Cải cách tiền lương trong khu vực công
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7.
Theo Nghị quyết 27, yêu cầu thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7%/năm.
Một trong những điểm đột phá của chính sách tiền lương mới là việc bỏ công thức tính lương theo lương cơ sở, hệ số, ngạch bậc như lâu nay. Thay vào đó sẽ có 5 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Mỗi chức vụ sẽ có một mức lương cụ thể, thể hiện rõ thứ bậc. Bên cạnh đó, quan hệ tiền lương cũng được mở rộng từ biên độ 1-2,34-10 lên 1-2,68-12.
Tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7/2024
Ngày 20/12/2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời điểm tăng lương tối thiểu vùng là từ ngày 01/7/2024.
Với mức điều chỉnh lương tối thiểu thêm 6%, thì tiền lương tối thiểu sẽ tăng thêm 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng.
Cụ thể, sau khi điều chỉnh tăng thì mức lương tối thiểu theo từng vùng như sau: Lương vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng.
(Hiện hành, tiền lương tối thiểu vùng dao động từ 3.250.000 đồng đến 4.680.000 đồng)
Đối với mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ ngày 1/7/2024. Cụ thể, vùng 1 tăng lên 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.
Đề xuất tăng lương hưu
Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thông qua dự toán ngân sách nhà nước trong năm, với số thu được xác định khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.
Về thực hiện cải cách tiền lương, Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương, bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
Như vậy, lương hưu sẽ được điều chỉnh từ 1/7. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cụ thể ra sao cần chờ văn bản quy định của Chính phủ.
Lần tăng lương hưu gần nhất là từ 1/7/2023 theo quy định tại Nghị định 42/2023/NĐ-CP với mức tăng 12,5% hoặc 20,8% tùy các đối tượng cụ thể.
Nhằm bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8% là phù hợp. Đề xuất trên căn cứ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%.