Nhạc Việt 10 năm nhìn lại: Khi Youtube và Facebook thành sân chơi chính

Khoảng 10 năm nay với sự xuất hiện của internet với các thiết bị công nghệ số đã khiến âm nhạc Việt có sự thay đổi đáng kể

Những thay đổi...

Trong bài phỏng vấn ngày 23/7/2018, ca sỹ Lam Trường có chia sẻ với Zing: “Thời tôi nổi tiếng, chưa có internet và công nghệ như bây giờ, chưa có chuyện cày view. Nếu ngày đó mà fan tôi cày view thì không biết lên con số thế nào nhưng chắc sẽ khủng khiếp lắm.”

Nếu như trước đây, để đưa được sản phẩm âm nhạc đến được với khán giả, ca sĩ phải mất rất nhiều công sức vì thời đó ngoài các đêm nhạc trực tiếp thì hầu như chỉ có hai kênh phân phối chính là Truyền hình và băng đĩa. Giờ đây, mọi chuyện dễ hơn nhiều với sự xuất hiện của Youtube, các video âm nhạc của các ca sĩ đến với khán giả một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn không còn cần đến các kênh phân phối cũ.

Thời kì cuối những năm 90, đầu 2000, âm nhạc Việt không có quá nhiều sân chơi nhưng lại để lại nhiều những gương mặt nghệ sĩ nổi bật về tài năng (Ảnh: PhươngNamFilm)
Thời kì cuối những năm 90, đầu 2000, âm nhạc Việt không có quá nhiều sân chơi nhưng lại để lại nhiều những gương mặt nghệ sĩ nổi bật về tài năng (Ảnh: PhươngNamFilm)

So với việc phải bỏ tiền mua vé xem ca nhạc, hay mua băng đĩa, hoặc xem thụ động qua TV, thì có lẽ giờ đây, chỉ với một cú click chuột, việc khán giả tiếp cận một sản phẩm âm nhạc đã trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn rất nhiều. Đây là một trong những ưu thế nổi bật của thời đại công nghệ số đối với nền âm nhạc.

Một lợi thế nữa là nghệ sĩ có thể hoàn toàn chủ động trong việc đăng tải sản phẩm của mình. Cơ bản là chỉ cần có internet và tuân thủ đúng luật về bản quyền thì người dùng có thể đăng tải sản phẩm âm nhạc của mình bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, hoàn toàn không phải chờ đợi hay phải vướng nhiều thủ tục như trước.

So với việc phải bỏ tiền mua vé xem ca nhạc, hay mua băng đĩa, hoặc xem thụ động qua TV, thì có lẽ giờ đây, chỉ với một cú click chuột, việc khán giả tiếp cận một sản phẩm âm nhạc đã trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn rất nhiều. Đây là một trong những ưu thế nổi bật của thời đại công nghệ số đối với nền âm nhạc.

Ngoài ra với "kỉ nguyên Facebook (Mạng xã hội lớn nhất và thông dụng nhất thời đại ngày nay)", việc các nghệ sĩ kết nối với người hâm mộ, chia sẻ sản phẩm âm nhạc hay cập nhật thông tin thần tượng gần như là ngay lập tức đến được với khán giả, việc giao lưu và tương tác cũng khiến khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả cũng trở nên gần gũi hơn.

Tất cả các MV của ca sỹ Sơn tùng đều đạt mốc hàng triệu view, thậm chí hàng trăm triệu view (Ảnh: Thethaovanhoa)
Tất cả các MV của ca sỹ Sơn tùng đều đạt mốc hàng triệu view, thậm chí hàng trăm triệu view (Ảnh: Thethaovanhoa)

Hơn thế nữa, hiện nay khi Youtube và Facebook cũng có thể trở thành một kênh kinh doanh nếu người dùng có thật nhiều người theo dõi và ủng hộ, từ đó cũng giúp cho nghệ sĩ có thể có được một nguồn thu nhập đáng kể dựa trên các bài quảng cáo hay trở thành đại diện thương hiệu, hình ảnh cho một nhãn hàng, doanh nghiệp nào đó, khiến cho sức hấp dẫn của Youtube và Facebook vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt trong suốt cả thập kỉ qua.

Từ đó, việc khán giả thể hiện tình cảm và sự yêu mến với thần tượng của mình cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Và đặc biệt là hiệu quả của sản phẩm sẽ gần như được biết ngay lập tức qua số lượng lượt view (xem), like (thích) và share (chia sẻ), thậm chí các dòng comment (bình luận) của khán giả để lại cũng giúp nghệ sĩ dễ dàng biết được mức độ yêu thích hay chê bai, phản đối với sản phẩm của mình là như thế nào để có những sự thay đổi hoặc điều chỉnh cho phù hợp với cộng đồng hơn.

Những hệ lụy

Tuy nhiên, với quá nhiều ưu điểm thì không có nghĩa Công nghệ số với Youtube và Fanpage có thể trở thành thiên đường cho âm nhạc phát triển. Thực tế thì đây lại chính là con dao hai lưỡi mà mỗi nghệ sĩ, thậm chí cả khán giả, cho nên điều càn thiết phải rất tỉnh táo để không rơi vào "cái bẫy của chính mình".

Khi mà những con về về view, like, share, comment trở thành thước đo cho hiệu quả của sản phẩm thì việc một nghệ sĩ dễ sa đà vào việc đi "làm hài lòng" một bộ phận khán giả càng đông càng tốt, thay vì tập trung cho bản sắc và cá tính âm nhạc riêng biệt của mình.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các sản phẩm âm nhạc quá dị biệt với số đông sẽ khó tìm được chỗ đứng và cũng khó khăn hơn trong việc chinh phục khán giả, tất nhiên trừ một số trường hợp quá nổi bật và có khả năng trở thành người tiên phong của một con đường âm nhạc mới như Lê Cát Trọng Lý, Da Lab, Ngọt...

Lê Cát Trọng Lý - một trong những nghệ sỹ tiên phong cho dòng nhạc Indie (Âm nhạc độc lập) tại Việt Nam (Ảnh: thethaovanhoa)
Lê Cát Trọng Lý - một trong những nghệ sỹ tiên phong cho dòng nhạc Indie (Âm nhạc độc lập) tại Việt Nam (Ảnh: thethaovanhoa)

Không chỉ vậy, quyền lực ngày càng lớn của Youtube và Facebook trong 10 năm qua gần đây khiến nền âm nhạc Việt xuất hiện nhiều "hiện tượng âm nhạc kỳ lạ". Dựa vào việc giỏi nắm bắt tâm lý đám đông, họ luôn có những phát ngôn hoặc những sản phẩm âm nhạc thu hút sự chú ý của khán giả bằng mọi cách, thậm chí dùng tới cả những "chiêu" phản cảm và lố.

Một hiện tượng khác gần nhất có thể kể đến là ca sĩ "triệu view" Hoa Vinh, từ chàng trai mê hát hò có vài nghìn fan ở một ứng dụng livestream trên điện thoại, Hoa Vinh biến thành một "hiện tượng livestream" có cả triệu người xem trên Facebook chỉ sau 1 đêm. Thực tế xét về năng lực, giọng hát của Hoa Vinh không xuất sắc, thuộc hàng "bán chuyên nghiệp", nhưng anh thu hút khán giả nhờ khả năng giao tiếp tốt khi giao lưu trực tuyến, những phát ngôn cá tính, lại chiều fan với những ca khúc được nhiều người yêu thích, nên số lượng người hâm mộ và theo dõi anh ngày càng đông.

Cũng giống như trước đây chúng ta có những hiện tượng âm nhạc "kì khôi" như Lệ Rơi, Linh ka... khiến người yêu nhạc thực sự chỉ biết "dở khóc dở cười".

Hoa Vinh từ ca sĩ triệu view trên Facebook đã đường hoàng bước lên sân khấu chuyên nghiệp (Ảnh: Zing)
Hoa Vinh từ ca sĩ triệu view trên Facebook đã đường hoàng bước lên sân khấu chuyên nghiệp (Ảnh: Zing)

Sự xuất hiện và bùng nổ của Facebook cũng tạo nên tình trạng đáng báo động về văn hóa ứng xử giữa các cộng đồng fan. Cư dân mạng Việt Nam có một khái niệm mới mang tên “anh hùng bàn phím” để ám chỉ những con người ở ngoài đời thực thì rất hiền lành và ít nói nhưng trở nên rất hung hăng trên mạng xã hội. Với âm nhạc, điều này sẽ làm gia tăng sự tranh cãi giữa các cộng đồng fan, đôi khi chỉ bởi một dòng comment rất nhỏ.

Người viết đã từng chứng kiến có nhiều tranh cãi dữ dội giữa các cộng đồng fan như fan Mỹ Tâm dislike một loạt clip thi đấu của team Thu Phương ở The Voice 2015 vì Thu Phương với sự khéo nói của mình đã giành được nhiều thí sinh tiềm năng từ tay Mỹ Tâm. Hay sự tranh cãi giữa fan của ca sỹ Hà Hồ với ca sỹ Lệ Quyên, rồi cũng Hà Hồ với diễn viên Minh Hằng (trong vụ việc Minh Hằng Hằng tố Hà Hồ chèn ép không cho Minh Hằng ngồi ghế nóng The Face mùa 2).

Những sự tranh cãi này sẽ ngày càng dai dẳng và có nguy cơ leo thang nếu các thần tượng không đứng ra trực tiếp giải quyết bằng tâm thư hay họp mặt trực tiếp để "làm công tác tư tưởng". Điều này tạo nên một sự hỗn độn, khó quản lý ở một số cộng đồng fan, làm xấu đi văn hóa ứng xử giữa các fan cũng như của các ca sĩ với nhau.

Và cuối cùng chuyện những fan kiểu “anh hùng bàn phím” này vô tình tạo ra những fan ảo. Tức là họ có thể thể hiện tình yêu mãnh liệt với thần tượng trên Facebook nhưng khi bước ra ngoài đời thực và cần thể hiện tình yêu với thần tượng bằng các hành động cụ thể như mua CD của thần tượng, bỏ tiền mua vé xem liveshow của thần tượng lại là câu chuyện khác. Nó không dễ như ngồi nhà "cày view" trên Youtube hay làm "anh hùng bàn phím" trên Fanpage.

Đó là lý do mà các ca sĩ trẻ ngày này dễ dàng có những clip trăm triệu view trên Youtube đè bẹp bất cứ cây đa cây đề nào của Vpop, thậm chí cạnh tranh với bất kỳ MV ca nhạc nào phát hành trong ngày của các ngôi sao trên thế giới. Đôi khi những con số "ảo" này khiến các ca sỹ trẻ dễ bị "ngủ quên", và khó xác định được vị trí của mình đang nằm ở đâu trong thị trường âm nhạc.

        Lệ Rơi từ một người nông dân bán ổi phút chốc trở thành
Lệ Rơi từ một người nông dân bán ổi phút chốc trở thành "ca sỹ" (Ảnh: Zing)

Thêm một hệ lụy nữa là khi các sản phẩm âm nhạc được đăng tải tràn lan trên Internet, thì cũng đồng nghĩa với các vấn đề về tác quyền, bản quyền cũng không còn được kiểm soát chặt chẽ như trước, hiện tượng "đánh cắp tác phẩm" trên internet hoàn toàn là một điều rất dễ xảy ra. Cho nên trong những năm gần đây, cả Facebook và Youtube đều có những động thái thắt chặt hơn về bản quyền để bảo vệ các nghệ sỹ.

Hơn nữa việc cạnh tranh về like, view cũng khiến một số ca sỹ trẻ bất chấp tất cả để có những "con số khủng", và đây cũng là thời điểm hấp dẫn để các hacker (những chuyên gia về Internet có khả năng điều khiển các dữ liệu máy tính) làm việc, bất chấp niềm tin của khán giả và người hâm mộ.

Cuối cùng, xin được phép mượn lời Lam Trường trong bài phỏng vấn với Zing đã đề cập ở đầu bài viết để thay cho lời kết:

Một số bạn cũng đặt câu hỏi và không biết làm gì với con số 100 triệu view của ca sĩ trẻ, làm sao để đạt được, làm sao để khán giả yêu thích mình hơn. Vì thế sẽ rơi vào cảm giác bối rối, lo lắng, áp lực và trầm cảm.

Tôi nghĩ điều đó không phải là thước đo để đánh giá ca sĩ ở tầm như chúng tôi bởi vì về lượng view thì khó nói. Công nghệ do con người làm ra và đều có thể tác động được. Fans của tôi đa phần là trưởng thành, dành tình cảm không ồn ào.

Số lượng view nó thể hiện diện mạo âm nhạc rất hay, tích cực, sôi nổi của giới trẻ, bên cạnh đó cũng có những gam màu khác khiến cho âm nhạc nhiều màu sắc hơn. Các bạn trẻ đang được hưởng vinh quang thì tôi mừng cho các bạn nhưng nên nhớ còn cả con đường dài để đi. Làm sao đến khi 30, 40 tuổi khán giả vẫn coi trọng và đánh giá cao cống hiến của bạn mới là điều đáng quý.

(Theo Đời sống & Pháp Lý)

Lan Anh

Sơn Tùng MTP: Khi âm nhạc không còn là cuộc chơi hồn nhiên

Sơn Tùng MTP: Khi âm nhạc không còn là cuộc chơi hồn nhiên

Và từng bước một, Sơn Tùng chứng minh cho công chúng biết rằng, sự thành công của mình không hề chỉ dựa vào sự may mắn…