Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch 7/5, một số cổ phiếu lớn trong ngành dệt may như cổ phiếu TCM của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công giảm 12 so với đầu tháng 4, ở mức giao dịch 117.000 đồng/đơn vị.
Cổ phiếu TNG của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tiếp tục giảm, giao dịch ở mức 20.600 đồng/cổ phiếu, giảm 13% so với đầu tháng 4. Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang niêm yết cổ phiếu VGT ở mức 14.800 đồng/đơn vị, giảm 17% so với đầu tháng 4.
Thực tế, sự phục hồi của các doanh nghiệp dệt may đã được nhiều chuyên gia, giới phân tích dự báo với các yếu tố tăng trưởng phải kể tới như việc phục hồi chuỗi phục sản xuất, các đơn hàng truyền thống quay trở lại sau dịch.
Một số doanh nghiệp có nguyên liệu phù hợp đã chuyển đổi một phần năng lực sản xuất sang may khẩu trang và đồ bảo hộ lao động, đa dạng hoá các sản phẩm đầu ra.
Cùng với đó, ngành dệt may được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau đại dịch ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc; giá trị xuất khẩu ngành phục hồi từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ký kết. Đồng thời có thể đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc kéo theo sự dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc quý I năm 2021 tăng nhẹ ở mức 1,1% so với cùng kỳ, ước đạt 7,2 tỷ USD. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có đơn hàng đến hết tháng 4 năm 2021. Những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8 năm 2021, thậm chí đơn hàng cho cả năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp đã báo lãi trong quý I năm 2021 như VGT lãi hợp nhất sau thuế 200,4 tỷ đồng sau thuế, tăng 28,5% so với quý I năm 2020; TCM lãi hợp nhất đạt 154,5 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Mới nhất, Công ty cổ phần May Sông Hồng (Mã chứng khoán: MSH) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm 2021 với lợi nhuận sau thuế đạt 92,1 tỷ đồng, tăng 44% so với quý I năm 2020.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may hiện vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức về giá nguyên liệu đầu vào bao gồm bông, sợi tăng cao, đơn hàng tăng nhưng đơn giá giảm…
Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2021, giá bông nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam tăng 0,87% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức trung bình 1.625 USD/tấn. Riêng giá nhập khẩu từ thị trường cao nhất là Australia với mức giá 1.917 USD/tấn.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: “Từ tháng 12/2020 - tháng 2/2021, giá sợi tăng mạnh gây khó khăn cho các doanh nghiệp dệt mkhiến những người làm dệt, may rất căng thẳng. Hiện nay, những đơn vị làm dệt gần như khó làm nổi, do giá vải chưa tăng lên, hoặc tăng không đáng kể, trong khi giá sợi đã tăng 25%”.
“Bên cạnh áp lực giảm giá chung của thị trường thì doanh nghiệp ngành dệt còn chịu áp lực về nguyên liệu đầu vào, trong khi chuỗi chưa điều chỉnh giá vải bán ra. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp, tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm. Dự kiến lượng bông tiêu thụ năm nay của thế giới vượt quá lượng bông có thể thu hoạch 1 triệu tấn”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết thêm.
Đơn cử, TNG ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 911 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; tuy nhiên giá vốn hàng bán cũng tăng cao nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 111 tỷ đồng.Trong kỳ, chi phí bán hàng giảm được gần một nửa, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng thấp hơn cùng kỳ nhưng do lãi gộp giảm nhiều nên kết quả TNG chỉ lãi sau thuế 22 tỷ đồng giảm 34% so với quý I năm 2020.
TNG cho biết, các đơn hàng sản xuất quý IV/2020 đã xuất vào quý I năm 2021 nên doanh thu quý I tăng cao so với cùng kỳ. Đối với các đơn hàng mới ký với khách hàng trong quý 1 năm 2021 dù số lượng sản phẩm nhiều hơn nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh đơn, giá thấp hơn với cùng kỳ từ 5 - 10%. Trong khi đó, các chi phí đầu vào, chi phí phải trả cho người lao động không giảm dẫn đến chi phí cho một sản phẩm tăng so với cùng kỳ.
Về phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Phó Chủ tịch Trương Văn Cẩm cho biết, các doanh nghiệp dệt may rất trông chờ vào bài toán xuất khẩu sau khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTAs) nhưng chưa đáp ứng được quy định khắt khe về quy trình sản xuất và nguyên liệu phải được sản xuất trong nước hoặc nội khối.
Theo Phó Chủ tịch VITAS, cái khó của ngành dệt may là nhiều địa phương không mặn mà với các dự án dệt, nhuộm bởi lo ngại ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, việc doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu không mất thuế, trong khi đó doanh nghiệp sử dụng sợi trong nước khi xuất khẩu phải nộp 10% thuế VAT khiến cho nhiều doanh nghiệp vẫn chọn sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
Mặc dù khi chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ được hoàn lại 10% nhưng thời gian hoàn thuế cho số tiền doanh nghiệp đã tạm ứng này lâu từ 6-9 tháng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị treo một khoản tiền tương đối lớn.
Trước tình hình có thể tiếp tục khó khăn, một số doanh nghiệp như TNG, TCM và nổi bật như Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã chứng khoán: GIL)… vẫn duy trì ngành lõi song song với mở rộng lĩnh vực kinh doanh; trong đó chủ yếu tập trung triển khai các dự án bất động sản trên lợi thế quỹ đất hiện hữa nhằm đa dạng hoá nguồn tài chính cho doanh nghiệp.