1. Phương hướng cho ban công phòng khách
Ban công phòng khách tốt nhất nên nằm ở hướng Đông, kị hướng Tây. Bởi mặt trời mọc ở phía Đông, sẽ mang nguồn ánh sáng trong lành vào buổi sáng, nguồn năng lượng lưu thông tốt cho cả ngôi nhà giúp tài vận hanh thông, tình cảm gia đình tốt đẹp.
Nếu ban công ở hướng Nam cũng khá phù hợp vì mang lại nguồn khí mát cho ngôi nhà.
Nếu ban công ở hướng Bắc sẽ có nhược điểm là phải hứng chịu các cơn gió lạnh, mưa bão ảnh hưởng đến sức khỏe cả gia đình. Còn nếu ở hướng Tây sẽ bị ánh nắng chiếu gay gắt cả ngày và đêm, không tốt cho sức khỏe.
2. Vị trí đặt ban công phòng khách
Nếu ban công đối diện với cửa ra vào lớn, đường lớn hoặc phòng bếp sẽ hình thành thế “Xuyên tâm”, khó tụ tài, tụ khí đoàn kết trong gia đình, vợ chồng xuất hiện tình trạng ngoại tình, con cái ham chơi, bất hiếu.
Trong trường hợp ban công đối diện cửa lớn của nhà khác có thể treo nhiều giỏ hoa màu sắc và rủ xuống phía dưới.
Ngoài ra, nếu ban công đối diện với những công trình kiến trúc lớn mà góc cạnh xuyên thẳng vào ban công cũng không tốt cho sức khỏe và mối quan hệ của mọi thành viên trong gia đình.
3. Công dụng của ban công phòng khách
Công dụng chủ yếu của ban công chính là đón luồng khí và ánh sáng từ thiên nhiên vào ngôi nhà, giúp nhà thoáng mát và tràn đầy năng lượng tích cực. Do đó, không nên biến ban công thành nơi nằm ngủ hay để kệ sách, máy giặt…sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, sự nghiệp, chuyện học hành thi cử.
4. Những cây cảnh thích hợp đặt ở ban công phòng khách
Ban công nên thiết kế gần gũi với thiên nhiên bằng nhiều loại cây cảnh hoặc hồ nước. Có khá nhiều loại cây thích hợp.Nhưng nhìn chung những loại cây có lá màu xanh thẫm, ưa nắng và có sức sống mãnh liệt là phù hợp nhất.
Cây Cau cảnh
Họ nhà Cau vốn dĩ là những cây chịu hạn rất tốt. Hầu như đặc trưng của làng quê Việt Nam là hàng Cau thẳng tắp cao vút trước sân nhà. Nhiều gia đình bây giờ lại hay chuộng trồng Cau cảnh trang trí nhà cửa.
Vì cùng đặc tính sinh trưởng nên Cau cảnh cũng chịu được nắng, thích gió và nơi thoáng đãng, khá thích hợp để trồng trên ban công. Bạn có thể trồng trong chậu riêng hoặc trồng trong thùng xốp xen kẽ Trầu Bà, Thịnh Vượng, Cô Tòng Lá Đốm đều được.
Cây Trúc
Ban công ngập nắng được trang trí vài chậu Trúc cảnh nhỏ cũng là gợi ý thú vị. Cây vừa thanh lọc không khí, mang đến sự trong lành mát mẻ cho căn phòng bên trong, lại tạo cảnh quan đẹp mắt. Tuy nhiên, nếu trời có mưa nhiều và gió lớn thì bạn hãy đóng chặt cửa bởi lá Trúc có thể rơi rụng vương vãi khắp nơi đấy.
Sen Đá - Xương Rồng
Sen Đá, Xương Rồng nguyên sơ là những loài cây mọc hoang, nơi đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước, nhiều nắng. Hai giống cây này có sức sống rất mạnh mẽ, lại nhỏ xinh và nở hoa rất đẹp. Chính về thế, chúng được yêu thích đem trồng chậu làm cây cảnh trang trí. Với những đặc điểm sinh học như vậy, Sen Đá và Xương Rồng hoàn toàn phù hợp để trồng tô điểm nơi ban công nhà bạn.
Cây Nha Đam
Cây Nha Đam còn được biết đến với tên gọi khác là Lô Hội, cũng là cây có sức sống cao, dễ trồng, dễ chăm, dễ sống. Lá cây mọng nước, mọc từ gốc, nhỏ dần lên ngọn và nhọn đầu. Cây không cần tưới nước quá nhiều, lại khá thích ánh nắng. Do đó, ban công là nơi lý tưởng để trồng loại cây này.
Cây Dương Xỉ
Dương Xỉ cũng là loài cây hay mọc hoang ở vùng núi đá, rừng nhiệt đới, nơi ẩm ướt của vùng cận nhiệt. Đây là loại cây dây leo, có tua cuốn, lá giống hình lược rất đẹp - lý do khiến cây trở thành cây cảnh được trồng treo chậu ở nhiều nơi. Có thể nói Dương Xỉ là cây trồng ban công dễ sống, lọc khói bụi khá tốt mà còn tạo mỹ quan độc đáo.
Ngoài ra còn có khá nhiều cây trồng dễ sống mà bạn có thể lựa chọn như: Trầu Bà, Chuỗi Ngọc, Cọ...
Các loài hoa leo
Các loại cây hoa leo thường có sức sống rất mãnh liệt, chịu được khô hạn, vừa giúp không gian xanh mát lại tạo nên cảnh quan sặc sỡ, sinh động. Chúng sẽ là lựa chọn tuyệt vời để trồng trang trí nơi ban công nhà bạn. Một số cây điển hình như: cây hoa Giấy, hoa Huỳnh Anh, hoa Triệu Chuông, hoa Hồng leo, hoa Tigon, …