Cần gì để thị trường bất động sản phát triển?

Thị trường BĐS năm 2021 khó có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, ảo hay bong bóng; ngược lại, sẽ theo hướng ổn định và bền vững hơn năm 2020 khi kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư tăng trở lại.

Năm 2020, thị trường địa ốc TP.HCM gặp không ít sóng gió bởi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, khiến thị trường trầm lắng. Năm 2021, các tập đoàn, công ty bất động sản và nhà đầu tư rất quan tâm để duy trì hoạt động kinh doanh và đầu tư kiếm lợi nhuận.

Trước hết, các chính sách pháp lý, hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường. Các quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án.

Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông để sớm đưa vào sử dụng.

Trong năm 2021, thị trường BĐS cả nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, ổn định và chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng “đóng băng”, hoặc “bong bóng” BĐS do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao.

Phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền nhiều người (bao gồm nhà ở thương mại có giá trung bình, nhà ở thương mại có giá thấp, nhà ở xã hội) sẽ giữ vai trò chủ đạo của thị trường BĐS, là cơ hội để người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư tạo lập được nhà ở.

Theo dự báo, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn để đầu tư kinh doanh bất động sản, do nhu cầu về sản phẩm hàng hóa bất động sản như nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, công trình văn phòng - thương mại - dịch vụ, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng... của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Xây dựng sẽ bám sát tình hình thị trường để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, nhằm giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Bộ Xây dựng đề xuất, cần khai thác, sử dụng bất động sản hiệu quả, đặc biệt là bất động sản đất đai, để khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai, nhà và công trình trên đất phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng với đó, phát triển đa dạng các loại bất động sản, đảm bảo cân đối cung - cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn. Phát triển cơ sở hạ tầng đi đôi với cải tạo, chỉnh trang đô thị lớn thành các thành phố thông minh, hiện đại, gắn kết với việc phát triển đô thị vệ tinh để lan toả sự phát triển và phân bố lại cung - cầu bất động sản.

Ngoài việc bổ sung công trình được miễn giấy phép xây dựng như quảng cáo, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động…, thời gian cấp giấy phép xây dựng cũng chỉ còn thời hạn 20 ngày, rút ngắn 10 ngày so với trước đây; đồng thời, bỏ quy định về điều kiện bố trí đủ vốn theo tiến độ xây dựng công trình...

Thêm một luật liên quan cũng có tác động đến lĩnh vực bất động sản là Luật Bảo vệ môi trường 2020. Điển hình là quy định việc quy hoạch khu đô thị, khu dân cư tập trung phải hướng tới phát triển khu đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo đảm tỷ lệ diện tích cây xanh, mặt nước, cảnh quan theo quy định của pháp luật... Điều này sẽ giúp định hướng phát triển bền vững ngành xây dựng và thị trường bất động sản trong năm 2021 và cả trong trung hạn, dài hạn.

Nhật Hạ

( Tổng Hợp)