“Cầm thư quán”: Lận đận qua nhiều năm, đã trở lại với bạn đọc

Lê Quang Vinh

"Cầm thư quán" của nữ nhà văn Hà Thủy Nguyên sau bao lận đận cũng đã có cuộc ra mắt tại Hà Nội ắp đượm nồng thắm tình người.

Nhân dịp ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Cầm thư quán”, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Khúc Hải du chốn Long thành” với sự góp mặt của hai diễn giả: Nhà văn Hà Thủy Nguyên - tác giả cuốn sách và nhà văn Đức Anh.

Tại buổi tọa đàm, ra mắt sách, từ trái sang: Nhà phê bình văn học - dịch giả Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Hà Thủy Nguyên - tác giả cuốn sách và nhà văn Đức Anh. Ảnh: L.Q.V
Tại buổi tọa đàm, ra mắt sách, từ trái sang: Nhà phê bình văn học - dịch giả Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Hà Thủy Nguyên - tác giả cuốn sách và nhà văn Đức Anh. Ảnh: L.Q.V

Tại buổi tọa đàm, độc giả đã được nghe chia sẻ của nhà văn Hà Thủy Nguyên về cuốn sách “Cầm thư quán”, về cách tác giả làm mới bản thân trong ấn phẩm này. Theo tác giả Hà Thủy Nguyên: “Cầm thư quán” là cuốn tiểu thuyết dựa trên bối cảnh lịch sử thời Lê Thánh Tông với bầu không khí tài tử giai nhân. Cuốn sách được viết theo lối duy mỹ với những nhân vật trong sự xung đột giữa những giáo lý Nho giáo với khát khao tự do và đeo đuổi chân mỹ được ký thác qua Đạo gia, Thiền tông và thú vui tài tử…”.

Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ góc nhìn của mình về những mong cầu, khát khao của người phụ nữ; về quá trình thực hiện tiểu thuyết “Cầm thư quán” và phương cách chuyển hóa nguyên mẫu thành nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử.

Lấy bối cảnh ở thời Hồng Đức thịnh vượng, khi Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) tại vị, tiểu thuyết “Cầm thư quán” viết về hai chị em Ngọc Thư và Ngọc Cầm, sống trong Cầm thư quán bên hồ Dâm Đàm (hồ Tây - Hà Nội), được bao quanh bởi sông nước mây trời và đầm sen thanh mát. Cả hai nàng đều tài sắc vẹn toàn, đàn hay, thơ giỏi, ham đọc sách, nhưng tính cách lại không giống như những nữ nhi thường tình, không ham vinh hoa, quyền quý.

Nét chung của Ngọc Thư và Ngọc Cầm là đều có cái nhìn khinh bạc những kẻ ham hư vinh, bất chấp mọi giá, luồn cúi vì địa vị cao sang; đồng thời, luôn khao khát được tự do, vươn mình ra biển lớn, được sống cuộc đời phiêu du bất tận. Khát khao ấy thường trực trong tâm thức hai cô gái, như tiếng sóng biển, như khúc “Hải du” dang dở luôn thôi thúc.

Ngọc Thư và Ngọc Cầm chính là đại diện của những phụ nữ khát khao học hỏi, khám phá, những luôn mong vượt thoát trong một xã hội Nho giáo đầy các luân lý trói buộc giới nữ.

Mong muốn đó đã được thể hiện qua tâm sự của Ngọc Thư: “Nhiều khi chị tự hỏi chúng ta sẽ ra sao nếu chúng ta chỉ là những người con gái bình thường. Cần gì phải mang trong mình một bồ kinh sử, cần gì tới ngón đàn đắm đuối lòng người, và càng chẳng cần tới nhan sắc diễm tuyệt này…”, rồi nữa: “Tạo hóa trêu ngươi! Tại sao lại sinh ra số mệnh của chị em ta như vậy? Chúng ta không thuộc về nơi này ư? Vốn dĩ chúng ta là những kẻ cô đơn…” và “Đôi khi em chỉ ước mình là một kẻ tầm thường, chỉ biết quay tơ dệt lụa, trong đầu thông thuộc tam tòng, tứ đức thì chắc em sẽ chẳng biết đến nối cô đơn…”.

“Cầm thư quán” - được ấn hành bởi NXB Phụ nữ Việt Nam, năm 2024. Ảnh: L.Q.V
“Cầm thư quán” - được ấn hành bởi NXB Phụ nữ Việt Nam, năm 2024. Ảnh: L.Q.V

"Cầm thư quán" là cuốn tiểu thuyết dựa trên bối cảnh lịch sử thời Lê Thánh Tông với bầu không khí tài tử giai nhân. Nhưng thực ra, trong tác phẩm này, việc mượn hình tượng Thánh Tông cũng chỉ là cái cớ để tác giả giãi bày về nỗi cô đơn trong cuộc sống con người.

Trong xuyên suốt "Cầm thư quán", khúc “Hải du” dang dở được Ngọc Cầm gảy lên như một cách để giải tỏa muôn tiếng tơ lòng, ngàn mong cầu chưa thỏa, bởi lẽ tri thức, cái đẹp, sự phiêu diêu, tự do tự tại chẳng dễ tìm, ngay cả ở thời Hồng Đức thịnh thế... Bởi vậy, tác phẩm bỏ ngỏ nhiều suy tư, truy vấn về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống và đời người.

Bằng ngòi bút tài hoa, Hà Thủy Nguyên đã dệt nên một tấm gấm văn chương - nơi những dòng chảy của lịch sử, âm nhạc và những khát vọng lớn lao của con người đan xen tạo nên bức tranh đa sắc về thời đại Lê Thánh Tông. Tác giả đã thể hiện vẻ đẹp đậm chất Á Đông, khác với lối viết như ta thường thấy trong việc tôn thờ cái đẹp theo kiểu phương Tây.

Nhà văn - dịch giả Hà Thủy Nguyên (tên khai sinh: Nguyễn Phương Thảo) sinh năm 1986. Cô viết văn từ năm 14 tuổi, với nhiều tác phẩm gây xôn xao văn đàn như: “Điệu nhạc trần gian” (tiểu thuyết dã sử, NXB Phụ nữ), “Thiên mã” (tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, NXB Kim Đồng), “Bên kia cánh cửa” (tập truyện ngắn huyền ảo, NXB Văn học), “Mùa dã cổ” (thơ, NXB Hội Nhà văn), “Thiên địa phong trần” (tiểu thuyết, 3 tập, NXB Phụ nữ Việt Nam, đã xuất bản 2 tập)… Hiện Hà Thủy Nguyên là người sáng lập và quản trị nội dung tại Book Hunter. 

Ba phiên bản của “Cầm thư quán” được xuất bản qua các năm, từ trái sang: 2018, 2008 và 2024. Ảnh: L.Q.V 
Ba phiên bản của “Cầm thư quán” được xuất bản qua các năm, từ trái sang: 2018, 2008 và 2024. Ảnh: L.Q.V 

Riêng “Cầm thư quán” lại có một đời sống chật vật, khá thú vị. Cuốn sách này được Hà Thuỷ Nguyên viết từ lúc 19 tuổi, trong 3 tháng - từ tháng 8 đến tháng 11.2005. Tới năm 2008, “Cầm thư quán” được ấn hành bởi NXB Phụ nữ, nhưng liền đó lại bị cấm lưu hành mà không thấy cơ quan quản lý xuất bản nêu rõ lý do. Nhưng thực tế, lệnh cấm này có thể bắt nguồn bởi lý do khá ấu trĩ ở thời đó (như nhận xét của nhiều nhà văn và các đơn vị xuất bản) rằng: Ấn phẩm đã làm “hạ bệ thần tượng”, khiến phai lạt ít nhiều hình ảnh Lê Thánh Tông.

Cho tới sau 10 năm sau (2018), “Cầm thư quán” lại tiếp tục được cấp phép ấn hành, bởi NXB Hội Nhà văn. Điều ấy cũng cho thấy công tác kiểm duyệt xuất bản khi đó đã có phần cởi mở hơn. Và đến nay, năm 2024, sau 6 năm, “Cầm thư quán” lại có dịp “châu về Hợp phố” cùng NXB Phụ nữ Việt Nam, dày 172 trang. Đó là một cuốn sách, mà như bà Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam) đã tâm sự: “lần nào cầm nó trên tay, mình cũng cảm thấy rưng rưng…”.

Những tác phẩm của Hà Thủy Nguyên, bao gồm nhiều thể loại, đã được ấn hành. Ảnh: L.Q.V 
Những tác phẩm của Hà Thủy Nguyên, bao gồm nhiều thể loại, đã được ấn hành. Ảnh: L.Q.V 

Cầm thư quán” thực sự là một tác phẩm đa nghĩa, đã được tác giả dụng công nghiên cứu từ những tư liệu lịch sử, khởi nguồn từ những văn bản đầu tiên là thơ, bởi trong đó ẩn chứa nhiều cái tình. Sự giằng co của các nhân vật trong “Cầm thư quán” chính là sự giằng co giữa các tính cách của con người.

Nhận xét về “Cầm thư quán”, nữ nhà văn Lê Phương Liên - người đã từng có tác phẩm viết về nhân vật lịch sử Lê Thánh Tông, in tại NXB Kim Đồng - cho rằng: “Đọc “Cầm thư quán”, thấy một Lê Thánh Tông đời hơn, bởi tác giả đã thể hiện được thần thái bên trong của nhân vật”. Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa cao niên Nguyễn Khắc Mai cho rằng: “Mượn lịch sử để viết, là một sự táo bạo của một tác giả trẻ. Điều đó cho thấy sự tự do trong ý chí của người cầm bút…”.