1. Thanh khoản là gì?
Thanh khoản là một khái niệm trong lĩnh vực tài chính. Tính thanh khoản tiếng Anh gọi là Liquidity, chỉ mức độ lưu động (hay còn gọi là tính lỏng) của một sản phẩm/tài sản bất kì có thể được mua vào hoặc bán ra trên thị trường mà giá thị trường của nó không bị ảnh hưởng nhiều.
Hiểu một cách đơn giản, tính thanh khoản là thuật ngữ dùng để chỉ khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản hoặc một sản phẩm.
Ví dụ tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất bởi nó có thể dùng để “bán” (đổi lấy hàng hóa/dịch vụ) mà giá trị hầu như không thay đổi. Còn các tài sản khác như bất động sản, nhà máy, máy móc... có tính thanh khoản thấp hơn vì để chuyển đổi các tài sản này thành tiền mặt phải mất một thời gian rất dài.
Ý nghĩa của thanh khoản:
Tính thanh khoản cho thấy sự linh hoạt và an toàn của một tài sản/thị trường:
- Tài sản ngắn hạn/lưu động có tính thanh khoản cao khi giá của nó ít bị biến động trên thị trường.
- Thị trường hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì tính thanh khoản càng cao.
Xếp loại tài sản theo tính thanh khoản:
Trong kế toán, các tài sản ngắn hạn/lưu động được sắp xếp theo tính thanh khoản từ cao đến thấp như sau:
- 1. Tiền mặt.
- 2. Đầu tư ngắn hạn.
- 3. Khoản phải thu.
- 4. Ứng trước ngắn hạn.
- 5. Hàng tồn kho.
Tiền mặt có tính thanh khoản cao nhất vì luôn luôn dùng được trực tiếp để thanh toán, lưu thông, tích trữ.
Hàng tồn kho có tính thanh khoản thấp nhất do phải trải qua giai đoạn phân phối và tiêu thụ, rồi mới chuyển thành khoản phải thu, sau đó một thời gian mới chuyển thành tiền mặt.
Ngoài 5 loại tài sản nêu trên chứng khoán cũng là một loại tài sản có khả năng thanh khoản.
2. Tính thanh khoản trong vàng
Vàng có tính thanh khoản cao, vì bất cứ lúc nào cũng có thể bán ra một lượng lớn vàng có giá trị cao ở mức giá hiện tại của thị trường. Bất động sản có tính thanh khoản thấp vì đôi khi phải đợi người mua mới bán được tài sản đó dù đang rao bán ở giá thị trường.
Do vàng dễ mua và bán nhanh chóng nên gọi là thanh khoản cao. Còn bất động sản được định giá rõ ràng, nhưng để được bán với giá đã định hay thấp hơn chút xíu cũng không thể bán được ngay.
Nên ta gọi bất động sản có tính thanh khoản kém. Tính thanh khoản có thể xem như là đặc tính chỉ rõ một loại hàng hóa nào đó có được nhiều người chọn lựa mua bán hay không.