Nữ biên kịch trẻ Nguyệt Trang: Từ tay ngang đến tác giả của hơn 1.000 tập phim truyền hình

Từ sinh viên báo chí đến nhà biên kịch tạo dấu ấn với hàng ngàn tập phim, biên kịch trẻ Nguyệt Trang mang khát vọng truyền nghề, tiếp lửa đam mê cho thế hệ trẻ.

Khởi điểm từ một sinh viên báo chí, cô đã có một quyết định táo bạo khi rẽ hướng sang nghề biên kịch, một lối đi thoạt nhìn tưởng như chỉ là "tay trái" nhưng lại dẫn lối đến những thành công vang dội. Minh chứng rõ nét nhất là gia tài hơn 1.000 tập phim đồ sộ, trải dài từ những bộ sitcom hài hước, những bộ phim truyền hình khung giờ vàng đầy kịch tính, cho đến các chương trình thực tế sống động và MV ca nhạc cuốn hút, trong đó không thể không kể đến hiện tượng "Dâu Tây Đón Tết" đã bất ngờ gây "sốt" trên nhiều kênh truyền hình lớn như VTV, Lady TV, SCTV.

Không chỉ dừng lại ở vai trò "linh hồn" của kịch bản, Nguyệt Trang từng bước mở rộng ảnh hưởng của mình, lấn sân sang các vị trí quan trọng khác trong guồng quay sản xuất phim. Cô chứng tỏ bản lĩnh đa tài khi đảm nhiệm từ phó đạo diễn, giám đốc sáng tạo cho đến nhà sản xuất chương trình, góp phần định hình tổng thể tác phẩm.

Khán giả còn yêu mến Nguyệt Trang qua loạt chương trình truyền hình gắn liền với tuổi thơ như "Xúc Xắc Xúc Xẻ", "Ô Cửa Trái Tim", hay các sản phẩm âm nhạc hợp tác cùng những tên tuổi quen thuộc như Miko Lan Trinh, Thanh Trúc, K-ICM.

Những nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ ấy đã được đền đáp xứng đáng bằng loạt giải thưởng và đề cử uy tín như Liên hoan phim truyền hình toàn quốc (2020), giải Top 1 rating cả nước cho "Hoa Hồng Cho Sớm Mai", Top 5 Mai Vàng với "Bẫy", cùng các đề cử Cánh Diều Vàng, Ngôi Sao Xanh, khẳng định vị thế và tài năng của cô trong lòng khán giả lẫn giới chuyên môn.

Không chỉ cống hiến hết mình cho nghệ thuật, Nguyệt Trang còn ấp ủ một tâm huyết lớn lao với cộng đồng và thế hệ kế cận. Song song với công việc biên kịch đầy bận rộn, cô đã sáng lập đội nhóm "Biên Kịch Vui Vẻ" với mong muốn hỗ trợ, kết nối và trở thành cầu nối phân phối kịch bản đến các nhà sản xuất, đài truyền hình.

Không chỉ là người truyền cảm hứng qua các video chia sẻ nghề biên kịch trên mạng xã hội, Nguyệt Trang còn thường xuyên tham gia các buổi workshop, hướng nghiệp miễn phí dành cho sinh viên, ươm mầm đam mê cho những tài năng trẻ. Hiện tại, với khao khát lan tỏa tri thức và kinh nghiệm, cô đang miệt mài theo học văn bằng sư phạm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành giảng viên ngành biên kịch, để tiếp tục dẫn dắt và thắp lửa cho những thế hệ kể chuyện mới của nền điện ảnh Việt Nam.

Cùng Tạp chí Phụ nữ Mới trò chuyện với cô nàng thú vị này để hiểu hơn về nghề biên kịch và thị trường của nghề này cùng nữ biên kịch trẻ Nguyệt Trang.

Nữ biên kịch trẻ 9x Nguyệt Trang. 
Nữ biên kịch trẻ 9x Nguyệt Trang. 

Phóng viên: Chào chị Nguyệt Trang, nhìn vào sự nghiệp biên kịch đồ sộ của chị, nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết chị khởi điểm từ ngành báo chí. Điều gì đã thôi thúc chị từ bỏ con đường báo chí để rẽ sang một lối đi thoạt nhìn còn khá mơ hồ như biên kịch? Liệu quyết định này có phải là một sự mạo hiểm lớn ở thời điểm đó?

Biên kịch Nguyệt Trang: Chào bạn, thực ra, hành trình tôi đến với nghề biên kịch là một chuỗi những sự tình cờ thú vị. Vốn dĩ, nền tảng của tôi là ngành báo chí. Tôi làm chương trình, viết kịch bản, làm nội dung, nên việc chuyển sang viết kịch bản phim thoạt đầu có vẻ khá thuận lợi về mặt căn bản, vì đều xoay quanh nội dung.

Nhiều người nghĩ đó chỉ là một sự chuyển hướng nhẹ nhàng. Nhưng khi thực sự bước vào nghề, tôi nhận ra biên kịch có những "luật chơi" riêng, những kiến thức chuyên biệt mà mình buộc phải học hỏi. Tôi có nền tảng kiến thức xã hội và khả năng phản biện, nhưng để trở thành một biên kịch chuyên nghiệp và sống được với nghề thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Quyết định này ở thời điểm đó đúng là một sự mạo hiểm lớn. Con đường biên kịch không giống như báo chí, nơi có lộ trình rõ ràng và minh bạch. Lúc tôi mới bước chân vào, mọi thứ đều mù mờ. Ngay cả bây giờ, nhiều bạn trẻ nhắn tin hỏi tôi muốn làm biên kịch nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Không có một ngành học chính thức về biên kịch ở bậc đại học, nó chỉ là một môn học nhỏ trong các khoa sân khấu điện ảnh. Điều này tạo ra một khó khăn lớn: thị trường lao động cần biên kịch, nhưng không có con đường đào tạo chính thống để dẫn dắt những người muốn theo nghề.

Phóng viên: Vậy, trong bối cảnh con đường đào tạo biên kịch chưa rõ ràng như chị vừa chia sẻ, làm thế nào chị tìm thấy những người thầy, những cơ hội đầu tiên để mài giũa kỹ năng và định hình bản thân trong nghề? 

Biên kịch Nguyệt Trang: Hầu hết các khóa biên kịch bên ngoài đều do các đạo diễn, diễn viên có kinh nghiệm đứng lớp. Tôi từng đi học nhiều khóa như vậy. Học xong, bạn có thể biết viết kịch bản, có chứng nhận đã tham gia khóa học, nhưng rồi bạn sẽ cầm kịch bản đó đi đâu, ai sẽ dẫn dắt bạn, ai sẽ giới thiệu bạn vào các dự án? Thực tế, không có ai có trách nhiệm phải dẫn dắt bạn cả. Nếu không có những mối quan hệ sẵn có, bạn sẽ phải tự bươn chải.

Tôi may mắn có được một sự tình cờ đặc biệt. Mọi chuyện bắt đầu khi một người bạn nhờ tôi làm một kịch bản bị bỏ dở của công ty mà cô ấy đang điều hành, đó là một công ty chuyên về phim. Qua vài lần hợp tác với vài trò "chữa cháy" viết kịch bản phụ giúp bạn từ từ tôi chính thức bước chân vào công ty chuyên làm phim của hai nhà biên kịch rất nỗi tiếng tại TP.HCM, chính họ là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của tôi trong nghề này. Tôi may mắn khi được những người có nghề chỉ dạy, được đào tạo bài bản và vừa giao việc thực tế ngay lập tức, là viết kịch bản phim truyền hình.

Biên kịch là phải viết từ đầu đến cuối, bao quát toàn bộ cốt truyện, nhân vật, và các tình tiết. Toàn bộ sản phẩm đều là của mình. Giống như nhà văn tạo ra một cuốn sách, biên kịch tạo ra một bộ phim – chỉ khác ở chỗ, ngôn ngữ của nhà văn bay bổng qua các trang viết, còn ngôn ngữ của biên kịch là để bấm máy quay, để hình dung ra từng cảnh. Ban đầu, tôi chưa định hình được rõ ràng về biên kịch, nhưng càng làm càng thích, càng đam mê.

Biên kịch trẻ Nguyệt Trang chia sẻ kinh nghiệm với rất nhiều bạn trẻ yêu thích nghề biên kịch.
Biên kịch trẻ Nguyệt Trang chia sẻ kinh nghiệm với rất nhiều bạn trẻ yêu thích nghề biên kịch.

Phóng viên: Với gia tài hơn 1.000 tập phim, từ sitcom đến phim truyền hình khung giờ vàng, chắc hẳn chị đã trải qua nhiều giai đoạn thử thách và đôi khi là sự lặp lại trong công việc. Điều gì đã giúp chị vượt qua những áp lực đó và duy trì ngọn lửa sáng tạo không ngừng nghỉ?

Biên kịch Nguyệt Trang: Có những giai đoạn tôi bị căng thẳng với công việc cũ, nơi các chương trình cứ lặp đi lặp lại. Tôi là người không thích sự nhàm chán, luôn muốn có gì đó mới mẻ, thử thách để vượt qua. Vậy nên, tôi quyết định rẽ hướng. Tôi từng chỉ dành ba năm cho truyền hình, và trong ba năm đó, tôi đã bắt đầu "mê phim" hơn. Tôi nhận ra khi một chương trình truyền hình đã ổn định, tôi không còn cảm thấy có gì mới mẻ để sáng tạo nữa.

Sau đó, tôi chuyển sang làm tự do. Tôi không còn làm cố định cho công ty nào nữa, mà trở thành một biên kịch tự do, tự sáng tác kịch bản và bán chúng. Biên kịch là một nghề không phải lúc nào cũng đủ sống cho tất cả mọi người trên thị trường này. Tôi từng chứng kiến nhiều đồng nghiệp, kể cả những người rất thành công, cuối cùng cũng phải bỏ nghề vì tài chính.

Một kịch bản phim không có giá cố định, nó phụ thuộc vào mức độ đầu tư của dự án, thể loại, thời lượng, số tập và cả mối quan hệ của biên kịch. Những kịch bản đầu tiên của tôi, 45 phút chỉ được vài trăm ngàn. Bây giờ thì giá đã tốt hơn, có thể lên đến vài triệu, hoặc thậm chí phụ thuộc vào tên tuổi của biên kịch.

Thời gian để hoàn thành một kịch bản phim truyền hình dài tập, trung bình khoảng ba mươi tập, có thể mất từ ba đến sáu tháng nếu không tính thời gian lên ý tưởng ban đầu. Cảm hứng sáng tác đến từ mọi chất liệu xung quanh tôi: từ những câu chuyện được nghe, được thấy, cho đến những trải nghiệm cá nhân.

Vì vậy, người ta thường nói rằng khi xem một bộ phim của một biên kịch nào đó, bạn sẽ cảm nhận được thế giới quan của họ. Kịch bản của tôi cũng trưởng thành theo thời gian và trải nghiệm. Lúc mới vào nghề, tôi nhìn thế giới màu hồng, kịch bản đơn giản. Càng trải qua nhiều thăng trầm, thế giới quan của tôi càng sâu sắc hơn, và điều đó được truyền tải vào từng tác phẩm.

Đa phần, mọi người xem phim của tôi đều nhận xét là "dễ thương, dễ chịu", mang tính "chữa lành". Dù vẫn có bi kịch, vẫn có cảm xúc lên xuống, nhưng tôi luôn mong muốn khán giả xem xong sẽ cảm thấy yêu đời hơn, thấy rằng dù gặp nhiều khó khăn, nếu cống hiến hết mình, điều tốt đẹp cuối cùng sẽ đến. Tôi muốn tạo nên một thế giới mà những câu chuyện đầy tính nhân văn, giúp người xem tin rằng chỉ cần sống tốt, sống đàng hoàng thì mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.

Phóng viên: Chị có chia sẻ rằng thị trường biên kịch hiện nay đang cực kỳ thiếu người giỏi. Vậy theo chị, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này và liệu trí tuệ nhân tạo (AI) có phải là giải pháp, hay ngược lại, là mối đe dọa cho nghề biên kịch trong tương lai?

Biên kịch Nguyệt Trang: Về thị trường biên kịch phim ảnh hiện nay, tôi phải nói đây là tin vui nhưng cũng là nỗi lo: ngành này đang cực kỳ thiếu người. Việt Nam thiếu biên kịch giỏi, thiếu những tác phẩm hay. Lý do chính là thiếu nguồn lực đào tạo chính thống và thiếu người dẫn dắt. Đa phần những người đến với nghề biên kịch thường là "rẽ ngang", coi đây là nghề tay trái. Họ thiếu sự định hướng, không biết con đường đi cụ thể như thế nào.

Khi AI bắt đầu bùng nổ, nhiều người trong ngành biên kịch lo sợ bị thay thế. Tôi cũng đã thử nghiệm AI để viết kịch bản. Nhưng sau khi thử nghiệm, tôi nhận ra rằng AI vẫn không thể thay thế được con người. Bởi vì kịch bản là thứ được viết bằng cảm xúc, và AI – là một cỗ máy – không thể có cảm xúc hay trải nghiệm thực tế. Nó có thể tạo ra câu từ chỉnh chu, thu thập thông tin rất gọn gàng, nhưng không bao giờ thay thế được cảm xúc hay biến một bản minh họa thành một tác phẩm có hồn.

AI là một người bạn lắng nghe và một công cụ cực kỳ thông minh. Thay vì phải lên Google tìm hiểu luật pháp hay gặp luật sư để hiểu về các vụ án cho kịch bản điều tra, tôi có thể đưa tình huống cho AI và nó sẽ giải đáp chính xác theo Hiến pháp Việt Nam. Hoặc khi nghiên cứu về một môn thể thao, AI có thể cung cấp thông tin chuyên sâu mà tôi không cần phải đi tìm vận động viên chuyên nghiệp.

Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, tôi luôn khuyên các bạn trẻ: nếu thực sự yêu biên kịch, hãy dùng não của mình để viết. Đừng lười biếng phó thác hoàn toàn cho AI. AI không thể làm những thứ không phải vai trò của nó. Những gì xuất phát từ tim và từ não thì AI mãi mãi không thay thế được. AI là công cụ, là người bạn, hãy tận dụng nó đúng chỗ.

Biên kịch Nguyệt Trang từng thành công với rất nhiều vai trò khác nhau. 
Biên kịch Nguyệt Trang từng thành công với rất nhiều vai trò khác nhau. 

Phóng viên: Rõ ràng, biên kịch là linh hồn của một tác phẩm, nhưng ở Việt Nam, vị trí này dường như chưa được đánh giá đúng mức so với đạo diễn hay diễn viên. Với khao khát lan tỏa tri thức và đam mê, chị đang theo học văn bằng sư phạm để trở thành giảng viên ngành biên kịch. Chị hình dung vai trò của mình trong việc "dẫn dắt" thế hệ trẻ sẽ như thế nào, và chị mong muốn điều gì ở thị trường biên kịch Việt Nam trong tương lai?

Biên kịch Nguyệt Trang: Ngành biên kịch ở Việt Nam chưa có ngành học chính thống. Trong khi đó, ở Trung Quốc, Hàn Quốc, biên kịch là một vị trí được nhắc đến đầu tiên khi nói về một dự án phim lớn, ngang tầm với đạo diễn và diễn viên. Ở Việt Nam, chúng ta thường chỉ biết đến đạo diễn và diễn viên, ít khi biết biên kịch của một bộ phim. Nhưng biên kịch mới chính là linh hồn của tác phẩm.

Vậy thì, nếu muốn dấn thân vào con đường biên kịch, bước đầu tiên vẫn là đi học. Bạn buộc phải có kiến thức. Các trường đại học có ngành truyền thông, điện ảnh thường có môn biên kịch. Hoặc có thể tham gia các khóa biên kịch ở các trung tâm điện ảnh, do những cá nhân có kinh nghiệm mở ra. Đó là bước đầu tiên để có kiến thức về nghề. Bước thứ hai là tự thân vận động.

Sau khi có kiến thức, bạn phải tự mình tìm cách bán kịch bản, kiếm mối quan hệ, tìm kiếm công ty, đạo diễn, nhà sản xuất để tác phẩm của mình được hiện thực hóa. Đây là bước mà đa phần các bạn trẻ bị "gãy", không biết tìm ai, bắt đầu từ đâu. Để an toàn nhất, tôi thường khuyên các bạn nên thử sức ở các công ty truyền thông, sản xuất chương trình truyền hình để xây dựng dần các mối quan hệ.

Tôi nhận ra rằng kiến thức mình học được, mình nhận được một cách "free" từ người thầy đầu tiên, thì mình cũng nên "cho đi". Vì việc bắt đầu với biên kịch đã khó khăn rồi, lại còn bị cản trở bởi chi phí ban đầu. Tôi muốn giúp những người đó có cơ hội học hỏi mà không bị rào cản tài chính. Tôi mở kênh TikTok để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, và nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các bạn trẻ. Nhưng sau khi tương tác, tôi nhận ra tất cả các bạn đều có chung một nỗi lo: "Chị ơi, em đi theo nghề này có sống được không? Em có tác phẩm rồi thì sao nữa?"

Tất cả những bế tắc đó đều nằm ở con đường đi ra và cách để thực sự sống được với nghề. Học và sống là hai điều khác nhau. Dần dần, tôi nhận ra mình không chỉ muốn chia sẻ kiến thức mà còn muốn trở thành người dẫn dắt những bạn trẻ thực sự muốn làm nghề. Tôi không giấu nghề, muốn mở ra những gì mình đã nhận được. Và khi mở ra rồi, tôi lại thấy các bạn còn thiếu người dẫn dắt. Việc dẫn dắt một người để họ thực sự trở thành một biên kịch và sống được với nghề là một bài toán rất dài và khó. Nó đòi hỏi sự kiên trì, công sức và cả tiền bạc từ cả hai phía.

Thị trường biên kịch hiện nay đang rất "khát" những người có năng lực, có nhiệt huyết, nhưng lại thiếu con đường để họ phát triển và ở lại với nghề. Để trở thành một biên kịch giỏi và cống hiến được cho ngành, cần rất nhiều thời gian và công sức. Tôi đã từng "open" hết lòng, sẵn sàng ngồi cà phê, hướng dẫn các bạn từng chút một, giao bài tập, đưa kịch bản cho các bạn viết. Tôi muốn các bạn không phải mất thời gian lâu như tôi trước đây để "đặt tiền vô chóng mặt" mới biết viết. Mục tiêu cuối cùng là giúp các bạn trẻ thực sự sống được với niềm đam mê biên kịch của mình.

Viên Viên

Phim Hàn gây sốc vì dùng 'đạo cụ 18+', netizen sửng sốt 'biên kịch điên rồi'

Phim Hàn gây sốc vì dùng "đạo cụ 18+", netizen sửng sốt "biên kịch điên rồi"

Cảnh quay minh chứng cho câu nói "biên kịch dám viết, đạo diễn dám quay và diễn viên dám diễn".