong thời điểm Việt Nam đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026–2028. Bởi thế, mỗi khung hình được trưng bày không chỉ mang tính thẩm mỹ, mà còn là một dạng “ngôn ngữ chính trị” – ngôn ngữ của hình ảnh, của cảm xúc và sự thật đời sống.
![]() |
Triển lãm Ảnh “Việt Nam – Bản sắc, Nhân văn và Hội nhập” tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Thụy Sĩ |
Với hơn 70 bức ảnh trưng bày đã tạo nên hành trình thị giác đầy cảm xúc: từ thung lũng Mù Cang Chải rực vàng mùa lúa chín, vịnh Hạ Long sương mờ huyền ảo, đến phố cổ Hội An với những sắc màu rêu phong và lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc. Những gam màu ấy không chỉ là vẻ đẹp thị giác, mà còn là ký ức văn hóa được chưng cất qua thời gian, là thông điệp của sự đa dạng, hòa hợp và bền bỉ. Đặc biệt, những bức ảnh ghi lại sinh hoạt thường nhật của người dân từ miền xuôi đến vùng sâu, vùng xa – nơi các em nhỏ rạng rỡ trong lớp học miễn phí, người dân tộc thiểu số được chăm sóc y tế tại trạm xá, hay các lễ hội tín ngưỡng diễn ra trang nghiêm và sống động – đã phản ánh chân thực chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền cơ bản cho mọi công dân.
![]() |
Những bức ảnh ghi lại sinh hoạt thường nhật của người dân từ miền xuôi đến vùng sâu, vùng xa của Việt Nam |
Chia sẻ tại triển lãm ông Alain Jourdan - Ủy viên Hiệp hội phóng viên LHQ - cho rằng: " những sự kiện như thế này là minh chứng cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động của hệ thống đa phương. Trước tình hình thế giới có nhiều bất ổn hiện nay, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia bảo vệ hệ thống đa phương và chứng minh tầm quan trọng của những nơi như Geneva, một địa điểm quan trọng cho việc đối thoại, trao đổi hiểu biết về các nền văn hóa và cả những sự khác biệt để qua đó góp phần thúc đẩy hòa bình"
![]() |
Triển lãm nhận được nhiều sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế |
Điểm đặc biệt của triển lãm là cách Việt Nam chọn thể hiện nhân quyền không bằng những diễn văn khô khan, mà qua những câu chuyện đời thường: trẻ nhỏ trong lớp học vùng cao, cụ già đi lễ chùa, người phụ nữ dân tộc nở nụ cười khi nhận được chăm sóc y tế. Đó là nhân quyền trong hành động – cụ thể, thiết thực và gắn liền với con người. Triển lãm cũng mở ra cơ hội để Việt Nam thể hiện một hình ảnh mới trên trường quốc tế: hội nhập sâu rộng, giữ gìn bản sắc, chủ động đóng góp vào những giá trị chung của thế giới – từ văn hóa, phát triển bền vững đến nhân quyền và hòa bình.
Giữa không gian trang trọng của Palais des Nations, triển lãm ảnh lần này là minh chứng cho sức mạnh mềm của Việt Nam – một quốc gia biết mình là ai và kiên định bước đi trên con đường hội nhập bằng bản sắc và tinh thần nhân văn.
Bình đẳng giới trong chính trị: Động lực phát triển thị trường lao động
Việc thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị là một yếu tố then chốt đối với sự thịnh vượng kinh tế của mỗi quốc gia.