Vì sao Bolero trường tồn, nhạc trẻ nhanh quên?

Bất cứ dòng nhạc nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu của nó. Nhưng thực tế, thì dù đã đi qua hơn nửa thế kỉ, những bản Bolero vẫn được người nghe đón nhận, thậm chí dù mỗi lần nghe vẫn thấy nguyên vẹn cảm xúc như lần đầu, còn nhạc trẻ thời gian gần đây thì gần như không ai còn nhắc đến chỉ sau 1, 2 năm. Vậy điều gì khiến nhạc Bolero có giá trị trường tồn đến như vậy?

Âm nhạc của tâm hồn

Xuất xứ từ một điệu nhạc của Mỹ Latinh, du nhập vào Việt Nam từ những năm 50, Bolero đạt cực thịnh và trở thành dòng nhạc phổ biến nhất của âm nhạc Việt thời kì đầu Tân nhạc.

Bolero dễ nghe, dễ thuộc, được viết hầu hết bằng nhịp 4/4 rất thuận tai người nghe. Bolero nguyên bản ở phương Tây vốn có giai điệu vui tươi, rộn ràng, nhưng khi về đến nước ta thì người chơi hay chuyển thành tiết tấu chậm, đều, hầu như ít cao trào và khúc thức đơn giản, tròn trịa, những câu hát thường ngân nga, trải dài (Gọi là lối hát Legato - PV) nên đôi khi nghe như tiếng thủ thỉ tâm sự, hay tiếng lòng sâu kín của một người đang cô đơn, buồn bã, nhớ nhung.

Khác với nhiều dòng nhạc khác, Bolero không nặng nề về trình diễn, không cần quá nhiều nhạc công hay kĩ thuật âm thanh hỗ trợ, không cần những bản phối khí quá hoành tráng, thường thì người hát Bolero chỉ cần một cây Guitar mộc, sự gần gũi, dung dị này có lẽ cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Bolero len lỏi được vào tận sâu trong tâm hồn nhiều tầng lớp nhân dân, và tạo cho Bolero một sức sống âm ỉ nhưng bền bỉ, trường tồn.

"Thần tượng Bolero" - Một trong những gameshow về âm nhạc thu hút được nhiều người quan tâm (Ảnh: Zing)

Nếu như một số dòng nhạc khác thường có xu hướng "hình tượng hóa", "lãng mạn hóa", thì Bolero ngược lại, thường được viết lên từ chính những tiếng nói gần gũi nhất với thân phận con người, như những "Kiếp nghèo", "Hai đứa giận nhau", "Nỗi buồn gác trọ" hay "Nhớ người yêu"... Bolero là dòng nhạc lãng mạn nhưng không lảng tránh hiện thực mà miêu tả gần nhất, thật nhất với những ưu tư, sầu tủi của mỗi con người. Ví dụ như chúng ta có những câu hát rất nên thơ mà rất đời thường như: "Em ơi suốt đêm thao thức vì em..." hay "Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi...", "Mắt em buồn, trong sương chiều anh thấy đẹp hơn...", cảm giác như tất cả đều vang lên hết sức đơn giản, không cầu kì ước lệ nhưng vẫn đầy xúc cảm.

Một đặc điểm nổi bật nữa của Bolero là thường hay nói về nỗi buồn, nhưng là nỗi buồn đẹp như thơ, chất chứa bao tâm tư nỗi niềm. Mà từ xưa đến nay, con người ta có mấy ai thoát khỏi nỗi buồn, cũng vì lẽ đó mà Bolero dù sau 60 năm vẫn là những giai điệu đồng cảm thân thương nhất với con người Việt Nam, như những giai điệu giúp xoa dịu và chữa lành những nỗi buồn thương

Đơn giản nhưng mang nặng triết lý, có tính khái quát cao

Bolero dễ nghe, dễ thuộc là điều hầu như ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên, mỗi ca khúc Bolero luôn có phần ca từ với tính khái quát rất cao, đôi khi còn mang tầm triết lý của cả một thời đại, mà dường như ai nghe cũng thấy mình trong đó.

Một trong những người nhạc sỹ viết Bolero nổi tiếng nhất trong suốt của thế kỉ qua là nhạc sỹ Vũ Thành An, từ những năm 50, 60 của thế kỉ trước, nhạc sỹ Vũ Thành An đã có những ca khúc với phần ca từ mà cho đến tận bây giờ người nghe vẫn cảm thấy "thấm thía", như: "Có một lần mất mát mới thương người đơn độc, có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu...", hay "Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa...". Hay như Tú Nhi đã viết "Người làm người buồn vì mơ cao ước dài..."

Những câu hát dường như không còn chỉ nghe để giải trí, để khuây khỏa, mà là để ngẫm, để thấm, và để lý giải cho những mất mát của cuộc đời.

Nhạc sỹ Vũ Thành An (Ảnh: Thanh Niên)
Nhạc sỹ Vũ Thành An (Ảnh: Thanh Niên)

Điểm lại những tên tuổi nhạc sỹ Bolero nổi tiếng thời bấy giờ như Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trúc Phương, Hoàng Thi Thơ... đều là những nhạc sỹ rất dồi dào về ca từ, nhiều ca khúc các nhạc sỹ viết lên tưởng như đơn giản về ý tứ, không ẩn dụ hàm ý, nhưng nghe nhiều, nghe lâu mới thấy như đã được đúc kết từ rất nhiều trải nghiệm. Một lý do nữa là hầu như các nhạc sỹ thời đó viết nhạc bằng chính tâm tư, tình cảm, nối lòng của mình chứ không viết nhạc theo "đơn đặt hàng" hay chạy theo những "trào lưu" thiếu cảm xúc của một bộ phận khán giả bất kì nào.

Có lẽ, đây là một trong những lý do lớn nhất để Bolero cứ ngấm sâu và bền bỉ vào lòng khán giả yêu nhạc trong nhiều năm qua.

Luôn có những giọng ca Bolero mang tầm thế hệ

Được coi là "âm nhạc bình dân", Bolero hầu như không thể so sánh về học thuật hay kĩ thuật với bất kì dòng nhạc nào. Thế nhưng, để hỏi dòng nhạc nào có những danh ca có thể tạo ra cả một trường phái trong âm nhạc, thì chắc chắn rằng, đó chính là Bolero.

Từ những ngày đầu Tân nhạc, công chúng được thưởng thức một chất giọng vừa sang trọng hàn lâm, lại vừa rất "Việt Nam", đó là danh ca Thái Thanh. Trong suốt cuộc đời mình, Thái Thanh dành phần lớn để hát nhạc Phạm Duy và những bản Bolero mang đậm dấu ấn và hồn cốt dân tộc. Giọng ca Thái Thanh đã tạo ra cả một trường phái âm nhạc mà nhiều thế hệ sau này vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ.

Danh ca Thái Thanh và con gái (Ảnh: Zing)
Danh ca Thái Thanh và con gái (Ảnh: Zing)

Sau Thái Thanh, Bolero còn mang đến cho chúng ta những giọng ca tuyệt vời như Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Giao Linh, Chế Linh, Bảo Yến, Tuấn Vũ... những cái tên mà chỉ cần nghe đến thôi đã cảm thấy gợi ra cả một không gian, màu sắc âm nhạc riêng biệt không thể trộn lẫn, không thể phai mờ.

Bolero luôn "dễ dãi" và gần gũi là thế, cảm thấy như ai cũng có thể thuộc và hát, nhưng có lẽ đó cũng chính là không gian tuyệt vời cho các ca sỹ có điều kiện sáng tạo và thể hiện cá tính âm nhạc của mình, không bị đóng khung trong những giới hạn của kĩ thuật hay khẩu hình, cách phát âm.

Việc xuất hiện nhiều "thần tượng" của một dòng nhạc cũng là một trong những lý do khiến công chúng biết đến Bolero nhiều hơn, nhu cầu thưởng thức cũng lớn hơn, thêm yêu thích và say mê Bolero như một nét văn hóa bình dị, đẹp đẽ. Từ đó, Bolero càng thêm gắn bó với người yêu nhạc Việt Nam.

Lan Anh

Ra mắt sách 'Lam Phương - trăm nhớ ngàn thương'

Ra mắt sách 'Lam Phương - trăm nhớ ngàn thương'

Cuốn sách chân dung âm nhạc Lam Phương vừa được ra mắt công chúng, đánh dấu 70 năm sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông.